Cách mạng 4.0 sẽ thay đổi công việc lao động trong 5 năm tới

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp trong 5 năm tới đào tạo lao động sẽ có sự lột xác.

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp trong 5 năm tới đào tạo lao động sẽ có sự lột xác.
 
 

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn đối với lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Trả lời chất vấn tại nghị trưởng vào sáng 11/11, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương Binh và xã hội Đào Ngọc Dung cho biết thời gian tới sẽ tập trung các giải pháp chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo tay nghề lao động để phù hợp với chuyển đổi số trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Sẽ xây dựng bản đồ việc làm, nghề nghiệp

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, nước ta có 55 triệu lao động nhưng giải quyết bài toán nâng cao chất lượng mặt bằng lao động là rất khó, nhất là trong điều kiện 66% lao động có đào tạo nhưng chỉ có 24,5% có bằng cấp, nếu so sánh với khu vực Đông Nam Á (ASEAN) thì đây là tỷ lệ thấp.

Mặt khác, ông cho rằng cách mạng 4.0 sẽ thay đổi công việc trong 5 năm tới, với 1/3 công việc thay đổi, 40% khó đáp ứng trong điều kiện mới. Vì vậy, mục tiêu đặt ra là đến năm 2030 sẽ có khoảng 40-45% lao động có chứng chỉ...

Theo ông Dung, Chính phủ có chủ trương chính sách đào tạo lao động chất lượng cao bắt kịp các nước, trọng tâm đào tạo trình độ cao đẳng chất lượng cao và hình thành 80 trường chất lượng cao trong nhiệm kỳ này; thiết lập trung tâm vùng về đào tạo thực hành dẫn dắt ngành nghề trọng điểm trong tương lai, đào tạo nghề theo hướng mở liên thông linh hoạt gắn với việc học tập nâng cao tay nghề suốt đời.

“Ba trung tâm vùng ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam sẽ được thành lập theo tinh thần đó,” ông Dung thông tin.

Về các chính sách trọng tâm chương trình chuẩn bị đào tạo chuyển đổi lao động số trong thời kỳ 4.0, theo ông Dung, chuyển đổi số trong thời gian tới mất đi nhiều việc làm nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội mới.

“Bộ Lao động-Thương Binh và xã hội tập trung các giải pháp chú trọng nâng cao chất lượng dự báo ngắn và trung hạn làm cơ sở để điều tiết công tác đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung đánh giá ngành nghề lĩnh vực; trong đó tập trung vào đào tạo nâng cao tay nghề,” ông Dung nói.

Về hình thức hợp tác công-tư (PPP) trong giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Dung đánh giá thị trường lao động là một trong các thị trường quan trọng của nền kinh tế và hình thức PPP là nguồn lực để phát triển. Vì thế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tiến hành rà soát các cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đảm bảo lợi ích doanh nghiệp và người sử dụng lao động, đặc biệt là về vốn và thuế.

Một số lĩnh vực ngân sách Nhà nước sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo hoàn toàn, nhưng có những lĩnh vực, ngành nghề ngân sách Nhà nước sẽ là vốn mồi dẫn dắt là chủ yếu để huy động nguồn lực xã hội; hỗ trợ doanh nghiệp về năng lực đào tạo, dự báo, công nghệ thông tin cũng như hỗ trợ lao động tiếp cận việc làm thông qua các nền tảng trực tuyến.

“Theo hướng đó, ngành lao động và giáo dục nghề nghiệp trong 5 năm tới sẽ có sự lột xác,” người đứng đầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Về kiến nghị công bố sách trắng đối thị trường lao động, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, bản tin dự báo thị trường hàng tháng của Tổng cục Thống kê thường đi chậm hơn so với thị trường, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng cập nhật hàng quý việc này nhưng thực tế vẫn còn chậm. Thời gian tới, cơ quan này đề xuất phối hợp vơi Tổng cục Thống kê xây dựng ấn phẩm bản đồ việc làm và nghề nghiệp, bắt đầu triển khai từ năm 2022.

Mức lương, thu nhập xác định dựa trên sức lao động

Về vấn đề chính sách tiền lương, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết do tình hình dịch bệnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội báo cáo Chính phủ cho phép lùi việc thực hiện chính sách tiền lương khu vực doanh nghiệp chậm lại. Hiện nay, chính sách đang được tiến hành thí điểm ở một số tập đoàn, làm cơ sở rút kinh nghiệm triển khai trên quy mô cả nước.

“Thời gian tới, lương sẽ được xác định là giá cả của sức lao động. Vì vậy, chúng ta phải trả lương theo nguyên tắc thị trường và trên cơ sở có sự can thiệp nhất định của Nhà nước, nhưng trong chừng mực cho phép và đề cao vai trò của người sử dụng lao động,” Bộ trưởng Dung nói.

Cụ thể, đối với lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp và người sử dụng lao động sẽ quyết định thang, bảng lương, thay vì Nhà nước. Thứ hai, người lao động và người sử dụng lao động sẽ thỏa thuận về nguyên tắc mức lương, thu nhập dựa trên sự phát triển của doanh nghiệp, phúc lợi của người lao động và mức lương tối thiểu vùng.

Để xác định được mức lương tối thiểu vùng, Nhà nước dựa trên tốc độ tăng năng suất lao động, chỉ số giá cả, khả năng chi trả của doanh nghiệp và bài toán hài hòa lợi ích.

Lao động làm việc tại một nhà máy dệt may. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Liên quan đến việc áp dụng mô hình “3 tại chỗ, 1 cung đường 2 điểm đến”, ông Dung cho rằng trong phòng chống dịch, một số địa phương đã áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ hay Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 là không áp đặt mô hình cố định nào với doanh nghiệp, mà dựa trên nguyên tắc an toàn sản xuất và sản xuất thì phải đảm bảo an toàn. Từ đó, doanh nghiệp xem xét khả năng phòng dịch thực tế của đơn vị mình.

"Mô hình này chỉ phù hợp với thời gian ngắn, chỉ đúng với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ và chi phí quá lớn," Bộ trưởng Dung đưa ra chính kiến.

Đối với việc tạo điều kiện cho người lao động phi chính thức, các hộ kinh doanh tiếp cận vốn vay, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết trong chương trình phục hồi của ngành lao động sẽ đề nghị tăng cường vốn vay cho người lao động, như việc tiếp cận vốn vay thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để giải quyết việc làm hiện rất hiệu quả, nợ đọng thấp.

Theo Bộ trưởng, trong Quyết định 2086 của Thủ tướng Chính phủ về giải quyết đất ở, nước sinh hoạt… có thể áp dụng những tiêu chí này để hỗ trợ đồng thời có thể căn cứ vào Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo để hỗ trợ thêm nguồn lực cho các trường hợp đủ điều kiện.

Giải trình thêm về vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, giải quyết việc làm ở nông thôn, để người dân có thể “ly nông mà không ly hương,” Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho hay Chính phủ đang chỉ đạo điều chỉnh lại Nghị định 57 theo hướng mở rộng đối tượng, nguồn để hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp, hạ tầng nông nghiệp./.

Theo Vietnam+

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/