Theo chương trình, ngày 24/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động.
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã đề xuất, số giờ làm thêm tối đa trong tháng được tăng lên 72 giờ thay vì 40 giờ như hiện nay, mức trần 300 giờ làm thêm trong năm được áp dụng cho tất cả ngành nghề, do chủ sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận. Trước mắt, chính sách dự kiến áp dụng tới ngày 31/12/2022. Tùy tình hình thực tế nếu cần thiết kéo dài thì Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 4, khóa XV vào tháng 10/2022.
|
Việc nới trần làm thêm nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe người lao động
|
Tại điều 107 Bộ luật Lao động quy định, người sử dụng lao động được phép thỏa thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời chỉ có một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thủy hải sản…) được làm thêm từ trên 200 - 300 giờ/năm. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19 kéo dài 2 năm, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 làm đứt gãy sản xuất, doanh nghiệp thiếu hụt lao động; cộng với trong thời gian ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, do thiếu hụt lao động nên khi tổ chức sản xuất trở lại, nhiều doanh nghiệp và người lao động cũng mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất.
Ngay cả thời điểm hiện nay, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt và doanh nghiệp buộc phải thích ứng linh hoạt trong tình hình mới, thì có không ít doanh nghiệp đang ở trong tình trạng 70 - 80% người lao động là F0, chưa kể số lao động thuộc diện F1 buộc phải cách ly, nên số lao động thực tế là rất thấp. Cộng thêm áp lực từ việc lao động chưa trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết Âm lịch khiến không ít doanh nghiệp buộc phải giãn ca sản xuất, hay tạm dừng dây chuyền do thiếu hụt lao động.
Chính vì vậy, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương – nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đề xuất nới quy định thời gian làm thêm theo tháng là đúng vì với sản xuất phải là chu kỳ theo tháng, năm. Chủ sử dụng lao động cực chẳng đã mới tăng ca, vì việc làm này kéo theo không ít chi phí.
Tuy nhiên, theo bà Hương, thời gian làm thêm giờ cần đảm bảo đúng quy định, trên nguyên tắc tự nguyện giữa người lao động và doanh nghiệp. Việc nới thời gian làm thêm nhưng vẫn phải đảm bảo sức khỏe của người lao động.
Cùng quan điểm với bà Nguyễn Thị Lan Hương, ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng ban chính sách pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cũng lưu ý, các ngành chức năng, đặc biệt là người sử dụng lao động phải tính toán kỹ để đảm bảo sức khỏe và an toàn của người lao động, giúp họ gắn bó lâu dài với nơi làm việc.
Được biết tại một số cuộc họp bàn lấy ý kiến về vấn đề trần giờ làm thêm, một số ngành như: Dệt may, thủy sản, da giày, điện tử... có chung quan điểm cần tăng trần giờ làm thêm lên mức 400 giờ/năm. Một số ý kiến cho rằng, việc khống chế không quá 300 giờ/năm cho tất cả các ngành nghề là chưa hợp lý. Các ngành, lĩnh vực nào luật quy định không quá 200 giờ/năm thì nâng lên 300 giờ, còn các ngành đặc thù đang quy định 300 giờ/năm thì nâng lên 400 giờ/năm.
Đề xuất nới trần giờ làm thêm đã từng được đưa ra tại lần sửa đổi Bộ luật Lao động năm 2019 và nhận được nhiều chiều ý kiến khác nhau. Nay đại dịch Covid-19 một lần nữa đặt ra yêu cầu về việc xem xét nới trần giờ làm thêm tạo cơ hội việc làm cho người lao động, đồng thời giúp doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch. |