Xuất khẩu tăng khả quan, nhiều tỉnh duy trì xuất siêu
Tại TP. Hồ Chí Minh, số liệu từ Cục Thống kê thành phố cho thấy, trong hai tháng đầu năm nay kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp thành phố tại các cửa khẩu trên cả nước đạt gần 7,38 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ. Trong đó, nhóm hàng nông sản có giá trị xuất khẩu đạt hơn 695 triệu USD, tăng 63,3% so với cùng kỳ và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; nhóm hàng thủy sản, hải sản có giá trị xuất khẩu đạt 179,3 triệu USD, tăng 85,2% so với cùng kỳ; giày, dép có giá trị xuất khẩu đạt 377,4 triệu USD, tăng 25,2%... Đặc biệt, nhóm hàng công nghiệp có giá trị xuất khẩu đạt hơn 5,31 tỷ USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng 77,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố.
|
Xuất khẩu dệt may của các doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh tăng trưởng tốt trong 2 tháng đầu năm 2022 |
Cùng với TP. Hồ Chí Minh, xuất khẩu của tỉnh Bình Dương đã có sự bứt tốc ngoạn mục sau khi địa phương này trở lại hoạt động bình thường kể từ cuối năm ngoái. Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho hay, xuất khẩu của Bình Dương 2 tháng qua đã tăng mạnh 18,7% với kim ngạch đạt gần 6 tỷ USD. Đáng chú ý, nhập khẩu của tỉnh chỉ ở mức 3,989 tỷ USD, giúp tỉnh xuất siêu 2 tỷ USD.
Về mặt hàng xuất khẩu chủ lực, theo bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Sở Công Thương Bình Dương, dệt may, da giày, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sản phẩm điện tử, linh kiện điện tử là những sản phẩm có kim ngạch cao trong 2 tháng qua.
Tương tự, tỉnh Đồng Nai đạt kim ngạch xuất khẩu 4,424 tỷ USD, tăng gần 32% so cùng kỳ năm trước. Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, các mặt hàng xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ gồm: Cà phê (tăng gần 22%); hạt tiêu (tăng hơn 89%); sản phẩm gỗ (tăng xấp xỉ 19%); hàng dệt may (tăng trên 33%); giày dép các loại (tăng 14%); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 65%; sản phẩm từ sắt thép (tăng trên 71%)... Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 2 tháng đầu năm đạt 2,88 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ. Việc kim ngạch nhập khẩu ở mức thấp giúp Đồng Nai xuất siêu khoảng 1,5 tỷ USD.
Đa dạng hóa giải pháp gia tăng xuất khẩu
Theo đánh giá của ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực Đông Nam bộ, sở dĩ xuất khẩu của các địa phương trong vùng có sự hồi phục rõ nét là do các địa phương vẫn đang kiểm soát tốt dịch bệnh, giúp hoạt động sản xuất - kinh doanh được ổn định. Thêm vào đó, các doanh nghiệp từ sau Tết tới nay đều tăng công suất tối đa và đưa ra nhiều giải pháp thu hút lao động để đáp ứng những đơn hàng đã ký kết. Ngoài ra, việc các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như CPTPP, EVFTA, RCEP… có hiệu lực cũng tạo lợi thế cho doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận và mở rộng thị trường sau dịch.
Đơn cử với Hiệp định RCEP, theo ông Trần Việt Anh - Tổng giám đốc Công ty CP XNK Nam Thái Sơn, nhờ tận dụng những ưu đãi từ RCEP, công ty đang mở rộng thị trường xuất khẩu, trong đó có cả thị trường mà trước đây là đối thủ của công ty như thị trường Thái Lan. “Để tận dụng tốt các FTA nói chung, RCEP nói riêng doanh nghiệp đã chủ động đa dạng nguồn cung đầu vào, tăng số lượng hàng dự trữ cũng như mở thêm các công ty trực thuộc, chuyên sản xuất nguyên vật liệu để tạo thành quy trình hoàn thiện sản phẩm. Đặc biệt, thời gian tới công ty sẽ thay máy móc thiết bị công nghệ hiện đại, triển khai các sản phẩm xuất khẩu giá trị gia tăng cao để khách hàng chỉ có thể mua tại Việt Nam”- ông Trần Việt Anh cho biết.
Dù xuất khẩu đang trong giai đoạn phục hồi song theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện tình hình dịch tiếp tục phức tạp, căng thẳng chiến tranh Nga - Ukraine cũng đang tác động đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp. Do vậy để thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa, trong thời gian tới doanh nghiệp kiến nghị các địa phương tiếp tục hỗ trợ xúc tiến thương mại giúp họ mở rộng thị trường; đồng thời thông tin về tình hình cung - cầu tại các nước nhập khẩu cho doanh nghiệp nắm bắt.