Xuất khẩu chủ lực sang Mỹ giảm mạnh
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong 2 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn có sự sụt giảm rõ rệt. Trong đó, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, dệt may lần lượt giảm 55%, 47%, 34% và 32%.
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, xuất khẩu sang Mỹ đạt 13 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2023, giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do tháng 1 rơi vào Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm chiếm đến chiếm 27% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam ra các nước trên thế giới.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng các mặt hàng xuất khẩu chủ lực vẫn có sự sụt giảm rõ rệt. Trong đó, thủy sản, gỗ và sản phẩm gỗ, giày dép, dệt may, sản phẩm từ chất dẻo lần lượt giảm 55%, 47%, 34%, 32% và 25%.
Xuất khẩu sang Mỹ trong 2 tháng đầu năm 2023 giảm 21% so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy vậy, có mặt số mặt hàng có dấu hiệu tích cực như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 2,2 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái, cà phê tăng hơn 22%, giấy và sản phẩm từ giấy tăng 5,6%.
"Xu hướng xuất khẩu trong thời gian tới sẽ tiếp tục đà phục hồi khi nhu cầu của thị trường Mỹ tiếp tục tăng, lượng hàng dự trữ giảm và chỉ số niềm tin của người dân vào kinh tế Mỹ tiếp tục tăng", Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Mỹ nhận định.
Việc hai nước tăng cường đối thoại chính sách; Việt Nam tham gia đàm phán, thực thi các cam kết đa phương, song phương cũng như đưa ra cam kết tại COP 26 là những yếu tố thuận lợi cho hoạt động thương mại, đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới.
Dù vậy, thương mại song phương đối mặt với nhiều khó khăn trước nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát, lãi suất, xung đột địa chính trị quốc tế. Lạm phát, giá cả tăng cao khiến người dân thất chặt chi tiêu. Thêm vào đó là sự cạnh tranh với các nước trên thế giới và trong khu vực, khoảng cách địa lý xa, chi phí vận tải tăng cao.
Ngoài ra là các biện pháp bảo hộ trong nước, yêu cầu cao về vệ sinh thực phẩm và các rào cản kỹ thuật về lao động, môi trường.
Do đó, với các DN xuất khẩu sang Mỹ, ông Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu thị hiếu người tiêu dung, nắm rõ các quy định, luật lệ và yêu cầu của liên bang cũng như tiểu bang. Tăng cường liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu sản xuất, chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thực hiện giám sát toàn bộ chuỗi sản xuất để đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch. Tuân thủ các quy định của cơ quan quản lý Mỹ về tiêu chuẩn sản xuất, an toàn thực phẩm, ghi nhãn, đăng ký các tiêu chuẩn về môi trường, lao động, nguồn gốc xuất xứ.
Khi vụ kiện, tranh chấp xảy ra, DN cần chủ động hợp tác với cơ quan thẩm quyền Mỹ. Đồng thời chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng của Việt Nam (Bộ Công Thương) để nắm bắt thông tin cần thiết và thực hiện các bước theo hướng dẫn. Chủ động chia sẻ thông tin qua các hiệp hội ngành hàng và phối hợp tích cực với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến các rào cản thương mại và kỹ thuật.
Nguồn: Doanhgnhiepvn.vn