Xuất khẩu tăng trưởng trong khó khăn
Tận dụng tốt cơ hội từ nhiều thị trường cũng như lợi thế của các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam ký kết, đã góp phần quan trọng giúp hoạt động xuất khẩu hàng hóa duy trì mức tăng trưởng khá trong 6 tháng đầu năm 2022.
Xuất siêu 710 triệu USD
Thông tin từ Bộ Công Thương, 6 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 371,17 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 17,3%; nhập khẩu tăng 15,5%. Cán cân thương mại hàng hóa 6 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 710 triệu USD.
6 tháng đầu năm 2022, cả nước xuất siêu 710 triệu USD. Ảnh minh họa
Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hoá trong 6 tháng năm 2022 đạt gần 186 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 90,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 5 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 57,8%).
Trong đó, nhóm hàng chủ lực gia tăng xuất khẩu mạnh mẽ như: Dệt may đạt 22 tỷ USD, tăng trưởng 23%; nông, lâm, thủy sản đạt 27,8 tỷ USD, tăng 13,9% …
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho biết, việc tăng giá các mặt hàng nhiên liệu như dầu thô, than đá cũng góp phần tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam là một nước vừa xuất khẩu, vừa nhập khẩu nhiên liệu. Với sự ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraine đã góp phần đẩy mặt bằng giá nhiên liệu trên thế giới lên.
“Một mặt chúng ta phải nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, điều đó cũng ảnh hưởng về giá trị nhập khẩu đối với nhóm mặt hàng này. Mặt khác chúng ta xuất khẩu dầu thô và than đá, trong 6 tháng đầu năm dù lượng xuất khẩu các mặt hàng này giảm nhưng giá trị xuất khẩu vẫn gia tăng. Điều này cho thấy một sự cân bằng ở mức tương đối trong cán cân xuất khẩu và nhập khẩu đối với các mặt hàng liên quan đến năng lượng, nhiên liệu" - ông Hải Trần Thanh Hải nêu dẫn chứng.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, việc DN duy trì được những thị trường truyền thống lớn và tận dụng khá tốt cơ hội từ các FTA, đã góp phần quan trọng vào kết quả tăng trưởng xuất khẩu 2 con số trong 6 tháng năm 2022.
Đơn cử, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực của Việt Nam và những thị trường mà nước ta có ký kết FTA cũng tăng trưởng khá, chẳng hạn như: Mỹ đạt 55,9 tỷ USD, tăng 22,5 %; EU 23,6 tỷ USD, tăng 21,6 %; Trung Quốc đạt 26,3 tỷ USD, tăng 7 %.
Nắm bắt cơ hội, điều chỉnh phương án xuất khẩu kịp thời
Nhận định về những thách thức, khó khăn trong hoạt động xuất khẩu những tháng cuối năm, các chuyên gia, nhà quản lý lưu ý DN cần quan tâm, theo dõi để điều chỉnh phương án xuất khẩu kịp thời.
Trong đó, vấn đề đáng lưu tâm nhất là tình hình lạm phát ở nhiều quốc gia đang có dấu hiệu tăng cao, đặc biệt thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU… Bởi, việc lạm phát tăng cao sẽ kéo giảm nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, gia dụng, điều này sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam.
Thủy sản là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Ảnh minh họa
Đưa ra khuyến nghị đối với DN xuất khẩu, ông Trần Thanh Hải cho rằng, DN cần tuân thủ và coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng để xuất khẩu nhiều hơn vào các thị trường khó tính, giá trị xuất khẩu cao. Cùng với việc tận dụng lợi ích của FTA cũng cần có những ứng phó kịp thời đối với các biện pháp phòng vệ thương mại, mà hiện nay nhiều quốc gia đang đưa ra như một hàng rào mới đối với hàng hóa xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Về phía các bộ, ngành, thời điểm này cũng chỉ đạo sát sao những giải pháp đẩy mạnh, tăng tốc xuất khẩu. Chẳng hạn như ngành nông nghiệp phấn đấu đạt mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 đạt 55 tỷ USD. Để chinh phục mục tiêu này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã yêu cầu các cơ quan trực thuộc thực hiện giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng, giá trị cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.
Hay ngành dệt may cũng đang nỗ lực thực hiện các biện pháp ứng phó với nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, tắc nghẽn dịch vụ logistics thiếu hụt container rỗng...
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Đức Giang cho hay: “Các DN đã chủ động chuyển đổi, đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu trong nước để chủ động về thời gian giao nhận, tiết kiệm chi phí vận chuyển; đồng thời thường xuyên đàm phán, tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới nhằm đảm bảo duy trì sản xuất thường xuyên và việc làm ổn định cho người lao động”.
Nguồn: Kinhtedothi.vn