Theo Bộ Công Thương, dù chịu ảnh hưởng của Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Đức 10 tháng năm 2021 vẫn tích cực hơn so với cùng kỳ năm 2020 (10 tháng 2020 chỉ tăng nhẹ 1,3% so với cùng kỳ 2019). Điều này cho thấy những hiệu quả thực thi bước đầu của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA).
Nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đã tận dụng được các cơ hội từ EVFTA trong một năm qua để tăng mạnh xuất khẩu sang thị trường Đức như: máy móc và thiết bị (tăng 83,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 71,6%); sắt thép (tăng 53,2%); máy tính và điện tử (tăng 34%); thủy sản (tăng 15,5%). Trong đó, với mặt hàng thuỷ sản chủ yếu từ nhóm được cắt giảm thuế quan ngay.
Bên cạnh đó, tỷ lệ sử dụng C/O EUR.1 có sự tăng dần theo thời gian cho thấy EVFTA ngày càng phát huy ảnh hưởng, góp phần thúc đẩy xuất khẩu. Một số mặt hàng có tỷ lệ kim ngạch sử dụng C/O trên tổng kim ngạch xuất khẩu sang EU cao có thể kể đến như giày dép, thuỷ sản… đều trên 70%.
LƯU Ý QUY TẮC XUẤT XỨ
Tuy nhiên, để tận dụng cơ hội xuất khẩu sang thị trường Đức trong thời gian tới, tại hội thảo “Xuất khẩu sang Đức, doanh nghiệp cần biết những gì?”, bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu đầy đủ các nội dung cam kết của Việt Nam và Đức trong EVFTA.
Các doanh nghiệp cả xuất khẩu và nhập khẩu đều cần có hiểu biết kỹ càng về quy mô, nhu cầu, thị hiếu của thị trường và các quy định xuất nhập khẩu của hai bên.
Đặc biệt với một số sản phẩm Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang Đức như dệt may cần lưu ý về quy tắc xuất xứ. Phân tích cụ thể, theo bà Trang tiêu chí xuất xứ quy tắc “hai công đoạn” trong EVFTA, nghĩa là vải sử dụng để cắt may thành quần áo phải có xuất xứ từ EU hoặc Việt Nam.
Nguyên liệu dệt may: quy định cụ thể các công đoạn cần thực hiện để hàng hóa được coi là có xuất xứ, không đơn thuần là tiêu chí chuyển đổi mã số hàng hóa.
Vì thế, để tận dụng được mức ưu đãi thuế quan, về lâu dài ngành dệt may phải có kế hoạch đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ để nâng cao năng lực sản xuất vải nguyên liệu trong nước.
Ngoài ra, EVFTA quy định quy tắc cộng gộp vải với Hàn Quốc được chính thức áp dụng từ ngày 1/3/2021, cách diễn đạt các tiêu chí xuất xứ cũng khác so với các Hiệp định mà Việt Nam đang tham gia.
“Như vậy, để có thể áp dụng một cách chuẩn xác, doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải hiểu rõ và hiểu đúng quy định về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong hiệp định EVFTA”, bà Cẩm Trang nhấn mạnh.
Với quy tắc xuất xứ của đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, theo bà Cẩm Trang, tiêu chí xuất xứ sản phẩm gỗ tương đối linh hoạt, cho phép sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ với giá trị không vượt quá 70% giá xuất xưởng, hoặc nguyên liệu được chuyển đổi cấp độ nhóm. Tiêu chí xuất xứ với hàng mây, tre, cói thảm tương tự sản phẩm gỗ, cho phép sử dụng nguyên liệu không có xuất xứ với giá trị không vượt quá 70% giá xuất xưởng…
Một lưu ý khác, bà Trang cho rằng, hàng hóa có xuất xứ được xuất khẩu từ Việt Nam sang một nước thứ ba ngoài EVFTA sau đó được tái xuất sang EU thì không được coi là có xuất xứ trừ khi chứng minh được chính là hàng hóa đã được xuất khẩu từ Việt Nam và không trải qua công đoạn vượt quá công đoạn cần thiết.
Bên cạnh đó, từ khi EVFTA có hiệu lực đến hết 31/12/2022, nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu có thể lựa chọn sử dụng GSP (ưu đãi thuế quan phổ cập) hoặc EVFTA và áp dụng quy tắc xuất xứ tương ứng với mỗi cơ chế đó.
Trong 5 năm tiếp theo vẫn được lựa chọn một trong hai mức thuế ưu đãi từ GSP hoặc EVFTA. Tuy nhiên, dù áp dụng thuế quan ưu đãi theo cơ chế nào, hàng hoá phải đáp ứng quy tắc xuất xứ EVFTA.
THÁCH THỨC TỪ CÁC RÀO CẢN PHI THUẾ QUAN
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) cho biết, Đức là thị trường nhập khẩu lớn nhất EU về rau quả tươi và chế biến (23,1 tỷ USD), chè, cà phê, gia vị (4 tỷ USD), thủy sản chế biến (1,65 tỷ USD), dệt may, giày dép..
Việt Nam có nhiều sản phẩm có thế mạnh xuất sang Đức, song để đưa được vào thị trường này, doanh nghiệp phải cạnh tranh khá gay gắt với số lượng khổng lồ các đối tác FTA và GSP của EU.
Cụ thể, 42 FTA đã có hiệu lực với 12 đối tác châu Á, 18 đối tác châu Âu, 18 đối tác châu Phi, 27 đối tác châu Mỹ và 4 đối tác châu Đại dương. Ngoài ra, 2 FTA đã ký với 2 đối tác Tây Phi; 5 FTA đang đàm phán với Australia, New Zealand, Trung Quốc, Indonesia, Philippines.
Năm đối tác GSP trong ASEAN (Campuchia, Lào, Myanmar, Indonesia,Việt Nam) và 55 đối tác khác (chủ yếu ở châu Phi).
Ngoài ra, thách thức ở thị trường Đức là các biện pháp phi thuế quan. Tần suất sử dụng biện pháp phi thuế quan ở Đức rất cao. Các sản phẩm có tần suất sử dụng biện pháp phi thuế quan cao nhất ở EU là dệt may, động vật, rau quả, đồ da, hóa chất, thực phẩm, giày dép, sản phẩm nhựa.
Các biện pháp phi thuế quan phổ biến nhất ở EU là yêu cầu về dán nhãn, yêu cầu về kiểm tra sản phẩm, yêu cầu về chất lượng và vận hành của sản phẩm, yêu cầu về chứng nhận sản phẩm...
Vì vậy, để kinh doanh thành công với thị trường Đức, ông Phạm Hùng Tiến, Phó Giám đốc Viện FNF Việt Nam cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần khai thác cơ hội EVFTA từ hợp tác liên kết với doanh nghiệp vừa và nhỏ thay vì chỉ tìm kiếm “đại bàng”.
Khai thác cơ hội EVFTA từ nâng cao năng lực sản xuất nội địa thay vì chỉ tăng năng lực xuất khẩu, đồng thời cập nhật tiêu chuẩn EU thay vì chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm.
Nguồn: Vneconomy.vn