Nguồn: Tổng cục Hải quan.
|
Như vậy có thể thấy kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đã đạt quy mô lớn nhất so với cùng kỳ từ trước tới nay. Mới qua 10 tháng, đã lớn hơn mức của cả năm 2019 - năm chưa xảy ra đại dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng tới 17,4%, hay tăng trên 40 tỷ USD. Đó là tốc độ tăng và mức tăng rất tích cực. Tháng 10 đã đạt trên 28,87 tỷ USD, tăng 6,8% so với tháng 9 và cao hơn nhiều với mức bình quân 1 tháng trong 9 tháng đầu năm (26,77 tỷ USD).
Trong 45 mặt hàng chủ yếu, có 39 tăng, trong đó tăng cao (trên 500 triệu USD) có 16, đặc biệt tăng rất cao (trên 1 tỷ USD) có 10 mặt hàng. Mới qua 10 tháng đã có 30 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có 6 mặt hàng đạt trên 12 tỷ USD (Điện thoại và linh kiện, Máy móc, Dệt may, Giày dép, Gỗ và sản phẩm gỗ). Trong 80 thị trường xuất khẩu chủ yếu, có 59 thị trường tăng, trong đó có mức tăng rất cao (trên 1 tỷ USD) có 4. Mới qua 10 tháng đã có 30 thị trường đạt trên 1 tỷ USD, trong đó có 8 thị trường đạt trên 5 tỷ USD (Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hongkong, Hà Lan, Đức, Ấn Độ).
Nhờ xuất siêu trong mấy tháng nay, nên kỳ 10 tháng đã chuyển sang xuất siêu nhẹ. Trong 86 thị trường, có 50 thị trường mà Việt Nam ở vị thế xuất siêu, trong đó có 16 thị trường có mức xuất siêu rất lớn (trên 1 tỷ USD). Đặc biệt Mỹ 63,9 tỷ, còn lại là Hongkong, Hà Lan, Anh, Canada, Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Đức, Bỉ, Áo, Italia, Tây Ban Nha, Ba Lan, Pháp, Chile...
Xuất khẩu trong 2 tháng còn lại nếu đạt được bằng mức bình quân của tháng 10 (28,87 tỷ USD), thì cả năm sẽ đạt 327,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và năm 2021 sẽ là năm đầu tiên vượt qua mốc 325 tỷ. Năm 2021 sẽ tăng 15,9%, hay tăng 44,9 tỷ USD so với năm trước. Theo đó, tốc độ tăng cao hơn gấp đôi tốc độ tăng 6,9% của năm trước và cao gấp trên 5 lần tốc độ tăng GDP theo dự báo. Mức tăng cao hơn nhiều so với mức tăng tương ứng 18,3 tỷ USD của năm trước. Kết quả trên đạt được trong điều kiện đại dịch Covid-19 diễn ra trên toàn thế giới, nhất là những đối tác thương mại lớn của Việt Nam và bùng phát trên diện rộng, kéo dài, tập trung ở những trung tâm xuất khẩu lớn ở trong nước càng đáng khích lệ.
Nhập khẩu trong 2 tháng còn lại nếu đạt được bằng mức bình quân của tháng 10 (26,13 tỷ USD), thì cả năm 2021 sẽ đạt xấp xỉ 322 tỷ USD, cũng là mức cao nhất từ trước đến nay. So với năm trước, nhập khẩu tăng 23,2%, hay tăng 59,3 tỷ USD - đều là tốc độ tăng và mức tăng khá cao. Với dự báo xuất, nhập khẩu như trên, có thể dẫn đến 2 điểm đáng lưu ý. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2021 có thể đạt trên 649 tỷ USD - lớn nhất từ trước đến nay. Trong quan hệ buôn bán với nước ngoài, Việt Nam tuy không được xuất siêu lớn như năm trước (gần 20 tỷ USD), nhưng không bị nhập siêu như dự báo trước đây mấy tháng, mà có thể xuất siêu ở mức khá (khoảng 5,9 tỷ USD). Việc chuyển sang xuất siêu có ý nghĩa về hai mặt. Một mặt góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng hợp, ổn định tỷ giá,… Mặt khác, sẽ tạo điều kiện cho tăng trưởng GDP - sản xuất trong nước không bị mất thị phần cho hàng nhập siêu từ nước ngoài.
Nguồn:Kinhtedothi.vn