Nhà máy khát lao động khi người trẻ đổ xô chạy xe ôm công nghệ

Thay vì làm công nhân, một bộ phận người trẻ tìm kiếm các công việc tự do về thời gian, địa điểm khiến nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đối mặt hàng loạt thách thức về nhân sự.

Không muốn vào nhà máy

Minh Đức, 21 tuổi, đã làm việc trong một nhà máy dệt ở TP. Hồ Chí Minh được ba năm với mức lương hàng tháng khoảng 10 triệu đồng. Tuy nhiên, để đạt mức thu nhập này, anh thường xuyên phải tăng ca, thêm giờ.

“Mỗi ngày ngồi trong xưởng suốt 12 tiếng kể cả tăng ca thì cuối tháng nhận lương cũng đủ trang trải. Tuy vậy, về lâu dài, lương sẽ không tăng lên được bao nhiêu và cũng không thấy hướng phát triển”, Minh Đức chia sẻ.

Mới đây, Đức xin nghỉ việc và gia nhập giới “xe ôm công nghệ”. Đức cho biết, thu nhập không chênh lệch nhiều so với ban đầu, nhưng giờ làm việc ngắn hơn và linh hoạt hơn. Những ngày mệt, ốm bệnh, hay về quê, đi chơi, Đức có thể tự do nghỉ việc thay vì phải giải trình, xin phép quản lý. Anh cũng dự định sẽ tìm thời gian học làm tóc và mở tiệm cắt tóc riêng.

Tương tự Minh Đức, Hoài Linh, 27 tuổi, đã chọn làm việc cho một sàn môi giới bất động sản sau khi nghỉ việc tại nhà máy sản xuất gấu bông. Linh cho rằng, làm việc trong nhà máy phải chịu nhiều quy định bó buộc, giờ giấc ca kíp thất thường và chế độ đãi ngộ thực chất cũng không tốt như anh tưởng tượng.

Thị trường bất động sản (BĐS) tại Việt Nam hiện nay đang rất “nóng”. Tại các đô thị trung tâm như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận, việc giá nhà tăng mạnh đang thu hút đông đảo đội ngũ lao động trẻ gia nhập nghề môi giới.

Các doanh nghiệp trong ngành dệt may nói chung có thể đưa ra mức lương từ 7 đến 10 triệu đồng. Nhưng thu nhập này không thể hấp dẫn bằng mức hoa hồng nhận được từ công việc môi giới BĐS, có thể lên tới 100 triệu đồng đối với một giao dịch nhà, đất trị giá 3 tỷ đồng được thực hiện thành công.

Trưởng bộ phận nhân sự của một doanh nghiệp gia công da giày cho biết, họ cần tuyển hàng nghìn lao động nhưng mục tiêu thường chỉ đạt được 65%, trong khi hàng tháng có hàng trăm công nhân nghỉ việc. Công ty cho biết, đã từ bỏ mục tiêu tuyển dụng vì bất khả thi.

Còn theo một lãnh đạo doanh nghiệp dệt may khác thì công nhân trẻ đang không muốn gắn bó lâu dài với công xưởng. Nhóm người này có xu hướng chọn làm việc trong ngành dịch vụ hoặc thậm chí cả những công việc lặt vặt, miễn là công việc đó linh hoạt về thời gian, tự do địa điểm, lương cao hơn và đáp ứng được các yêu cầu khác của họ.

cong nhan vietnam+

Không ít lãnh đạo nhà máy đang "đau đầu" thiếu hụt công nhân. (Ảnh: Vietnam+)

 

Sohu cho hay, nhận định này được chứng thực thông qua khảo sát do chuyên trang Việc làm tốt thực hiện trên 1.300 công nhân. Có đến trên 60% công nhân muốn đổi nghề, bắt đầu tìm việc ở những nhóm ngành nghề khác như việc làm trực tuyến, gia công tại nhà, bán hàng, tài xế, giao hàng.

Nỗi lo của doanh nghiệp

Theo nhận định của Sohu, dệt may và da giày là hai ngành sử dụng nhiều lao động bậc nhất trong lĩnh vực sản xuất của Việt Nam. Trong đó, ngành dệt may sử dụng khoảng 2 triệu lao động, chiếm 25% lao động toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Hiện nay, tình trạng thiếu hụt lao động trong hai ngành này cũng như các khu công nghiệp nói chung là đặc biệt nghiêm trọng.

Tại tỉnh Bình Dương, cảnh tượng doanh nghiệp bố trí nhân sự, bàn ghế ngay bên đường để tuyển công nhân đã không còn xa lạ. Lãnh đạo Công ty Sản xuất - thương mại Bình Dương cho biết, từ đầu năm đến nay, dù đã tăng lương, nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu khoảng 300 lao động.

Một doanh nghiệp khác là Công ty TNHH Apparel Far Eastern (Bình Dương) có nhu cầu mở rộng sản xuất, cần tuyển thêm 1.000 lao động.

“Công ty tăng lương, thưởng và bố trí xe đưa rước tận nhà nhưng tìm không ra lao động. Việc thiếu người làm ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất theo đơn hàng đã ký với đối tác”, lãnh đạo công ty này cho hay.

Người đứng đầu bộ phận nhân sự một doanh nghiệp dệt may tiết lộ, do khan hiếm lao động nên nhà máy không thể đạt 100% công suất. Hơn nữa, lao động mới được tuyển dụng còn phải mất thời gian đào tạo, không cách nào bắt kịp nhịp sản xuất.

Vị này cũng cho biết: “Đến hiện tại thì hầu như tất cả công nhân thạo nghề chúng tôi có là những công nhân ở độ tuổi 40”.

Khảo sát của Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho thấy, 21% công ty có vốn đầu tư nước ngoài thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến lo ngại sẽ gặp khó khăn trong tuyển dụng lao động giai đoạn 2021 - 2023, khi số lượng và chất lượng lao động đều khó có thể đáp ứng các tiêu chuẩn.

Để thu hút lao động trẻ vào nhà máy, chính các doanh nghiệp cũng đang tích cực cải thiện chế độ đãi ngộ, chẳng hạn như lương, thưởng. Tuy nhiên, giải pháp này có tác dụng rất hạn chế vì mức tăng lương không thể bắt kịp đà lạm phát đang gia tăng phi mã. Hơn nữa, một khi mức lương tối thiểu vùng được nâng lên, chi phí đầu vào và giá cả cũng gia tăng. Như vậy về cơ bản, mức sống của người lao động vẫn chưa được cải thiện đáng kể.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thách thức trong việc tuyển dụng lao động trẻ sẽ còn kéo dài. Và ngành dệt may, da giày của Việt Nam sẽ phải thay đổi và tái cơ cấu, không thể dựa nhiều vào lao động giá rẻ như trước, vì những lợi thế này sẽ dần mất đi trong tương lai.

Nguồn:Giadinhonline.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/