Việt Nam đang trở thành trung tâm sản xuất mới nổi toàn cầu.
Gia tăng tỷ lệ nội địa hóa
Theo Ngân hàng HSBC, dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào các nước Đông Nam Á, đặc biệt là khu vực sản xuất. Việt Nam và Indonesia là hai thị trường nhận nhiều vốn FDI nhất. Những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn vốn FDI chất lượng - yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị. Trong đó, Việt Nam đã chuyển thành trung tâm sản xuất mới nổi của toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu với nhiều lĩnh vực: dệt may, giày dép, điện tử tiêu dùng. Trước đó, phần vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực tạo giá trị gia tăng thấp như dệt may và giày dép. Tuy nhiên, 2 thập niên gần đây, Việt Nam đang tiến lên trong chuỗi giá trị, thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử. Con số thống kê cho thấy, xuất khẩu điện tử đã đạt mức cao kỷ lục với 100 tỷ USD trong năm 2021, chiếm 30% tổng giá trị xuất khẩu vào Việt Nam. 20 năm trước, con số này chỉ ở mức 5%.
PGS. TS Bùi Thị Lý – Đại học Ngoại thương nhận định, thời gian qua các nhà cung cấp trong nước đã tham gia ngày càng nhiều vào chuỗi giá trị toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Điều này thể hiện ở giá trị kim ngạch xuất khẩu linh phụ kiện cũng như tỷ lệ nội đại hóa trong các sản phẩm cuối cùng lắp ráp tại Việt Nam của các công ty đa quốc gia đang tăng lên đáng kể. Tỷ lệ nội địa hóa của ngành điện tử gia dụng là 30 – 35% nhu cầu linh kiện; điện tử phục vụ ô tô, xe máy khoảng 40%. Đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, một số dòng xe đạt tỷ lệ nội địa hóa cao. Cụ thể, xe tải 7 tấn đáp ứng khoảng 70% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa trung bình 55%. Xe khách từ 10 chỗ trở lên, xe chuyên dụng đáp ứng khoảng 90% nhu cầu, với tỷ lệ nội địa hóa lên đến 40%.
Trong khi đó, ông Trần Tuấn Anh – Trưởng ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nay trong cơ cấu kinh tế, khu vực FDI đóng góp tới 20,13% GDP, chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, khoảng 50% sản lượng công nghiệp. Đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các DN FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử và sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí. Đây chính là điều kiện tốt để DN nội địa tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tăng hỗ trợ và chuyển giao công nghệ
Nhiều ý kiến cho rằng sự tham gia chuỗi cung ứng của các DN Việt Nam có sự tập trung cao xung quanh 3 trung tâm lớn của chuỗi giá trị toàn cầu là Đông Bắc Á, EU, Bắc Mỹ và quanh Asean. Trong đó, Việt Nam đã và đang trở thành điểm đến ưa thích của ngành sản xuất chế xuất, ngành thiết bị điện và điện tử của thế giới. Ông Trần Tuấn Anh đánh giá cao đóng góp của DN FDI trong việc đưa sản phẩm Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, song vẫn còn một số bất cập cần tháo gỡ. Theo ông Trần Tuấn Anh, sự liên kết giữa DN FDI với DN trong nước chưa thật sự bền chặt. Chuyển giao công nghệ của các DN FDI còn rất khiêm tốn, chỉ đạt khoảng 1.000 hợp đồng trong tổng số gần 27.500 dự án đầu tư nước ngoài. Trong đó, chuyển giao công nghệ chỉ chiếm 13%. Tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, bình quân chỉ đạt 20 – 25%.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để hỗ trợ các nhà cung cấp trong nước tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, bên cạnh nỗ lực của các nhà cung cấp trong nước rất cần giải pháp đồng bộ từ nhà quản lý. Chẳng hạn, TPHCM có gói kích cầu đối với công nghiệp hỗ trợ. Khi DN nào đầu tư vào công nghiệp hỗ trợ, thành phố sẽ hỗ trợ bao nhiêu % lãi suất. Ví dụ lãi suất 12% thì thành phố hỗ trợ 50% hay 100%.
Bộ Công thương cho biết, nhằm hỗ trợ DN, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp miền Bắc và miền Nam. Hiện các trung tâm này đang tích cực hợp tác với các tập đoàn đa quốc gia có mặt tại Việt Nam như Toyota, Mitsubishi, Canon nhằm tìm kiếm các nhà cung cấp phù hợp tham gia chuỗi giá trị của các tập đoàn này.