Theo báo cáo từ liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, sau Tết có khoảng 95% người lao động trên cả nước đã đi làm trở lại. Một số địa phương có số lao động đi làm trở lại sau Tết đạt tỷ lệ cao như Cần Thơ (100%), Đà Nẵng (99,8%), Quảng Ninh (98,8%), Thanh Hóa (98,7%), Hà Nội (98,1%), Hà Nam (98%)…
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo năm 2022, các dự án tiếp tục được mở rộng quy mô và triển khai mới tại nhiều địa phương trên cả nước, nên nhu cầu sử dụng lao động ở các địa phương, ngành có xu hướng tăng lên. Cụ thể, Bình Dương cần khoảng 90.000 lao động, Long An cần 51.000, Hải Phòng cần trên 50.000, Bắc Ninh cần từ 25.000 - 30.000, Quảng Ninh cần 24.500...
Nhu cầu sử dụng lao động trong thời gian tới dự kiến tập trung ở các lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, du lịch, nhóm lao động có trình độ (như quản lý sản xuất, văn phòng, đội ngũ có trình độ ngoại ngữ, xuất nhập khẩu….), lao động thời vụ.
Tại Hà Nội, những ngành nghề dự kiến có nhu cầu tuyển dụng lao động tăng là: công nghệ thông tin; tài chính ngân hàng; dịch vụ du lịch, kỹ thuật, may mặc, điện tử...Dự kiến nhu cầu nhân lực thời gian tới ở TP. Hà Nội cần khoảng 26.000 lao động.
Còn tại TP. HCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP. HCM dự báo sau Tết thành phố cần khoảng 44.800 - 55.600 chỗ làm việc, tập trung ở các ngành như: dệt may - giày da; sản xuất, chế biến thực thẩm; cơ khí; hóa chất - dược - cao su; kiến trúc; xây dựng; bán buôn và bán lẻ; vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; thông tin và truyền thông; kinh doanh bất động sản; dịch vụ bảo vệ…
Năm 2022, thị trường lao động TP. HCM tiếp tục phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp – xây dựng và dịch vụ, giảm dần tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Cạnh tranh tuyển dụng lao động dự báo sẽ tăng cao. Ảnh minh họa.
Trước thực tế nhu cầu lao động ở nhiều địa phương có đông khu công nghiệp, khu chế xuất tăng cao, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự báo sự cạnh tranh trong việc tuyển dụng lao động sẽ gia tăng trong thời gian tới, giữa các doanh nghiệp với nhau và cả người lao động mới tham gia vào thị trường lao động với lực lượng lao động có kinh nghiệm, có nhu cầu thay đổi công việc.
Điều này thể hiện ở tình trạng đình công, dừng việc, tranh chấp quan hệ lao động diễn ra nhiều hơn so với bình thường hàng năm. Cụ thể, trước và sau Tết diễn ra khoảng 30 cuộc đình công, tạm dừng việc tập thể. Nguyên nhân chủ yếu là do xung đột giữa chủ sử dụng lao động với người lao động xung quanh vấn đề là đòi hỏi nâng lương, tăng phụ cấp…
"Chúng tôi nhận thấy nguyên nhân là sau thời gian giãn cách, vì các doanh nghiệp đưa ra các chính sách mời gọi người lao động rất khác nhau. Vì vậy, người lao động có đòi hỏi, doanh nghiệp phải nâng lên, nếu không nâng lên những chính sách đó thì người lao động nhảy việc. Đây cũng là vấn đề chúng ta cần phải lưu tâm", Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung lưu ý.
Về phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế chính sách hợp lý đảm bảo cuộc sống của người lao động, như điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng, tiếp tục có chính sách hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19...để người lao động yên tâm sản xuất, gắn bó với doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động TP. Hà Nội Lê Đình Hùng cũng cho rằng, cần có nghiên cứu tổng thể, khách quan, toàn diện về thực trạng đời sống của người lao động tại các khu nhà trọ để thiết kế và đề xuất các chính sách dài hạn cho đối tượng lao động nhập cư.
Để hỗ trợ người lao động quay trở lại thị trường lao động, hiện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang hoàn thiện Dự thảo Quyết định Quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Mức đề xuất hỗ trợ hàng tháng là 500.000 đồng/người/tháng, tối đa 3 tháng với người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp và mức 1.000.000 đồng/người/tháng đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động, thời gian tối đa 3 tháng.
Nguồn: Vneconomy.vn