Bên cạnh cơ hội, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sang thị trường các nước thuộc Hiệp định CPTPP cũng có nhiều nguy cơ bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Vì vậy, doanh nghiệp cần theo dõi và xây dựng phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.
Nhiều quy định về phòng vệ thương mại
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Hiệp định CPTPP) là một Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới, gồm 11 nước thành viên. Theo đó, việc có quan hệ FTA với các nước CPTPP sẽ giúp Việt Nam có cơ hội cơ cấu lại thị trường xuất, nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn.
Đồng thời, với việc tham gia Hiệp định CPTPP, Việt Nam trở thành đối tác của 10 thành viên: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.
Trong số các nước này, ngoại trừ Brunei không nội luật hóa các quy định về phòng vệ thương mại cũng như không thành lập cơ quan chuyên trách điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hầu hết các thành viên còn lại đã chủ động xây dựng các văn bản pháp luật nhằm thực thi các cam kết về biện pháp này.
Theo Bộ Công Thương, qua thực tiễn kinh nghiệm điều tra phòng vệ thương mại, trong nhóm các đối tác thành viên CPTPP thì Australia, Canada nổi bật là hai quốc gia có số lượng lớn các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, việc nghiên cứu, nắm rõ quy định phòng vệ thương mại của các nước đóng vai trò quan trọng giúp các doanh nghiệp liên quan có thể theo dõi cũng như hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình điều tra.
|
Doanh nghiệp cần nắm rõ các quy định phòng vệ thương mại để xuất khẩu thành công |
Hiệp định CPTPP quy định 5 biện pháp phòng vệ thương mại: Biện pháp tự vệ toàn cầu; biện pháp tự vệ chuyển tiếp; biện pháp chống bán phá giá; biện pháp chống trợ cấp; biện pháp khẩn cấp đối với hàng dệt may. Như vậy, so với 3 biện pháp phòng vệ thương mại cơ bản (tự vệ toàn cầu, chống bán phá giá và chống trợ cấp), các thành viên CPTPP đã đàm phán bổ sung 2 biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong đó, biện pháp tự vệ chuyển tiếp là biện pháp tự vệ áp dụng trong trường hợp cam kết của Hiệp định dẫn đến việc gia tăng hàng hóa nhập khẩu, gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước. Còn trong Chương Dệt may (Chương 4) của Hiệp định, các thành viên có quy định về biện pháp khẩn cấp, áp dụng riêng với hàng dệt may.
Chủ động ứng phó phù hợp, kịp thời
Theo Bộ Công Thương, kể từ khi có hiệu lực, đến nay, Hiệp định CPTPP đã có những tác động rõ rệt đối với xuất nhập khẩu của Việt Nam. Với thị trường các đối tác CPTPP, Việt Nam hiện đang xuất siêu với những tăng trưởng đáng ghi nhận, ngay cả khi kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch Covid-19.
Trước thực tiễn này, Bộ Công Thương khuyến cáo, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường đối tác CPTPP có nguy cơ gia tăng bị điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Cho đến nay, hàng hóa Việt Nam mới là đối tượng điều tra phòng vệ thương mại của 4 đối tác CPTPP.
Tuy nhiên, trong nhóm 10 đối tác CPTPP, một số đối tác như: Nhật Bản, Chile hay New Zealand cũng là những thành viên rất tích cực sử dụng công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Do đó, rất có thể hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam sẽ trở thành đối tượng điều tra mới của các đối tác CPTPP. Vì vậy, cần có sự theo dõi và xây dựng phương án ứng phó phù hợp, kịp thời.
Đối với các thị trường xuất khẩu trọng điểm, để ứng phó với các vụ việc, tránh rủi ro, Bộ Công Thương khuyến nghị, doanh nghiệp cần có những rà soát và cảnh bảo sớm về nguy cơ bị điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại, qua đó có những cân nhắc điều chỉnh phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp cần theo dõi xu hướng điều tra áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại của nước xuất khẩu.
Đặc biệt, với những thị trường thường xuyên sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: Australia, Canada, doanh nghiệp cần có những phương án chuẩn bị ngay từ giai đoạn tiếp cận thị trường để đảm bảo những thành quả sau khi tiếp cận thành công. Cũng như thường xuyên theo dõi các biện pháp phòng vệ thương mại trên thế giới áp dụng với hàng hóa mà mình xuất khẩu. Bởi việc một số thị trường áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với một loại hàng hóa cụ thể có thể dẫn đến việc các thành viên khác cũng sẽ xem xét điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm đó.
Đặc biệt, tham gia ứng phó một vụ việc phòng vệ thương mại doanh nghiệp cần đầu tư rất nhiều nguồn lực. Vì thế, việc các doanh nghiệp cùng ngành phối hợp với nhau trong quá trình tham gia vụ việc điều tra phòng vệ thương mại sẽ tạo ra sức mạnh đoàn kết, chia sẻ chi phí cũng như kinh nghiệm trong quá trình ứng phó vụ việc.