Nhiều thị trường đóng băng do thực hiện phòng chống dịch, thậm chí nguồn cung nguyên vật liệu gián đoạn, người lao động phải chia ca để sản xuất…
Đại dịch COVID-19 như một phép thử đối với các doanh nghiệp bởi chưa bao giờ khó khăn lại dồn dập đến như vậy. Song đây cũng là lúc để các doanh nghiệp phát huy mạnh mẽ nhất tinh thần, ý chí, sức sáng tạo, rèn khả năng đương đầu với "sóng gió."
Điều này có thể thấy rõ ở các ngành xuất khẩu chủ lực như dệt may, da giày… dù chịu tác động rất lớn của dịch bệnh nhưng vẫn hoàn thành các kế hoạch và về địch sớm hơn dự kiến… qua đó tạo sức bật mạnh mẽ cho xuất khẩu của cả năm 2021.
Bài 1: Doanh nghiệp sẵn sàng trạng thái “đóng, mở” trước đại dịch COVID-19
Khi COVID-19 chưa ập tới, nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam rất “xông xênh” với đơn hàng ngay từ đầu năm, thậm chí mới bước sang quý 2 đơn hàng đã chốt cho cả năm.
Tuy vậy, “cơn bão” COVID-19 đã xóa bỏ đi gần như tất cả mọi nỗ lực và thành quả của họ. Nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng, có đối tác còn “bỏ của chạy lấy người” vì không thể thực hiện hợp đồng.
Không những vậy, tưởng có đơn hàng đã là may mắn thì nhiều doanh nghiệp phải ngậm ngùi từ chối vì không có công nhân để sản xuất… khiến khó khăn thêm chồng chất.
Vật lộn vì cạn kiệt nguồn lực
Ông Nguyễn Bá Hồng, chủ một cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ (tại Bắc Ninh) chuyên xuất khẩu đi Trung Quốc cho biết mỗi tháng phải đóng cửa vì dịch bệnh, doanh nghiệp của ông chịu tổn thất cả trăm triệu đồng. Bởi lẽ ngoài tiền thuê nhà xưởng thì lãi suất vay ngân hàng, lương cơ bản để giữ chân người lao động… luôn là mối lo thường trực.
“Giai đoạn đầu của dịch bệnh, dù giao thương khó khăn song đơn hàng còn túc tắc. Nhưng đến đợt dịch lần thứ 4, nhiều địa phương thực hiện giãn cách xã hội, hoạt động sản xuất gần như đóng băng do không nhập được nguyên liệu đầu vào. Phía đối tác cũng khó khăn về tài chính, chưa kể chi phí cước vận chuyển quá cao nên việc tạm dừng để cắt lỗ càng sớm càng tốt,” ông Hồng nói.
[Bắc Giang quyết liệt dập dịch COVID-19 trong khu công nghiệp]
Không chỉ các doanh nghiệp nhỏ mà cả những thương hiệu tên tuổi cũng lao đao vì đại dịch COVID-19.
Với khoảng 12.000 lao động làm việc tại 18 nhà máy ở 7 tỉnh, thành phố, Tổng Công ty cổ phần May 10 (một đơn vị thành viên của Tập đoàn Dệt may Việt Nam) phải căng mình để chống đỡ.
Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho hay, việc thực hiện giãn cách xã hội đã ảnh hưởng rất lớn tới lực lượng lao động của doanh nghiệp. Đỉnh điểm là tháng 8/2021 khi May 10 phải thực hiện 3 tại chỗ khiến chi phí tăng rất cao, cùng đó năng suất lao động đi xuống.
Không những vậy, một Xưởng sản xuất của May 10 tại tỉnh Quảng Bình cũng phải tạm dừng sản xuất do địa phương thực hiện giãn cách xã hội đã gây áp lực không nhỏ đến tiến độ thực hiện đơn hàng hàng của toàn đơn vị.
“Quý 3 được đánh giá là quãng thời gian khó khăn nhất đối với Tổng Công ty May 10, không phải yếu tố thị trường hay yếu tố sản xuất kinh doanh mà chính là việc phải thực hiện nghỉ giãn cách theo Chỉ thị 16 cũng như Chỉ thị 15 tại nhiều địa phương để chống dịch,” ông Việt nói.
Trước kia, May 10 thường có kế hoạch nhận hàng và sản xuất đơn hàng từ 3-6 tháng, kể từ khi có dịch thực hiện theo tuần, thậm chí là ngày.
Do vậy, vừa nới lỏng là tập thể những người lao động đã thi đua và chuẩn bị những kịch bản để sẵn sàng vượt khó, về đích. Để làm được điều đó, May 10 huy động người lao động có thể làm thêm giờ hàng ngày hoặc làm thêm một vài Chủ Nhật trong tháng bù đắp những thiếu hụt do không giao hàng kịp của những lần giãn cách trước...
“Mối lo lớn nhất lúc này là những ca F0 xuất hiện quá nhiều, doanh nghiệp có thể phải quay lại trạng thái “lúc đóng lúc mở,” như vậy sẽ rất khó để doanh nghiệp có thể hoàn thành mục tiêu đề ra,” ông Việt bày tỏ.
Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay nếu như quý 1/2021, doanh nghiệp trong ngành dệt may phấn khởi bởi ngay từ đầu năm đã ký được hợp đồng đến hết quý 3, thậm chí hết năm thì sang quý 2/2021, dịch bùng phát ở khu vực phía bắc và bùng phát ở Thành phố Hồ Chí Minh, lan rộng ra các tỉnh khu vực phía Nam khiến sản xuất của nhiều doanh nghiệp dệt may gần như đóng băng.
"Xuất khẩu dệt may tháng 7, 8, 9 liên tục giảm. Đơn hàng không thể trả cho đối tác. Tình hình này chỉ chấm dứt khi sang tháng 10, Nghị quyết 128/NQ-CP được Chính phủ ban hành thì sản xuất của doanh nghiệp mới bắt đầu hồi phục, đã có thể 'trả nợ' các đơn hàng," ông Cẩm nói về giai đoạn dịch bệnh căng thẳng nhất.
Canh cánh mối lo COVID-19
Không chỉ khó khăn trước mắt mà điều dễ nhận thấy lớn nhất trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua chính là nguy cơ gián đoạn chuỗi giá trị, đứt gãy chuỗi cung ứng. Mặt khác, các quy định về giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng không nhỏ tới việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa của doanh nghiệp.
Phân tích về nội dung trên, theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), những khó khăn, lo ngại của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19 vừa qua đến từ cả phía cung và cầu.
Về phía cung, nhiều doanh nghiệp không bảo đảm được quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa thông suốt phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa do các quy định về phòng dịch phức tạp và không thống nhất giữa nhiều địa phương.
Hà Nội triển khai tiêm vaccine diện rộng tại khu công nghiệp. (Ảnh: TTXVN)
Trong khi đó, đặc trưng của ngành công nghiệp là tính kết nối sản xuất theo chuỗi không phân biệt địa giới hành chính, do đó, các khó khăn về lưu thông, vận chuyển hàng hóa do yêu cầu phòng dịch sẽ dẫn đến nguy cơ làm đứt gãy chuỗi cung ứng; trong đó đặc biệt là chuỗi cung ứng lao động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đầu vào sản xuất của doanh nghiệp.
Về phía cầu, do tác động của dịch bệnh, dự báo đơn hàng của nhiều ngành sản xuất như ô tô, cơ khí, thép… sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Từ thực tế trên, để thích ứng và sống chung an toàn với dịch bệnh, ngoài việc đẩy nhanh tiêm vaccine, đại diện Cục công nghiệp cũng kiến nghị các Bộ, ngành và địa phương cần phối hợp triển khai đồng bộ, thống nhất, tránh tình trạng ban hành và thực thi các chính sách không phù hợp với chủ trương phòng, chống dịch trong bối cảnh mới của Chính phủ, gây ách tắc, khó khăn cho việc lưu thông, vận chuyển hàng hóa và di chuyển của người lao động.
Cùng đó, hướng dẫn chi tiết, cụ thể hơn về quy trình phòng dịch trong tình hình mới để các doanh nghiệp thống nhất và chủ động áp dụng.
“Cơ quan chức năng cần có các chính sách tạo điều kiện để lực lượng lao động trở lại làm việc, đặc biệt là tại các thành phố và các trung tâm công nghiệp lớn trong thời gian sớm nhất, bảo đảm việc tiếp cận hiệu quả các chính sách hỗ trợ về an sinh xã hội của Nhà nước cho người lao động để nhanh chóng phục hồi nguồn cung lao động phục vụ sản xuất,” đại diện Cục Công nghiệp đưa ý kiến.
Còn theo ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, thời gian qua, Chính phủ và thành phố luôn đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp.
“Nhiều chính sách hỗ trợ được đánh giá hữu ích nhưng còn khoảng cách khá xa từ chủ trương đến triển khai thực tế, đặc biệt, vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất vì nhiều điều kiện đi kèm,” ông Mạc Quốc Anh nói./.
Bài 2: Dệt may vượt bão đại dịch: 'Lửa thử vàng, gian nan thử sức'
Đức Duy (vietnam+)