FTA Việt Nam- Israel: Thêm “chìa khóa” mở cửa thị trường xuất khẩu
Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Israel hoàn tất đàm phán được hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu hào hứng đón nhận.
Thông tin Hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam- Israel hoàn tất đàm phán ngày 2/4 vừa qua được hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp (DN) hào hứng đón nhận và mong muốn hiệp định sớm được thực thi, giúp DN có thêm thị trường, gia tăng xuất khẩu.
Thị trường mới, cơ hội mới
Ông Phạm Xuân Hồng- Chủ tịch Hội Dệt May Thêu Đan TP. Hồ Chí Minh - chia sẻ, 3 tháng đầu năm xuất khẩu dệt may rất khó khăn, đơn hàng của DN giảm 30-40%; các nhà nhập khẩu ở hầu hết các thị trường đều rất dè dặt khi đặt đơn hàng mới. Trong bối cảnh đó, việc hoàn tất đàm phán FTA Việt Nam- Israel có ý nghĩa đặc biệt, giúp DN dệt may có thêm cánh cửa để mở rộng xuất khẩu. Cho dù Israel chưa phải là thị trường thực sự lớn để tạo bước đột phá cho ngành nhưng về lâu dài sẽ rất có giá trị. “Để đón nhận FTA này, DN dệt may trong nước đã có bước chuẩn bị, chủ động kết nối với đối tác Ấn Độ, Pakistan tìm hiểu nguồn cung nguyên phụ liệu phù hợp với nhu cầu và văn hoá tiêu dùng của thị trường Israel để có thể tận dụng ngay khi hiệp định được thực thi và có đơn hàng xuất khẩu”- ông Phạm Xuân Hồng bày tỏ.
|
FTA Việt Nam- Israel là cơ hội giúp doanh nghiệp dệt may mở rộng thị trường xuất khẩu |
Ở góc độ DN, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng hữu cơ Việt Nam - rất vui mừng trước sự kiện FTA Việt Nam- Israel kết thúc đàm phán. Theo bà Hằng, đây là điều mong mỏi của nhiều DN Việt Nam, bởi sau khi kết thúc đàm phán và hiệp định được ký kết thực thi sẽ mở ra cơ hội giao thương rất lớn cho DN hai nước.
Cũng theo bà Hằng, cơ hội mở ra cho nông sản Việt Nam không chỉ tại thị trường Israel, mà còn mở ra cơ hội hợp tác với khu vực Trung Đông đầy tiềm năng thông qua cửa ngõ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Cùng với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang một số thị trường ngách, thị trường tiềm năng như Bangladesh, Pakistan. Đồng thời, coi các thị trường này là “bàn đạp” để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ với sức mua lớn của hơn 1,4 tỷ dân...
“FTA Việt Nam - Israel được ký kết, DN nhìn thấy tương lai rộng mở trong lưu thông huyết mạch hàng hóa nói chung, mặt hàng nông sản và mặt hàng gia vị nói riêng”- bà Hằng bày tỏ.
Với thủy sản- một trong những mặt hàng xuất khẩu Top đầu của Việt Nam sang Israel, ông Trương Đình Hòe - Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)- cho biết, Israel thuộc Top 22 thị trường hàng đầu trong số trên 100 thị trường xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Các mặt hàng xuất khẩu qua thị trường này gồm: Tôm, mực đông lạnh, cá ngừ đóng hộp, cá tra…
“Các mặt hàng thủy sản của Việt Nam hiện đã có chỗ đứng ổn định và được người tiêu dùng tại Israel ưa chuộng. Chính vì thế, dù FTA Việt Nam - Isarel chỉ mới ký kết nhưng theo lộ trình thuế quan sẽ dần giảm về 0%. Việc này sẽ tạo thuận lợi lớn cho DN xuất khẩu thủy sản, giúp họ có ưu thế hơn so với các đối thủ chưa có FTA với quốc gia này”- ông Hòe đánh giá.
Doanh nghiệp cần lưu ý gì?
Những lợi thế của FTA Việt Nam-Israel có thể dễ dàng nhận thấy, tuy nhiên, với bất cứ FTA nào, thị trường nào đều có những thách thức và đặc điểm riêng. Với kinh nghiệm theo dõi thị trường nước sở tại lâu năm, ông Lê Thái Hòa- Tham tán Thương mại Việt Nam tại Israel- cho biết, thị trường Isarel có một số đặc điểm các DN cần lưu ý để nâng cao hơn nữa giá trị xuất khẩu hàng hoá.
Đối với tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, Israel yêu cầu hàng hóa nhập khẩu phải tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn bản địa nhiều khi mang tính chất đặc thù. Bên cạnh đó, Israel cũng áp dụng theo các tiêu chuẩn của Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát khá nghiêm ngặt.
Cụ thể, Israel là đất nước có đặc trưng tôn giáo và sắc tộc nên các DN người Do Thái thường yêu cầu người xuất khẩu phải có chứng nhận Kosher, trong khi các doanh nghiệp người Ả Rập có thể yêu cầu chứng nhận Halal đối với một số chủng loại hàng hóa nhất định, chủ yếu đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng. Nhìn chung, các DN Israel kinh doanh năng động, thích ứng nhanh với biến động thị trường, làm ăn khá bài bản và nghiêm túc. Họ giao dịch nhanh, luôn chủ động tìm kiếm đối tác, bạn hàng qua nhiều kênh khác nhau, thích gặp gỡ trực tiếp đối tác, bạn hàng và đến tận nơi xem hàng hóa tại nhà máy sản xuất, muốn mua hàng trực tiếp của nhà sản xuất và không muốn qua trung gian. Tuy nhiên, các nhà nhập khẩu Israel có nhu cầu đa dạng và sức mua ổn định, khả năng thanh toán cao, sẵn sàng đặt cọc hoặc trả tiền trước.
Tập quán và thói quen kinh doanh của các doanh nghiệp Israel là muốn mua hàng thành phẩm, đã qua chế biến, có giá trị gia tăng cao, được đóng gói sẵn bao bì hoàn chỉnh, nhất là đối với nhóm hàng lương thực, thực phẩm và hàng tiêu dùng, kể cả hàng điện tử và hàng gia dụng. Các mặt hàng thành phẩm sẽ được đưa vào các kênh phân phối hoặc chuỗi siêu thị bán lẻ cho người tiêu dùng có thể sử dụng được ngay.
DN Việt Nam cần chú trọng chào hàng các sản phẩm chế biến có giá trị gia tăng cao, với giá cả cạnh tranh sát thực và chất lượng phù hợp, trả lời nhanh chóng các giao dịch với khách hàng người mua Israel, tuân thủ các yêu cầu về tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của Israel mới ban hành; tích cực quan tâm, đầu tư khai thác thị trường Israel; thường xuyên theo dõi sát những diễn biến về an ninh chính trị tại Israel để có đối sách kịp thời về các giao dịch ký kết hợp đồng mua bán, chuyên chở hàng hóa xuất nhập khẩu và bảo đảm lợi ích kinh doanh.2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu sang Israel đạt 125,5 triệu USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.
Nguồn:Congthuong.vn