Bên cạnh đó, nhiều ngành hàng lớn như dệt may, da giày,… cũng đã có đơn hàng tới tận cuối năm. Tuy nhiên, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, gián đoạn nguồn cung nguyên phụ liệu lại đang đặt ra không ít thách thức.
Chuỗi cung ứng toàn cầu vừa được nối lại đã tiếp tục đứt gãy do ảnh hưởng từ tình hình bất ổn địa chính trị tại một số quốc gia cũng như làn sóng tái bùng phát dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nhiều ngành sản xuất trong nước lập tức gặp khó khăn, các doanh nghiệp phải đối mặt với nguy cơ chậm giao đơn hàng xuất khẩu, dẫn đến rủi ro thanh toán.
Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn
Sản xuất điện tử là ngành công nghiệp quan trọng, đóng góp tỷ trọng cao trong xuất khẩu cũng như cân bằng cán cân thương mại của đất nước, nhưng các doanh nghiệp trong ngành đang gặp nhiều khó khăn do biến động của chuỗi cung ứng.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam (VEIA), một trong hai mảng sản xuất chính của ngành điện tử là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đang nhập khẩu 29,58% linh phụ kiện từ Hàn Quốc và 28,8% từ Trung Quốc. Tỷ lệ này đối với mảng điện thoại các loại và linh kiện cao hơn nhiều, lần lượt là 52,14% và 40,49%. Do đó, khi nguồn cung nguyên liệu từ Trung Quốc bị gián đoạn, cả những "ông lớn" như Samsung hay Apple đều bị ảnh hưởng. Theo một số nguồn tin, Samsung chỉ sản xuất được khoảng 12 triệu chiếc điện thoại thông minh trong tháng 5 vừa qua, sụt giảm đến 20% so cùng kỳ năm trước. Khối lượng sản xuất lũy kế bốn tháng đầu năm của tập đoàn này cũng thấp hơn cùng kỳ năm 2021.
Nhiều ngành sản xuất khác cũng đang phải "oằn mình" chống chọi tình trạng thiếu nguyên phụ liệu. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), thị trường Trung Quốc đóng vai trò cung cấp nguồn nguyên phụ liệu đầu vào rất lớn cho ngành dệt may trong nước, bao gồm khoảng 60% vải, hơn 55% xơ sợi và khoảng 45% phụ liệu. Do đó, khi nước này kiên trì áp dụng chiến lược "zero Covid" dẫn đến thiếu hụt nguồn cung trong ngắn hạn đã gây nhiều khó khăn cho hoạt động sản xuất của ngành.
Không những vậy, theo Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Ðức Việt, các doanh nghiệp còn phải đối mặt giá chi phí vận chuyển, logistics ngày càng tăng cao khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh không đạt kỳ vọng. Ðáng chú ý, giá đầu vào tăng cao, nhưng sản phẩm đầu ra không thể tăng theo khiến lợi nhuận bị giảm, tác động xấu tới việc duy trì sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết thêm, khó khăn về logistics tiếp tục là vấn đề thời gian. Như trước đây, bình quân thời gian chuẩn bị nguyên liệu bông cả trên đường và về kho mất khoảng hai đến ba tháng thì nay kéo dài tới sáu tháng. Không mua hàng, doanh nghiệp sẽ không có nguyên liệu để sản xuất; mua hàng thì thời gian vận chuyển kéo dài, vốn lưu động tăng vọt gấp đôi. Ðây là những thách thức rất lớn mà doanh nghiệp đang phải đối diện.
Sản xuất đình trệ đã khiến hoạt động xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu sụt giảm. Theo Bộ Công thương, kim ngạch xuất khẩu cả nước tháng 5 đã giảm 7,2% so tháng trước, chủ yếu do sụt giảm kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo (giảm 7,9%), bao gồm: điện thoại các loại và linh kiện giảm 28,8%; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện giảm 19,2%; xơ sợi dệt các loại giảm 9,9%;... Trong khi đó, kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chiến lược khác như dệt may và may mặc cũng chỉ tăng 0,6%; giày dép các loại tăng 4,5%;...
Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) nhận định, tình trạng phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu không chỉ gây ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong dài hạn.
Công nhân Công ty cổ phần Nam Tiệp (Cụm công nghiệp An Xá, thành phố Nam Ðịnh) may quần áo xuất khẩu sang thị trường Nga, châu Âu, Mỹ. (Ảnh THANH LÂM)
Đa dạng hóa nguồn cung
Ngày 21/6, đạo luật cấm nhập khẩu các sản phẩm xuất xứ từ Tân Cương (Trung Quốc) chính thức có hiệu lực tại Hoa Kỳ-thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam hiện nay. Trong khi đó, bông Tân Cương đang chiếm tới 80% tổng sản lượng bông của Trung Quốc, 20% trong chuỗi cung ứng bông toàn cầu và phần lớn trong số đó phục vụ ngành may mặc. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho biết, các doanh nghiệp trong nước (kể cả doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) mới chỉ sản xuất được một lượng sợi rất ít, chủ yếu ở phẩm cấp trung bình và thấp; hàng dệt nhuộm lại càng ít hơn.
Nguồn cung nguyên phụ liệu đang phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc nên việc Hoa Kỳ cấm bông Tân Cương chắc chắn sẽ gây xáo trộn không nhỏ đối với các doanh nghiệp xuất khẩu sang quốc gia này. Yêu cầu phải đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu đối với ngành may mặc đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là cần sớm hình thành các chuỗi liên kết, xây dựng các cụm, khu công nghiệp hoàn chỉnh đáp ứng nhu cầu của ngành. Bên cạnh đó, cần xem xét tới các thị trường khác như Ðài Loan (Trung Quốc), Ấn Ðộ, Hàn Quốc,... để bảo đảm nguồn cung nguyên liệu trong dài hạn.
Theo các chuyên gia, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp trong lĩnh vực sản xuất và thương mại, Bộ Công thương cần có thêm nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp kết nối cung cầu, mở rộng thị trường mới ở cả chiều nhập và xuất khẩu. Chủ tịch VITAS Vũ Ðức Giang kiến nghị, Bộ Công thương cần phát huy hiệu quả vai trò của các Tham tán thương mại nước ngoài nhằm tăng cường tìm kiếm, mở rộng thị trường cung ứng nguyên liệu, kết hợp hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn cung tin cậy, có giá thành tốt. Ðiều này vừa giúp tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp, vừa giảm thiểu những rủi ro do phụ thuộc cực đoan vào một thị trường cung ứng.
Tuy nhiên, việc đa dạng hóa nguồn cung đối với nhiều ngành sản xuất là không hề đơn giản. Ủy viên Ban Chấp hành VEIA Ðỗ Thị Thúy Hương chia sẻ, Việt Nam chưa có thương hiệu điện tử đủ mạnh để vươn ra toàn cầu. Do đó, doanh nghiệp điện tử Việt Nam dù đã có sự phát triển vượt bậc trong những năm qua, nhưng chủ yếu vẫn chỉ là những mắt xích trong các chuỗi cung ứng và phải phụ thuộc vào sự phân công, chỉ định nguồn cung nguyên phụ liệu từ các thương hiệu đầu chuỗi.
Mặt khác, linh phụ kiện ngành điện tử mang tính công nghệ cao, phải tuân thủ và đáp ứng được nhiều tiêu chuẩn rất khắt khe, dẫn đến việc điều chỉnh nguồn cung càng thêm khó. Thực tế, từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, tất cả doanh nghiệp điện tử toàn cầu đều đang cố gắng đa dạng hóa nguồn cung. Nhiều thương hiệu lớn đã chuyển dịch dần từng khâu sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó có Việt Nam cũng là nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, khó có thể cắt hẳn sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc bởi đây là công xưởng có nền sản xuất hiện đại, chuyên nghiệp, giá cả rất cạnh tranh.
Ðể khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, Cục Công nghiệp nhận định, về lâu dài cần có những giải pháp đẩy mạnh ngành công nghiệp hỗ trợ. Ðể làm được điều đó, điều kiện tiên quyết là phải có ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong nước mạnh; từ đó, mở ra cơ hội thị trường cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trở thành nhà cung cấp, tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng.
Ngoài ra, cần tích cực mở rộng thị trường nước ngoài, tạo điều kiện giúp doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ tiếp nhận thuận lợi các quy trình kỹ thuật, kỹ năng sản xuất từ nước ngoài để nâng cao năng lực sản xuất. Các ngành công nghiệp vật liệu cũng phải được chú trọng phát triển nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, từ đó nâng cao giá trị gia tăng và sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.