Tăng tốc để xuất khẩu sớm về đích
7 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP. Hà Nội ước tính đạt 9.842 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đang mở ra những hy vọng cho xuất khẩu của Thành phố trong những tháng còn lại của năm 2022.
Trong bối cảnh dự báo năm nay xuất khẩu gặp nhiều khó khăn bởi tình hình địa chính trị trên thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, giá cả nguyên vật liệu đầu vào cũng như giá vận tải tăng khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân các doanh nghiệp và sự chỉ đạo của các cấp, ngành của Thành phố, kim ngạch XK vẫn tăng trưởng đáng ghi nhận.
Đầu tư mạnh cho các mặt hàng chủ lực
Trong kế hoạch khôi phục và phát triển kinh tế-xã hội Thủ đô năm 2022, TP. Hà Nội luôn coi đẩy mạnh xuất khẩu là nhiệm vụ trọng tâm nhằm giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Đồng thời, phân công rõ trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương chủ động triển khai và kiểm tra, đánh giá việc tổ chức thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn.
|
Dệt may là một trong những mặt hàng chủ lực, mang lại kim ngạch xuất khẩu cao cho TP. Hà Nội.
|
Một số nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu 7 tháng tăng so với cùng kỳ như: Hàng dệt, may đạt 1.492 triệu USD, tăng 29,5%; máy vi tính, hàng điện tử và linh kiện đạt 1.260 triệu USD, tăng 22,3%; xăng dầu đạt 774 triệu USD, gấp 2,2 lần cùng kỳ; hàng nông sản đạt 539 triệu USD, tăng 23,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt 519 triệu USD, tăng 27,9%; hàng hóa khác đạt 2.544 triệu USD, tăng 16,6%.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện TP Hà Nội có 117 sản phẩm của 81 DN đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp chủ lực. Cụ thể, 10 DN thuộc ngành công nghệ cao, 20 DN thuộc lĩnh vực điện - điện tử, 8 DN lĩnh vực dệt may - da giày, 32 DN thuộc ngành cơ khí chế tạo, 5 DN thuộc lĩnh vực thực phẩm; 6 DN thủ công mỹ nghệ, 25 DN trong TOP 500 DN hàng đầu Việt Nam, 13 DN FDI với nhiều thương hiệu toàn cầu như: Canon, Panasonic, Toto, Meiko, (Nhật Bản), B.Bruau (CHLB Đức), CP (Thái Lan)… Doanh thu năm 2021 của các DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực đạt gần 10 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 2 tỷ USD.
Thực tế, những năm gần đây, Hà Nội đã đầu tư mạnh cho xuất khẩu, trong đó phải nói tới việc phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa, tạo ra sản phẩm an toàn, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu. Đây là giải pháp căn cơ của TP nhằm hướng tới xuất khẩu chính ngạch những mặt hàng nông sản chủ lực.
Chẳng hạn, để nâng cao chất lượng, năng suất cũng như hỗ trợ phát triển thị trường cho cây chuối, Hà Nội đã đẩy mạnh việc cấp mã số, kiểm tra, giám sát, quản lý vùng trồng.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, việc xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp an toàn gắn với cấp mã số có vai trò rất lớn trong định hướng xuất khẩu những mặt hàng nông sản chủ lực của Hà Nội.
Thời gian qua, ngành nông nghiệp đã hỗ trợ các địa phương đào tạo, tập huấn về xuất nhập khẩu, các hiệp định thương mại tự do mới mà Việt Nam đã ký kết, tập huấn về quản lý và vận hành hiệu quả hệ thống, tiêu chuẩn OTAS (truy xuất, xác thực nguồn gốc).
Hay như, nhờ đẩy mạnh phát triển sản xuất lúa Japonica theo hướng xuất khẩu, trong 2 năm (2020 - 2021) Hà Nội đã xây dựng được hơn 50 mô hình sản xuất lúa Japonica, lúa chất lượng (VietGAP, hữu cơ) đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
TP Hà Nội cũng xây dựng và duy trì 2 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm lúa, gạo Japonica, gồm: HTX Nông nghiệp hữu cơ Đồng Phú, huyện Chương Mỹ liên kết với Công ty CP Xuất nhập khẩu GreenPath Việt Nam và HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Đoàn Kết, huyện Ứng Hòa (đảm nhận khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ).
Đặt mục tiêu kim ngạch XK tăng 5%
Bà Đỗ Tuệ Tâm, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) chia sẻ, trong hơn 2 năm qua, dịch COVID-19 tác động tiêu cực đến hầu khắp các lĩnh vực kinh doanh chính của Tổng công ty, từ xuất nhập khẩu với trọng tâm là các sản phẩm hàng nông sản thực phẩm, tới kinh doanh thương mại nội địa. Một trong những mũi nhọn của Tổng công ty là xuất khẩu cũng đã bị ảnh hưởng không nhỏ khi mà thị trường tiêu thụ bị thu hẹp do giao thương bị hạn chế.
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp đã nỗ lực tìm nhiều giải pháp như: Tham dự chương trình kết nối giao thương trực tuyến để tìm kiếm cơ hội hợp tác xuất, nhập khẩu, đặc biệt khai thác tốt các lợi ích đem lại từ những FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA cùng việc kết hợp với các phương thức giao thương trực tuyến nhằm tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường để thúc đẩy xuất khẩu…
Để lan tỏa và nâng cao năng lực cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp chủ lực, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu của kế hoạch là tập trung phát triển các ngành, sản phẩm công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, khả năng tham gia sâu và đóng góp giá trị gia tăng cao vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu; có ý nghĩa nền tảng, tác động lan tỏa cao đến các ngành sản xuất và kinh tế khác, sử dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường. Giai đoạn 2021-2025 sẽ thu hút sự tham gia từ 100 đến 120 doanh nghiệp, với khoảng từ 150 đến 180 sản phẩm được Thành phố công nhận là sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Năm ngoái, dù chịu ảnh hưởng nặng nề dịch Covid-19, nhưng xuất khẩu vẫn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế khi kim ngạch đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020, một số mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng mạnh. Cụ thể, hàng dệt may tăng hơn 18%, máy móc thiết bị, phụ tùng tăng gần 20%, phương tiện vận tải và phụ tùng tăng trên 40%, gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng hơn 39%, giày dép tăng 55%.
Năm 2022, dù còn nhiều thách thức nhưng TP. Hà Nội vẫn đặt chỉ tiêu tăng trưởng XK 5%. Hiện nay, để đảm bảo kế hoạch đặt ra, ngoài việc phát huy các thế mạnh nội lực, các doanh nghiệp đang đẩy mạnh sản xuất và tận dụng tốt các lợi thế mà các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.
Lãnh đạo Tổng công ty May 10 cho biết, đơn vị đang tập trung tận dụng 2 hiệp định FTA chính là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Đặc biệt, thị trường EU hiện rất tiềm năng, bởi tỷ trọng hàng may mặc xuất khẩu của Việt Nam vào châu Âu đang rất thấp, EVFTA sẽ hỗ trợ để xuất khẩu dệt may vào thị trường EU tăng đột phá trong năm 2022 và thời gian tới. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Nhật Bản, EU... đã có sự phục hồi, thì các doanh nghiệp cũng đang hướng tới một số thị trường mới ở châu Phi.
Thời gian tới, Thành phố tiếp tục tập trung triển khai Kế hoạch về hội nhập quốc tế TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch 271/KH-UBND về đẩy mạnh xuất khẩu trên địa bàn Thành phố năm 2022... Trong đó, Hà Nội sẽ tăng cường phối hợp các bộ, ban, ngành Trung ương, các đại sứ quán, thương vụ của Việt Nam tại nước ngoài và nước ngoài tại Việt Nam, các tập đoàn bán lẻ lớn... để đẩy mạnh hoạt động giao thương kết nối doanh nghiệp trong nước với các đối tác nước ngoài.
Ngoài ra, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, nguồn vốn, công nghệ chất lượng cao, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu.
Đức Anh
Nguồn:Vnbusiness.vn