Theo dõi sát thị trường
Tác động của suy giảm kinh tế, lạm phát tăng cao tại nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã tác động trực tiếp đến các ngành sản xuất, xuất khẩu của châu Á, trong đó có Việt Nam.
Lo ngại nhất là suy giảm kéo dài và tác động mạnh sang cả năm 2023, báo hiệu một năm kinh doanh đầy khó khăn của nhiều ngành sản xuất. Từ điện tử, hàng may mặc, giày dép, hàng tiêu dùng, gỗ và sản phẩm gỗ đều đối diện với đơn hàng giảm, công nhân thiếu việc làm.
Ông Lương Văn Thư, Tổng giám đốc Công ty May Đáp Cầu (Bắc Ninh) chia sẻ, việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2023 trong bối cảnh thị trường toàn cầu chuyển biến xấu là điều vô cùng khó cho doanh nghiệp.
Bộ Công thương dự kiến mục tiêu năm 2023: Chỉ số Sản xuất công nghiệp tăng khoảng 9,5-10% so với năm 2022; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 8% so với năm 2022; cán cân thương mại duy trì xuất siêu.
“Doanh nghiệp đang rất nỗ lực, theo dõi sát sao sự chuyển động của thị trường thế giới, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu lớn của ngành dệt may, để từ đó lập kế hoạch kinh doanh cho phù hợp”, ông Thư nói.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, bằng 200% GDP. Việt Nam đã tham gia 17 FTA, trong đó 15 FTA đã có hiệu lực và 2 FTA đang đàm phán, do đó, những biến động của thị trường toàn cầu ngay lập tức sẽ tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nước.
Theo một doanh nghiệp da giày tại Bình Dương, đơn hàng tháng 11 và 12 đã giảm 30% so với trung bình quý III, nhưng đáng lo nhất là tình hình năm 2023 rất khó dự báo. Chưa kể, các đơn hàng gia công còn bị ép giảm giá khoảng 15%, trong khi chi phí đầu vào chỉ tăng, chứ không giảm.
“Việt Nam đã hội nhập sâu rộng, chúng ta không thể đứng ngoài tình hình chung. Lúc này, doanh nghiệp chỉ biết trông chờ vào sự ấm lên của thị trường thế giới, chứ mình cố gắng mấy mà thị trường xấu thì cũng không xoay chuyển được. Nói chung phải hết sức thận trọng”, đại diện doanh nghiệp da giày này cho biết.
Dự trù các kế hoạch kinh doanh theo diễn biến thị trường trong và ngoài nước là cách mà nhiều doanh nghiệp áp dụng. Với Công ty May Đáp Cầu, doanh nghiệp này cho hay, kế hoạch cho năm tới được thông qua với vài kịch bản, kỳ vọng như thông lệ hàng năm là vẫn có tăng trưởng. Nhưng lúc này, thực sự doanh nghiệp lúng túng và cũng dè dặt hơn, bởi chưa biết thị trường sẽ diễn biến ra sao, nhưng cơ bản sẽ khó chuyển biến tích cực trong quý I/2023.
Báo cáo của Bộ Công thương phát hành đầu tháng 11/2022 cho hay, triển vọng đơn hàng cho quý IV/2022 và 6 tháng đầu năm 2023 của ngành dệt may không mấy khả quan, do lo ngại lạm phát và lượng hàng tồn kho ở mức cao.
Số lượng đơn đặt hàng trong quý IV/2022 thấp hơn 25-50% so với quý II/2022, tương đương với mức giảm doanh thu 15-20% so với cùng kỳ theo ước tính, do lượng hàng tồn kho tại các thị trường nhập khẩu hiện ở mức cao.
Kịch bản nào cho năm 2023
Lạm phát ở nhiều nền kinh tế lớn chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế, nhiều dự báo cho thấy khả năng suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cũng được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo giảm xuống còn 2,7%, thay vì 3,5% như trước, do tác động của chính sách tiền tệ bị thắt chặt, từ đó làm giảm sức cầu hàng hóa, ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.
Suy giảm xuất khẩu đã hiện rõ với ngành xi măng trong năm 2022, dự báo năm 2023 còn ảm đạm hơn. 10 tháng qua, sản lượng xuất khẩu toàn ngành chỉ đạt gần 26 triệu tấn, trị giá 1,14 tỷ USD, giảm lần lượt 30% về lượng và 19,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.
Tập đoàn Xi măng The Vissai nhận định, ngành xi măng còn chịu khó khăn kép trong năm 2023, khi tín dụng bất động sản bị siết chặt, ảnh hưởng đến các dự án, kéo theo nhu cầu xi măng giảm, trong khi xuất khẩu tiếp tục giảm về lượng lẫn giá. Kế hoạch kinh doanh cho năm tới vì vậy rất mệt mỏi.
Cầu xi măng, clinker giảm, nhưng năng lực sản xuất lại dư thừa, thành thử mức độ cạnh tranh bán hàng trong ngành càng khốc liệt. Tại thời điểm này, đã có một số nhà máy xi măng phải cho dừng lò.
Theo ông Lê Xuân Khôi, Tổng giám đốc Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch, doanh nghiệp đang đẩy mạnh chương trình kinh doanh bán hàng để về đích kế hoạch đưa ra từ đầu năm, trên cơ sở đó lập kế hoạch kinh doanh của năm 2023.
“Chúng tôi phải hết sức chắt chiu, tiết kiệm mọi chi phí trong sản xuất để có được hiệu quả tốt nhất trong điều kiện chi phí đầu vào tăng phi mã”, ông Khôi nói.
Còn với dệt may, trong bối cảnh hiện nay, Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) lưu ý, doanh nghiệp sản xuất phải theo dõi sát tình hình thị trường, lựa chọn đơn hàng phù hợp để duy trì sản xuất, đảm bảo công ăn việc làm cho người lao động, nhưng không nên quá lo lắng và ký các đơn hàng dài hơi với giá thấp, về lâu dài sẽ rất thiệt thòi.
Vitas cũng đưa ra kịch bản xuất khẩu năm 2023. Nếu tình hình khó khăn của quý IV/2022 kéo dài hết quý I/2023, đến quý II mới trở lại trạng thái bình thường thì ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu 47-48 tỷ USD, tăng 8%. Nếu tình hình khó khăn kéo dài đến giữa năm, thì mục tiêu xuất khẩu khoảng 46 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2022.
Ông Trương Văn Cẩm, Tổng thư ký Vitas cho rằng, trong bối cảnh đơn hàng dệt may sụt giảm do thị trường Mỹ, EU giảm sức mua, cũng có thể xem đây là thời điểm thích hợp để các doanh nghiệp tính chuyện tái cấu trúc, đầu tư sản xuất theo mô hình xanh hóa, đón đầu thị trường dệt may thế giới ngày càng chú trọng các tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Nguồn:Baodatutu.vn