Doanh nghiệp cần “khéo” quản lý vốn để xanh hóa sản xuất
Xuất nhập khẩu Việt Nam đã đạt được thành tựu ấn tượng trong nửa đầu năm 2022, nhờ sản xuất trong nước phục hồi và nhu cầu về hàng hóa Việt Nam từ các nước ngày càng tăng.
Theo Bộ Công thương, trong 7 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 431,94 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 16,1%; nhập khẩu tăng 13,6%. Cán cân thương mại hàng hóa 7 tháng thặng dư 764 triệu USD.
Tuy nhiên, theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế Việt Nam, dù được dự báo sẽ tăng trưởng 7,5% trong năm nay, bức tranh xuất khẩu từ nay đến cuối năm và trong dài hạn vẫn sẽ gặp một số thách thức. Cụ thể, các rủi ro bao gồm tăng trưởng chậm lại hoặc lạm phát đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực, cú sốc giá cả hàng hóa thế giới tiếp tục diễn ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị gián đoạn, hoặc các biến chủng COVID-19 mới xuất hiện. Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng xanh tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đặt một thách thức lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Vào cuối năm ngoái, Quốc hội Việt Nam cũng đã dự báo những thách thức trên và đã đặt mục tiêu xuất khẩu hàng hóa cho năm nay là 660,8 tỷ USD, bao gồm 329,9 tỷ USD là kim ngạch xuất khẩu và 330,9 tỷ USD là kim ngạch nhập khẩu. Tổng thâm hụt thương mại là khoảng 1 tỷ USD. Mục tiêu này thấp hơn tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm ngoái là 668,5 tỷ USD, với mức xuất siêu là 4,08 tỷ USD.
Theo đó, Bộ Công thương nhấn mạnh Việt Nam cần nỗ lực khắc phục tình trạng nhập siêu, trong đó giải pháp cơ bản là nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản xuất trong nước đối với hàng hóa xuất nhập khẩu.
Để tăng sức cạnh tranh với hàng hóa các nước, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp vừa và nhỏ nói riêng cần thực hiện việc tái đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Tuy nhiên không ít doanh nghiệp gặp phải rào cản về huy động và xoay vòng vốn.
Đơn cử, ông Nguyễn Công Bằng, giám đốc một doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tại Hà Nội – xuất khẩu sang Campuchia và Lào - cho rằng trong nhiều năm qua, doanh nghiệp của ông rất khó trong tiếp cận vốn ngân hàng để mở rộng và tái đầu tư. “Phần lớn là chúng tôi phải đi vay bạn bè và người thân thì mới đủ vốn, và chúng tôi chỉ có thể vay ngân hàng được khoảng 20% nhu cầu vốn do nhiều thủ tục và yêu cầu rườm rà về thế chấp tài sản”, ông Bằng nói. “Do vậy, dù rất muốn mua sắm thiết bị hiện đại, nhưng chúng tôi không có nhiều vốn để đầu tư. Thậm chí hiện nay, chúng tôi vẫn đang quay vòng vốn vay”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Tuất, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàn Ngọc, chuyện kinh doanh mặt hàng gạo tại Hà Nội, trung bình mỗi ngày bà phải thanh toán khoảng 500 triệu đồng cho các nhà cung cấp gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long. “Tuy nhiên, nhiều khách hàng của chúng tôi tại Hà Nội, như các trường học và nhà hàng, lại đang thanh toán rất chậm, dù hợp đồng cung ứng gạo đã được ký kết vài tháng trước. Do vậy, chúng tôi phải xoay bằng mọi cách – hoặc là xin các nhà cung ứng phía Nam được trả chậm và chấp nhận nộp phạt, hoặc là đi vay tiền ở các cá nhân, bạn bè – để thanh toán đủ tiền cho đối tác”.
Thực vậy, theo Tổng Cục Thống kê, trong 7 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trên cả nước là 56 nghìn doanh nghiệp, tăng 39,2% so với cùng kỳ năm trước; 28,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,6%; gần 10,4 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 9%. Bình quân một tháng có 13,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Như vậy, đây là bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp khi đối mặt với thanh toán trả chậm và thu hồi nợ.
Trên thực tế, hàng trăm nghìn doanh nghiệp như công ty của ông Bằng và bà Tuất tại Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Họ đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn từ các ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp, vì vậy có xu hướng phòng thủ hơn trong đầu tư và mở rộng kinh doanh, và việc khách hàng gặp khó khăn trong việc thực hiện thanh toán có nguy cơ kéo theo cả một dây chuyền sản xuất khi phần lớn doanh nghiệp Việt có thói quen dung công nợ. Do đó, doanh nghiệp cần bảo vệ dòng tiền để giảm thời gian được trả sau khi bán hàng và bảo vệ vốn lưu động, sau đó dùng để tái đầu tư.
|
Trong một diễn biến khác, ngành dệt may được coi là ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, tạo việc làm cho khoảng 3 triệu lao động, với tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2021 là 39 tỷ USD - tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Trong 7 tháng đầu năm nay, con số này ước đạt 26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Với đà này, ngành dệt may đang kỳ vọng doanh thu xuất khẩu cho cả năm là 43,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, con số 43,5 tỷ USD chỉ là con số kỹ thuật trong ngắn hạn, mà nếu các doanh nghiệp trong ngành nỗ lực trong điều kiện bức tranh xuất khẩu thuận lợi, thì có thể đạt được mục tiêu này. Điều quan trọng hơn trong dài hạn đối với ngành dệt may Việt Nam hiện nay chính là phải “xanh hóa” sản xuất, góp phần giúp Việt Nam thực hiện được cam kết phát thải ròng bằng 0 (net zero) mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên bố trước toàn thế giới tại Hội nghị COP26 vào tháng 11/2021 ở Glasgow.
Thực trạng hiện nay, yêu cầu “xanh hoá” không chỉ ngành dệt may mà còn tất cả các ngành công nghiệp khác như Chính phủ mong muốn là một trong những vấn đề nổi cộm được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Với xu hướng “xanh hóa sản xuất” trên toàn cầu, doanh nghiệp nào muốn tăng sức cạnh tranh và giữ chân khách hàng đều phải tuân thủ những yêu cầu gắt gao trong sản xuất và để đảm bảo kinh doanh bền vững, vấn đề về vòng vốn lại một lần nữa trở thành rào cản cho các doanh nghiệp.
Theo một công bố hồi tháng 6/2022 trong báo cáo “Xu hướng Thực tiễn Thanh toán ở Việt Nam” của Atradius - Tập đoàn cung cấp bảo hiểm tín dụng thương mại, bảo lãnh và cam kết thanh toán và dịch vụ thông tin toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thắt chặt thanh khoản do nợ khó đòi giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B) và nợ xấu, nên rất khó khăn trong duy trì hoạt động và đổi mới công nghệ. Khoảng 48% tổng giá trị doanh số bán hàng trả chậm B2B vẫn chưa được thanh toán vào ngày đáo hạn và nợ xấu lên đến 6% tổng số hóa đơn của các doanh nghiệp tại Việt Nam.
Để quản lý dòng tiền khéo léo, doanh nghiệp có thể sử dụng hình thức “Bao thanh toán”. Mặc dù phát sinh chi phí cao hơn, hình thức này thường được coi là một lựa chọn tốt hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và người bán ít kinh nghiệm khi xuất khẩu vào một thị trường mới, vì nó có thể bao gồm các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp như đánh giá tín dụng của người mua, quản lý sổ cái và bảo lãnh. Tuy nhiên, bao thanh toán thường tiêu tốn nhiều nguồn lực với việc doanh nghiệp được yêu cầu phải nộp tài liệu, chẳng hạn như lịch biểu của tài khoản và bản sao hóa đơn, cho mỗi lần tạm ứng. Khi có rủi ro xảy ra, doanh nghiệp sẽ không kịp ứng phó.
Ngoài ra, doanh nghiệp có thể chọn giải pháp bảo hiểm tín dụng thương mại. Theo Atradius, đây là phương thức quản lý rủi ro kịp thời khi bao gồm dịch vụ đánh giá tín dụng khách hàng, cập nhật thông tin thị trường xuất khẩu - bảo lãnh lên đến 90% cho những rủi ro chính trị dẫn đến việc khách hàng không thể thanh toán, khách hàng thanh toán chậm hoặc mất khả năng thanh toán. Đây cũng là giải pháp được cho là dễ tiếp cận nhất dưới góc độ của nhà xuất khẩu, người bán. Bảo hiểm tín dụng thương mại chi trả cho rủi ro không được thanh toán bởi người mua trong khi bao thanh toán hay chiết khấu hóa đơn đơn thuần chỉ là công cụ luân chuyển nguồn vốn lưu động (nhất là trong trường hợp bao thanh toán có truy đòi).
Nguồn: Baodautu.vn