Cần gói tín dụng hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

Những năm gần đây, tỷ trọng ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nền kinh tế khá cao, tuy nhiên giá trị đóng góp vào GDP còn khá thấp, do giá trị gia tăng của ngành CNHT thấp so với các ngành công nghiệp khác.

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cũng cho thấy, 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).

Hay với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, các năm gần đây, tỷ trọng chiếm đến 40% tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng 14% GDP do giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác.

Giới chuyên gia cho rằng, thực trạng này sẽ không chỉ gây ảnh hưởng đến phát triển sản xuất và tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, mà còn tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Vì vậy, phát triển CNHT từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam.

Để thực hiện được mục tiêu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, hơn bao giờ hết, doanh nghiệp cần chọn sản xuất những sản phẩm, linh kiện có số lượng lớn, để không chỉ cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu. Đồng thời tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm đi vào chuyên môn hóa, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, xây dựng được uy tín cho sản phẩm Việt.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có gói tín dụng hợp lý để khuyến khích doanh nghiệp trong ngành mạnh dạn đầu tư, dần tự chủ nền CNHT trong nước; cũng như hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp CNHT phát triển.

Thực tế, Việt Nam hiện thiếu những doanh nghiệp xuất sắc. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là Việt Nam bắt đầu muộn hơn rất nhiều so với các nước khác. Mặt khác, dù đã có cơ chế, chính sách nhưng Việt Nam còn thiếu các cụm sản xuất CNHT hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, đã xảy ra trường hợp linh kiện sản xuất ở Việt Nam nhưng lại phải gửi sang Thái Lan mới có thể gia công công đoạn cuối để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. Đáng lo ngại hơn, không ít DN trong nước phải chịu mức lãi suất vay quá cao so với đối thủ cạnh tranh ở nước ngoài.

Vì vậy, để nâng giá trị gia tăng cho ngành CNHT, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng; đồng thời thực hiện cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp để thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Thanh Tâm

Nguồn: Congthuong.vn

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/