Chính sách mở cửa kinh tế thích ứng linh hoạt và chiến lược phủ vaccine trên toàn quốc của Chính phủ đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước tăng tốc phục hồi sản xuất. Theo đó, không chỉ nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp mà cả nhu cầu tìm việc của người lao động sẽ đều tăng nhanh sau Tết, hứa hẹn không xảy ra tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng.
Nhu cầu tuyển dụng sau Tết lớn
Theo khảo sát mới đây của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh, dự kiến nhu cầu nhân lực sau Tết Nguyên Đán của Thành phố Hồ Chí Minh sẽ cần khoảng 44.800-55.600 việc làm.
Các nhóm nghề có nhu cầu tuyển dụng cao sau Tết tại Thành phố Hồ Chí Minh gồm có kinh doanh thương mại; dịch vụ phục vụ cá nhân, bảo vệ; dịch vụ tư vấn, nghiên cứu khoa học và phát triển; công nghệ thông tin; dệt may, giày da; dịch vụ du lịch, lưu trú và ăn uống; công nghệ lương thực, thực phẩm; dịch vụ vận tải, kho bãi, dịch vụ cảng; kỹ thuật điện, điện công nghiệp, điện tử…
[Thị trường lao động TP.HCM thích ứng dịch: Xây dựng nền tảng bền vững]
Tại Bình Dương, hầu hết các công ty đã phục hồi sản xuất, hàng trăm doanh nghiệp trong các khu công nghiệp ở Bình Dương đang treo thông tin tuyển dụng lao động. Theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Bình Dương, các doanh nghiệp đang có nhu cầu cần tuyển thêm khoảng 40.000-50.000 lao động để đáp ứng nhu cầu các đơn hàng đã ký kết, đơn hàng mới, tập trung ở các ngành nghề: Giày da, dệt may, điện tử, gỗ, thực phẩm, thương mại dịch vụ…
Sở dĩ việc tuyển dụng tại các khu công nghiệp đang ngày càng sôi động là do doanh nghiệp muốn chuẩn bị nguồn lao động sẵn sàng để phục hồi sản xuất kinh doanh ngay sau Tết. Ông Nguyễn Xuân Sơn, Trưởng phòng Dịch vụ Khoán việc và Cho thuê lại lao động của ManpowerGroup Việt Nam nhận định: “Chính sách mở cửa lại hoạt động kinh tế và chiến lược phủ vaccine rộng trên toàn quốc của Chính phủ đang tạo động lực mạnh mẽ cho các doanh nghiệp trong nước tăng tốc phục hồi sản xuất.”
Theo ông Sơn, các lĩnh vực sản xuất, kho bãi, hậu cần đang hồi sinh mạnh mẽ và sau Tết, dự kiến thu hút gần như toàn bộ lực lượng lao động quay trở lại thành phố sau thời gian dài giãn cách.
“Hiện nay, chúng tôi ghi nhận một tỷ lệ lớn các đơn hàng tuyển dụng theo hình thức khoán việc và cho thuê lại lao động đến từ các doanh nghiệp thương mại điện tử, chế biến thực phẩm, sản xuất lắp ráp thiết bị điện, điện tử, vận tải và hậu cần…” ông Sơn cho hay.
Chưa thiếu hụt nghiêm trọng
Trong đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, theo số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê, có tới 2,2 triệu lao động đã trở về quê trong năm 2021. Lực lượng lao động này được dự báo sẽ chọn thời điểm sau Tết để quay trở lại thị trường lao động. Do đó, các địa phương và doanh nghiệp có nhiều ưu đãi, kêu gọi lao động trở lại tìm việc làm mới sau Tết để không thiếu hụt lao động nghiêm trọng.
Các trung tâm dịch vụ việc làm tổ chức phỏng vấn tuyển dụng trực tuyến. (Ảnh minh họa: PV/Vietnam+)
Mặt khác, theo khảo sát của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm, dự kiến trong năm 2022, doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng khoảng 700.000 người. Sự thiếu hụt lao động chưa xảy ra vào đầu năm mà có thể tăng vào thời gian cuối quý 1 và quý 2/2022, khi các doanh nghiệp bắt đầu hoạt động trở lại với công suất cao nhất thì nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng cao.
Nhận định về việc thiếu hụt lao động, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội đánh giá đến thời điểm này, có thể dự báo trên địa bàn Hà Nội sẽ không thiếu hụt lao động trong thời gian tới hoặc nếu có thì không đáng kể. Hiện thành phố vẫn đang trong quá trình kiểm soát tốt dịch bệnh dù số lượng các ca nhiễm mới tăng lên.
“Cùng với tốc độ tiêm chủng vaccine nhanh thì các doanh nghiệp hiện nay đã chú trọng nhiều hơn đến việc bảo vệ an toàn cho người lao động. Những yếu tố này sẽ thu hút người lao động tiếp tục quay trở lại thị trường, nhất là số lao động trước đây đã dịch chuyển về quê,” ông Vũ Quang Thành nói.
Tại Bắc Giang, theo ông Nguyễn Văn Huế, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bắc Giang thì hai năm trở lại đây trên địa bàn của tỉnh ít có trường hợp người lao động ồ ạt nghỉ việc sau Tết Nguyên đán. Sau Tết, lao động khu vực sản xuất ổn định, không bị thiếu hụt, biến động nhiều trong những năm gần dây.
“Thị trường lao động của tỉnh ổn định. Năm nay có thêm lực lượng lao động đi làm việc khu vực phía Nam trở về nếu thấy công việc ở quê phù hợp thì họ sẽ xin ở lại làm việc. Sau Tết một số doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh, nên sẽ thiếu lao động xây dựng, hoàn thiện công trình," ông Huế cho biết.
Theo khuyến cáo của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nguy cơ thiếu hụt lao động sẽ được ngăn chặn nếu có các giải pháp, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và bảo đảm an sinh xã hội, sức khỏe cho người lao động. Bên cạnh đó, chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động vừa được Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành với những giải pháp hỗ trợ người lao động, đặc biệt hỗ trợ lao động ngoại tỉnh quay trở lại làm việc hứa hẹn sẽ góp phần giải quyết những khó khăn trong công tác tuyển dụng lao động trong thời gian tới./.
Hồng Kiều (Vietnam+)