|
Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam ngày càng phát triển
|
Theo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương giai đoạn đến năm 2030 vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phê duyệt, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những mục tiêu được lưu tâm.
Đề án nêu rõ, công nghiệp hỗ trợ sẽ phục vụ các ngành sản xuất lớn như: điện tử, ô tô, dệt may, da giày, cơ khí, công nghệ cao… và tăng cường khả năng đáp ứng các quy tắc về nguồn gốc xuất xứ trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Phấn đấu đến năm 2030, công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu sản xuất trong nước; Tăng cường làm chủ công nghệ cốt lõi, tạo dựng thương hiệu Việt Nam, sử dụng công nghệ Việt Nam và gắn kết hiệu quả với mạng lưới chuyên gia, trí thức Việt Nam ở nước ngoài...
Về tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ...) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu; Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.
Cách đây vài ngày, một cuộc tranh luận liên quan đến sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã diễn ra. Vẫn có ý kiến cho rằng mới chỉ có 1 số doanh nghiệp Việt Nam làm gia công được ốc vít cho doanh nghiệp nước ngoài.
Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với quan điểm này. Tại hội thảo "Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu” vừa diễn ra, đại diện nhiều doanh nghiệp cho biết, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của họ đã vào được chuỗi cung ứng Mỹ, Nhật, châu Âu...
Theo bà Đặng Huyền, phụ trách gian hàng của Công ty MTS Vietnam tại hội thảo, triển lãm này cho biết, công ty đem đến khoảng 50 sản phẩm cơ khí chính xác phục vụ trong các lĩnh vực sản xuất ô tô, máy điện... để giới thiệu đến khách hàng. Đây là những sản phẩm đã tham gia thành công vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Nhật Bản, Mỹ, châu Âu...
Tương tự, đại diện Công ty Cát Vạn Lợi cũng cho hay, các sản phẩm hàng đầu của doanh nghiệp trong lĩnh vực thiết bị phụ trợ ngành điện, với nhiều sản phẩm đã được lắp đặt trong các công trình lớn ở Việt Nam và xuất khẩu đến nhiều quốc gia.
Ngoài mục tiêu về công nghiệp hỗ trợ, Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương còn đề ra, tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng công nghiệp đạt bình quân trên 8,5%/năm; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 30% vào năm 2030, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm công nghệ cao, trọng tâm "Make in Viet Nam", sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, tích hợp thành sản phẩm thương mại tại Việt Nam;
Đảm bảo cân đối cung cầu về năng lượng với tỷ lệ tiêu hao năng lượng tính trên đơn vị GDP giảm 1 - 1,5%/năm; duy trì thặng dư cán cân thương mại với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu và tăng bình quân khoảng 6 - 8%/năm;
Tốc độ tăng trưởng bình quân của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 13,0 - 13,5%/năm.
Nguồn: Anninhthudo.vn