Việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD từ ±3% lên ±5% từ ngày 17/10 vừa qua được đánh giá là phù hợp xu hướng khách quan từ các yếu tố tác động của thị trường tài chính quốc tế, đảm bảo quan hệ cung cầu ngoại tệ và ổn định thị trường, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế.
Tác động nhất định
Theo nhiều chuyên gia, việc thay đổi biến số tỷ giá ngoài tác động đến các khoản nợ vay của các DN còn trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm DN xuất, nhập khẩu. Nếu như các DN xuất khẩu ít phải nhập khẩu nguyên phụ liệu để gia công chế biến có thể hưởng lợi khi đồng USD tăng giá, thì ở chiều ngược lại, nhập khẩu phải đội thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này.
Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam có khả năng tăng lợi nhuận từ việc điều chỉnh tỷ giá.
Thông tin mới nhất từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, mặc dù Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên hiện nay, do đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc cũng như đồng Baht của Thái Lan mất giá hơn so với VND và đồng USD nên Trung Quốc đã nhập khẩu nhiều hơn từ Thái Lan hơn, giảm mua sản phẩm sắn của Việt Nam. Kết quả là trong tháng 9/2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu được 193,24 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 87,66 triệu USD, giảm 2,9% về lượng và giảm 0,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Xác định biến động tỷ giá giữa VND/USD có tác động đáng kể đến các DN xuất và nhập khẩu của Việt Nam, song ông Nguyễn Văn Kết, Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam cho rằng, việc nâng giá bán USD sẽ có lợi nhiều hơn cho đơn vị xuất khẩu, Tuy nhiên, đối với SKD Việt Nam, do DN đang thực hiện mua nguyên nhiên liệu bằng đồng VND và sản xuất, bán ra bằng đồng USD nên điều này sẽ có lợi.
Đưa ra nhận định về thị trường dệt may, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho biết, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức thấp, cận kề với trạng thái khủng hoảng, lạm phát tiếp tục cao và tiếp tục chính sách lãi suất cao, đồng USD mạnh lên cùng chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ khiến khả năng tổng cầu dệt may không tăng thậm chí giảm về mức giữa 2020 - 2021.
“Do kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định, đồng tiền Việt Nam có giá trị cao, nên so tương quan xuất khẩu với các nước như Ấn Độ giảm 8%, Trung Quốc 9% đồng nội tệ so với USD nên các ngành xuất khẩu Việt Nam lại mất lợi thế về giá, trong điều kiện cầu thế giới chuyển thấp đột ngột. Chính vì vậy, các DN trong Tập đoàn thống nhất cao dự báo 4 tháng cuối năm 2022 và xu hướng năm 2023 thị trường khá trầm lắng”, ông Trường dự báo.
Một số ngành hàng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu đứng trước áp lực tăng chi phí do điều chỉnh biên độ tỷ giá.
30% hợp đồng xuất khẩu chịu thiệt hại
Theo PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, hiện nay đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác, trong khi đồng Việt Nam giữ ổn định so với đồng USD, nghĩa là đồng Việt Nam cũng lên giá so với các đồng tiền khác. Điều này sẽ gây khó khăn cho các DN xuất khẩu vào những thị trường không sử dụng thanh toán bằng USD.
“Hiện nay, gần 30% hợp đồng xuất khẩu được ký bằng các ngoại tệ khác USD như đồng Yen (Nhật Bản), Nhân dân tệ (Trung Quốc), Won (Hàn Quốc), đồng Euro hay đồng Bảng Anh. Khi đồng Việt Nam tăng giá so với các đồng tiền khác, nếu nhập khẩu từ các quốc gia đó Việt Nam được lợi còn xuất khẩu vào sẽ phải chịu thiệt hại. Các DN xuất khẩu vào EU, Nhật Bản, Trung Quốc đang phải gánh chịu những thiệt hại rất lớn”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh chỉ ra.
Mặc dù vậy, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra những phân tích lợi thế, do có hơn 70% hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam ký kết bằng đồng USD, nên nếu giữ ổn định được đồng Việt Nam so với đồng USD nghĩa là đã giữ ổn định được với hơn 70% các hợp đồng xuất nhập khẩu. Khi cân đối các yếu tố bù trừ, về cơ bản tình hình vẫn đảm bảo ổn định.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, việc nâng tỷ giá đồng USD sẽ thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Mỹ và các thị trường có sử dụng đồng USD làm công cụ thanh toán. Các DN xuất khẩu có thể tận dụng được lợi thế này.
Tuy nhiên, các DN nhập khẩu sẽ có khó khăn khi giá nhập khẩu nguyên phụ liệu sẽ bị tăng lên, trong khi Việt Nam lại là quốc gia nhập khẩu rất lớn, nhiều DN vẫn tập trung vào gia công xuất khẩu nên phải nhập khẩu gần như toàn bộ nguyên liệu, linh phụ kiện cho sản xuất như điện thoại di động, máy tính điện tử, dệt may - da giày, xi măng và tác động lớn nhất phải kể đến là nhập khẩu xăng dầu.
Kịch bản ứng phó
Để đối phó với biến động tỷ giá hiện nay, giới chuyên gia cho rằng, các DN xuất nhập khẩu cần liên tục theo dõi những biến động tỷ giá, cập nhật về tình hình lạm phát, lãi suất,… để có thể lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu, nhập khẩu và đa dạng hóa, lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi, giảm dần việc chỉ sử dụng đồng USD. Về lâu dài, các DN vẫn phải tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm.
Các DN dệt may phòng ngừa các tình huống tiêu cực của thị trường và các biến động khó dự báo của thị trường tài chính cũng như lãi suất.
Theo ông Lê Tiến Trường, từ nay đến cuối năm và sang năm 2023, các DN trong ngành cần dự kiến và có giải pháp phòng ngừa các tình huống tiêu cực của thị trường và các biến động khó dự báo của thị trường tài chính cũng như lãi suất. VND mạnh tiếp tục là trở ngại trong so sánh tương quan với các đối thủ cạnh tranh cùng với đó lãi suất VND cao, lương tối thiểu cao hơn các quốc gia cạnh tranh là trở ngại trong thu hút các đơn hàng giá rẻ.
Chính vì thế, các DN trong ngành cần kiên trì bám sát khách hàng, bám sát thị trường, phản ứng linh hoạt với thị trường và đảm bảo việc làm cho người lao động. Kiên trì bảo vệ nguồn lực DN, bồi dưỡng sức chống chọi của DN trong bối cảnh khó khăn có thể kéo dài.
Theo Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương, từ trước tới nay, giải pháp để các DN ứng phó với các biến động tỷ giá vẫn là tham gia quỹ bảo hiểm tỷ giá để đề phòng ngừa rủi ro. Tuy nhiên, do phần lớn các DN xuất nhập khẩu trong nước đều là các DN vừa và nhỏ, nên còn rất ít DN tham gia quỹ bảo hiểm này.
Chính vì vậy, trước mắt các DN cần phải làm tốt hơn công tác dự báo để lập kế hoạch sản xuất kinh doanh với những phương án thích ứng và các kịch bản ứng phó phù hợp nhất. Trong trung và dài hạn, các DN căn cứ vào diễn biến của của thị trường tiền tệ thế giới cần tính đến phương án thay đổi, đa dạng hóa thị trường tránh những bất lợi và thua thiệt do biến động của tỷ giá gây ra./.