Dệt may là một trong những mặt hàng gặp khó khăn về xuất khẩu trong quý I/2023. Ảnh: Quang Vinh.
Theo số liệu mới nhất được Tổng cục Thống kê công bố, quý I/2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 154,27 tỷ USD, giảm 13,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 11,9%; nhập khẩu giảm 14,7%.
Trong quý I có 14 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 77,4% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52,8%, bao gồm: Điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt may. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu quý I, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản chiếm 1,3%; nhóm hàng công nghiệp chế biến chiếm 88,7%; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,3%.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa quý I/2023 ước đạt 75,1 tỷ USD, giảm 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 26,03 tỷ USD, giảm 13,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 49,07 tỷ USD, giảm 15,4%. Trong quý I/2023 có 17 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 75,1% tổng kim ngạch nhập khẩu. Trong đó có 2 mặt hàng nhập khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 37,6%, bao gồm: Điện tử, máy móc và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác.
Lý giải nguyên nhân sụt giảm, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng do kinh tế thế giới phục hồi chậm sau dịch bệnh, chiến tranh, lạm phát với chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn đã ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Các thị trường truyền thống bị giảm đơn hàng, thị trường mới không có hoặc yếu. Việc để mất thị trường truyền thống vào đối tác khác cũng là một nguyên nhân. Hơn nữa, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng giảm đi rất nhiều trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.
“Điểm đáng lưu ý là xuất khẩu vẫn dựa nhiều vào khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài. Do sản xuất và xuất khẩu của khối này lại phụ thuộc vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu nên mỗi khi có biến động xảy ra đối với chuỗi cung ứng, xuất khẩu của nước ta sẽ chịu tác động mạnh hơn” - ông Thịnh nói.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng cho rằng, tình hình kinh tế thế giới suy thoái, nguồn cầu giảm, đơn hàng ít là những nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm tăng trưởng xuất nhập khẩu thời gian qua.
Giới chuyên gia nhấn mạnh, quan trọng nhất vẫn là thị trường. Cụ thể, theo ông Thịnh, phải có thị trường chúng ta mới xuất khẩu được và phải xuất khẩu mạnh thì mới nhập nhiều nguyên vật liệu.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Minh Phong cũng khẳng định, thị trường là yếu tố sống còn, là đích đến cuối cùng của sản phẩm. Do đó giải pháp đưa ra vẫn là phải tìm kiếm thị trường.
Đề xuất giải pháp để xuất nhập khẩu hàng hóa tiến tới mục tiêu bền vững, giới chuyên gia cho rằng cần phải gỡ nút thắt về thị trường. Xuất nhập khẩu của nước ta phụ thuộc vào một số thị trường lớn và truyền thống nên khi nhu cầu, thị hiếu của một nước thay đổi sẽ tác động rất lớn đến việc xuất nhập khẩu của chúng ta.
Lấy ví dụ, trong quý I/2023 thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa của nước ta tập trung vào 2 nước là Hoa Kỳ (thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 20,6 tỷ USD) và Trung Quốc (thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch ước đạt 23,6 tỷ USD), PGS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, khi 2 thị trường này biến động thì hoạt động xuất nhập khẩu của chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đó, nhà quản lý, DN cần chủ động trong việc tìm kiếm thị trường để tránh phụ thuộc vào những thị trường truyền thống. Đồng thời cần phải khai thác triệt để thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cần có những ưu tiên, ưu đãi cho những DN sản xuất của Việt Nam như khơi thông dòng vốn, ưu đãi thuế, đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ...
Nguồn: Daidoanket.vn