Ngược xuôi tìm đơn hàng xuất khẩu mới

Từ đầu năm đến nay, kim ngạch xuất khẩu đã đạt 288 tỷ USD, tăng 17,3% so với thời điểm này của năm trước. Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng trong tháng 9-2022 thì kim ngạch xuất khẩu đã giảm so với tháng trước đó.

Tiêu dùng giảm mạnh, lo giảm đơn hàng

Ông Nguyễn Hoàng Ngân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, cho biết, doanh thu 9 tháng đầu năm 2022 của công ty tương đối tốt khi đạt 561 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch cả năm đề ra là 560 tỷ đồng. Kết quả này xuất phát từ việc giá nguồn nguyên liệu trên thị trường đã hạ nhiệt. Theo đó, thời điểm cuối năm 2021, giá nhập nguyên liệu nhựa PVC là 1.800 USD/tấn, nhưng hiện nay giá đã giảm xuống gần một nửa. Thuận lợi tiếp theo, sau khi Công ty TNHH Nhựa - Hóa chất TPC Vina của Thái Lan, Tập đoàn AGC Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam và có thể cung ứng 400.000 tấn bột PVC mỗi năm, tỷ lệ nguồn nguyên liệu nhựa PVC được “nội địa hóa” đã chiếm 90%, chỉ còn khoảng 10% nguồn nguyên liệu nhựa PE là phải nhập khẩu. Nhờ vậy, năng lực cạnh tranh của công ty nói riêng và doanh nghiệp sản xuất nhựa trong nước nói chung tăng mạnh vì tiết giảm chi phí logistics, chủ động nguồn nguyên liệu.

Tuy nhiên, theo ông Ngân, xu hướng thị trường trong quý 4-2022 và đầu năm 2023 không khả quan, do trong ngắn hạn, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường vẫn còn bị ảnh hưởng mạnh từ biến động của thế giới; còn tại thị trường trong nước, hoạt động xây dựng vẫn chưa thể bứt phá.

Cùng lo lắng về vấn đề này, ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho hay, lượng đơn hàng về khuôn mẫu của công ty giảm mạnh trong thời gian gần đây. Không những vậy, do phần lớn nguồn nguyên liệu của doanh nghiệp là nhập khẩu nên khi đồng USD tăng giá đã có những tác động tiêu cực nhất định đến chi phí sản xuất của doanh nghiệp. Hiện doanh nghiệp đang phải nỗ lực đàm phán lại đơn hàng xuất khẩu với các đối tác nhằm điều chỉnh giá thành cung ứng sản phẩm, nhưng có lẽ khó thành công.

Ở lĩnh vực may mặc, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM, cho biết, nhiều doanh nghiệp dệt may đã phải giảm tần suất sản xuất từ 3 ca/ngày xuống còn 1 ca/ngày vì thiếu đơn hàng sản xuất. Lý do, châu Âu là thị trường xuất khẩu dệt may chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, từ quý 3-2022, nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may ở thị trường này giảm mạnh, kéo theo giảm đến 70% lượng đơn hàng. “6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp phải tăng năng suất lao động lên 3 ca/ngày nhưng vẫn không thể giải quyết hết đơn hàng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phải từ chối nhận đơn hàng do không thể đáp ứng. Còn hiện tại, để duy trì sản xuất được 1 ca/ngày cũng là khó”, ông Xuân Hồng nêu thực trạng.

Ngược xuôi tìm đơn hàng xuất khẩu mới ảnh 1
 
Doanh nghiệp Việt Nam đang nỗ lực tìm đối tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại các hội nghị và triển lãm. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Liên kết gia tăng thị phần

Đối mặt với thực tế khó khăn, ông Phạm Xuân Hồng bày tỏ, trong ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may vẫn phải duy trì năng lực sản xuất 1 ca/ngày để giữ chân người lao động. Hiện nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng tăng thị phần xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản; một số ít qua thị trường Canada, Australia, Nga và Hàn Quốc… Tình hình chỉ có thể tốt lên khi hết quý 1-2023.

Riêng với lĩnh vực cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, các doanh nghiệp đang quay sang hướng tận dụng thị trường trong nước. Ông Đỗ Phước Tống cho biết, cùng với thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sản xuất sản phẩm đầu cuối đã không ngừng gia tăng hiện diện cũng như mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Do vậy, nhiều doanh nghiệp trong nước đang nhanh chóng chuyển đổi đầu tư, cải thiện quy trình sản xuất nhằm đáp ứng tiêu chuẩn trở thành nhà cung cấp trong chuỗi toàn cầu của các doanh nghiệp này. Các doanh nghiệp có quy mô nhỏ nên liên kết với nhau để có thể tạo sản phẩm đa chi tiết “Make in VietNam”, gia tăng vị thế doanh nghiệp Việt trong chuỗi cung ứng, rút ngắn thời gian củng cố năng lực để trở thành những nhà cung ứng cấp cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Ở góc độ khác, các doanh nghiệp cần tận dụng “thời gian vàng” mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phép để gia nhập và mở rộng thị phần. Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Bộ Công thương, chia sẻ, sức mua tại thị trường châu Âu giảm mạnh trong ngắn hạn là không tránh khỏi. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam chỉ chiếm 2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của thị trường này. Do vậy, nếu doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tiếp cận các đối tác thì không những không giảm sút đơn hàng mà thậm chí còn có thể tăng nhiều hơn trong bối cảnh hiện nay.

Bộ Công thương cho biết đã liên tục làm việc với các hiệp hội doanh nghiệp và các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài để gia tăng khả năng kết nối giao thương cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhanh chóng chủ động chuyển đổi cách thức sản xuất, chủng loại sản phẩm đáp ứng đạt yêu cầu của các thị trường xuất khẩu, đồng thời cần duy trì chất lượng ổn định, tin cậy dài hơi, tránh chỉ xuất khẩu được một số lô hàng rồi sau đó giảm chất lượng, gây ảnh hưởng niềm tin của thị trường.

Nguồn: Sggp.org.vn

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/