Xuất khẩu hướng đến mục tiêu 395 tỷ USD

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Từ đó, hướng đến mục tiêu xuất khẩu năm 2023 tăng trưởng 6%, đạt 395 tỷ USD.

Các doanh nghiệp xuất khẩu đang tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Từ đó, hướng đến mục tiêu xuất khẩu năm 2023 tăng trưởng 6%, đạt 395 tỷ USD.

Ngành dệt may với nhiều nỗ lực để đạt mục tiêu xuất khẩu 45-47 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.Ngành dệt may với nhiều nỗ lực để đạt mục tiêu xuất khẩu 45-47 tỷ USD trong năm 2023. Ảnh: Quang Vinh.

Nỗ lực nâng sức cạnh tranh

Tổng giám đốc Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Trung An (Cần Thơ) Phạm Thái Bình cho biết: trước đây, khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) chưa có hiệu lực, gạo Việt Nam đã tiếp cận được thị trường châu Âu nhưng phải chịu mức thuế suất rất cao, từ 5%- 45% tùy từng quốc gia. Bởi vậy, gạo của chúng ta rất khó cạnh tranh với gạo ở các nước như Campuchia, Myanmar… do những nước này được Liên minh châu Âu đặc cách miễn thuế nhập khẩu. Với gạo Thái Lan, dù cũng bị đánh thuế nhập khẩu nhưng gạo nước này có thương hiệu mạnh nên chúng ta cũng khó cạnh tranh. Chính vì thế khi có EVFTA, các doanh nghiệp (DN) Việt, nhất là DN ngành gạo có cơ hội lớn cạnh tranh sòng phẳng với các nước trên.

Theo đại diện Công ty Trung An, trước kia, khi DN này xuất khẩu gạo vào châu Âu phải chịu mức thuế khá cao, có khi nhà nhập khẩu gạo phải đóng thuế tới 200 Euro/tấn, nhưng hiện nay đã được miễn thuế nhập khẩu nên giảm hẳn áp lực giá cả. Hơn nữa, trong nhiều năm trở lại đây, với chủ trương từ Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, DN và nông dân trong ngành lúa, gạo đã tích cực thay đổi quy trình canh tác sản xuất, nâng cao chất lượng lúa, gạo, do đó chất lượng cũng như giá trị hạt gạo Việt đã được cải thiện đáng kể.

“Hiện nay, gạo Việt bước vào thị trường châu Âu một cách danh chính ngôn thuận, đặc biệt giá trị gạo được nâng cao, chinh phục được người tiêu dùng châu Âu khó tính” - Tổng giám đốc Công ty Trung An cho biết.

Theo giới chuyên gia, xu hướng tiêu dùng toàn cầu hiện nay là các sản phẩm xanh, sạch. Do vậy thời gian qua các DN xuất khẩu cũng đã tập trung phát triển các dòng sản phẩm hữu cơ hoặc hướng đến thân thiện với môi trường và sức khỏe con người; đẩy mạnh xây dựng, phát triển thương hiệu chuyên nghiệp hơn.

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, năm 2023 ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 45 - 47 tỷ USD và mục tiêu này là hoàn toàn có thể thực hiện được. Thứ nhất là do các DN sản xuất đã bắt đầu chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ dệt kim sang dệt thoi. Thứ hai là DN tìm hướng sản xuất các đơn hàng nhỏ, thời gian giao hàng nhanh. Thứ ba là đa dạng hóa các thị trường. Một số thị trường như khối Liên Xô (cũ), thị trường châu Phi, Trung Đông trước đây DN không quan tâm nhiều thì giờ đã quan tâm hơn...

Nắm bắt rõ thông tin thị trường nhập khẩu

Theo Bộ Công thương, mục tiêu xuất khẩu năm 2023 tăng khoảng 6% so với năm 2022, vì vậy cùng với việc các DN trong các lĩnh vực xuất khẩu đang nỗ lực tìm đối tác mới, đa dạng mặt hàng xuất khẩu, Bộ cũng sẽ hỗ trợ các địa phương, hiệp hội, DN khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết, hỗ trợ các địa phương, DN chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, xuất khẩu bền vững.

Theo đó, Bộ Công thương đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, tập trung vào việc thường xuyên cập nhật tình hình giá cả hàng hoá, biến động cung cầu trên thị trường thế giới, thông tin về các biện pháp quản lý của các đối tác nhập khẩu để DN nắm bắt, chủ động kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời khuyến cáo DN tăng cường tận dụng cơ hội từ các FTA thế hệ mới để đa dạng hoá thị trường xuất, nhập khẩu; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại mở rộng thị trường theo hướng ưu tiên triển khai các đề án, hoạt động xúc tiến xuất khẩu vào với các thị trường sớm khôi phục giai đoạn hậu Covid-19.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, các DN ngay từ khi bắt tay vào sản xuất đều phải trả lời được câu hỏi: Làm cái gì để bán, bán ở đâu, cho ai, giá bao nhiêu?... “Đã đến lúc phải thay đổi phương thức, thay đổi từ quan điểm, chủ trương cho đến tổ chức sản xuất phải theo tín hiệu thị trường. Tất cả những sản phẩm làm ra đều phải có địa chỉ, đều phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện của thị trường nhập khẩu chứ không phải sản xuất hàng hóa một cách đại trà, theo thói quen” – ông Diên nhấn mạnh.

Còn theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Bộ Công thương cần cùng các DN rà soát để nắm lại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng các thị trường mới, giúp hoạt động xuất khẩu tiếp tục đạt tăng trưởng cao, từ đó tạo ra động lực tăng trưởng tốt hơn cho toàn nền kinh tế. “Bản thân các DN cũng cần tiếp tục đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc. Quá trình hồi phục và phát triển phải đi đôi với quá trình tái cấu trúc DN. Các DN phải là động lực chính” – ông Thịnh nói.

Nguồn: Daidoanket.vn

 
 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/