Theo nhận định của Sở Công Thương, sở dĩ tình hình xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt được những kết quả khởi sắc là do các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã có tác dụng tốt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Thanh Hóa. Đặc biệt, trong khoảng 3 năm trở lại đây, Việt Nam đã tham gia vào nhiều FTA thế hệ mới với quy mô lớn trên thế giới như Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... giúp mở ra “cánh cửa” vào các thị trường rộng lớn chưa từng có cho hàng hóa của Việt Nam. Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh đã đạt mức tăng trưởng khá như trung bình 3 năm gần đây, như: Súc sản đông lạnh tăng 15,4%; hải sản tăng 13,3%; bột cá tăng 20%; hàng may mặc tăng 20%...
Tại Thanh Hóa, hiện ngành hàng dệt may vẫn chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Trong khi đó, dệt may là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ các chính sách ưu đãi dòng thuế về 0%. Đại diện Hiệp hội Dệt may tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Ngành công nghiệp dệt may trong tỉnh đang có dư địa phát triển tốt nhờ những lợi thế về nguồn nhân lực và sự sáng tạo, đổi mới công nghệ từ các DN. Tuy nhiên, những ưu đãi chỉ có hiệu lực nếu DN đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, đặc biệt là quy tắc xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, thời gian qua, các DN trong hiệp hội đã chuẩn bị kỹ càng cho việc đáp ứng nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của đối tác. Đồng thời, tăng cường liên kết, sử dụng sản phẩm, nguyên liệu trong nội khối hiệp định để tiếp cận các điều kiện ưu đãi được tốt hơn. Chính vì vậy, sản lượng hàng hóa may mặc, giày da xuất khẩu trong năm 2022 tăng trưởng khá cao.
Lĩnh vực xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng được hưởng nhiều ưu đãi tại các FTA mới. Tại Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Thanh Hóa (Khu Công nghiệp Lễ Môn, TP Thanh Hóa), để thuận lợi thâm nhập vào các thị trường khó tính như EU, Hàn Quốc và Nhật Bản, công ty đã đầu tư quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến. Đồng thời, không ngừng nâng cao các tiêu chuẩn chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường được đánh giá, nâng cấp hàng năm. Nhờ chuẩn hóa các quy trình một cách đồng bộ, doanh thu xuất khẩu của công ty năm 2022 tăng khoảng 20% so với cùng kỳ. Sản phẩm của DN được ưa chuộng và nhận được đơn đặt hàng lâu dài từ các đối tác phân phối tại các thị trường xuất khẩu.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập từ các FTA, DN trong tỉnh cũng gặp không ít thách thức. Nguyên nhân là do Việt Nam thực hiện các FTA trong vị thế là thành viên có trình độ phát triển thấp hơn so với đa số các nước thành viên khác. Vì vậy, các địa phương trong cả nước nói chung và tỉnh Thanh Hóa nói riêng chịu sức ép mở cửa thị trường trong các lĩnh vực hàng hóa, dịch vụ, đầu tư. Đồng thời, gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về các hàng rào kỹ thuật thương mại như: Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật; yêu cầu về an toàn, chất lượng; yêu cầu về ghi nhãn, thông tin tiêu dùng; các thủ tục đăng ký nhập khẩu; các thủ tục kiểm tra, chứng nhận phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn. Trong khi đó, quy mô DN trên địa bàn tỉnh chủ yếu là DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ; sự chủ động của các DN trong hội nhập kinh tế quốc tế chưa cao.
Theo đánh giá của ngành công thương, thường sau 3 năm thực thi, biên độ và mức ưu đãi từ các FTA sẽ được đẩy lên mức tối đa. Từ đó, DN sẽ được hưởng lợi đủ lớn về thuế cùng các điều kiện khác để tạo động lực xuất khẩu mạnh mẽ hơn. Hiện nay, Hiệp định EVFTA đã bước vào năm thứ 3 thực thi, Hiệp định CPTPP đã bước sang năm thứ 4. Do đó, đây là thời điểm “vàng” để DN ưu tiên đẩy mạnh xuất khẩu, khẳng định giá trị thương hiệu hàng hóa tỉnh Thanh Hóa trên thị trường quốc tế.
Bài và ảnh: Tùng Lâm
Nguồn: Baothanhhoa.vn