Không thể tiếp tục tình trạng ‘trên bảo dưới chưa nghe’
Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) cho biết: Đến thời điểm này, hầu hết doanh nghiệp sản xuất chế biến ngành Gỗ đã bắt đầu hoạt động, sản xuất trở lại. Hiện, có khoảng 70 - 75% lao động của doanh nghiệp ngành Gỗ đã đi làm trở lại, công suất của các doanh nghiệp cũng đạt tới 70 - 80% so với trước dịch. Các chỉ số xuất khẩu cũng đã tăng dần từ đầu tháng 10/2021.
“Những chỉ số đó cho thấy, dù ảnh hưởng trầm trọng bởi đại dịch, nhưng rất mừng là ngành Gỗ đã hồi phục nhanh chóng. Mục tiêu 14,5 tỷ USD xuất khẩu Chính phủ giao cho ngành Gỗ vẫn có thể đạt được. Tuy nhiên, để ngành Gỗ hồi phục như trước đại dịch thì còn nhiều việc cần phải làm. Công nhân ở các khu công nghiệp được tiêm vaccine nhưng công nhân ở các tỉnh lên thì tỷ lệ được tiêm rất thấp nên khả năng nhiễm bệnh cao”, ông Đỗ Xuân Lập cho biết.
Các doanh nghiệp ngành Gỗ kiến nghị: Căn cứ Nghị quyết 128/NQ-CP, cần có sự thống nhất cơ bản giữa Trung ương và địa phương, để các doanh nghiệp vừa có thể lo chống dịch, vừa chủ động tổ chức sản xuất.
Mặc dù ngành Dệt may đang phải chạy đua mùa thời trang cuối năm, nhưng bà Ninh Thị Ty, Hiệp hội Dệt may Việt Nam chia sẻ về một nhà máy may có 4 F0 mắc COVID-19, nhưng phải đóng cửa 3 tuần. “Kiến nghị các cơ quan chức năng sớm triển khai các hình thức chống dịch COVID-19 cho doanh nghiệp. Đơn cử, chỉ đóng cửa nhà máy 1 tuần, sau đó xét nghiệm để cho đi làm lại một phần theo hình thức 3 tại chỗ và tiếp tục cho hoạt động trở lại 2 tuần sau đó, nếu việc xét nghiệm đạt điều kiện”, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết.
Theo ông Phùng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), Chính phủ kêu gọi và trấn an các nhà đầu tư nước ngoài, nhưng các chuyến bay quốc tế chưa được khôi phục; nhà đầu tư, chuyên gia, khách du lịch hay thậm chí cả người Việt Nam ở nước ngoài cũng không thể nhập cảnh Việt Nam, trừ khi có suất bay và thị thực dạng “giải cứu”. Ông Phùng Anh Tuấn đặt câu hỏi: Chính sách khôi phục nền kinh tế sẽ ra sao, khi hàng hóa và con người chưa thể lưu thông liên tỉnh hiệu quả? Lãnh đạo các địa phương kêu gọi thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng nhà đầu tư đến tỉnh lại bị kiểm soát, cách ly kiểu cát cứ?...
“Nếu muốn thu hút FDI, Việt Nam phải mở cửa chính sách một cách nhịp nhàng đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, không thể tiếp tục tình trạng ‘trên bảo dưới chưa nghe’ hay chỉ nghe nửa vời, lấy lý do ‘đặc thù’ và chống dịch tại địa phương mình. Cần phải có một ‘lực lượng đặc nhiệm’ của Bộ Tư Pháp và Ban chỉ đạo Quốc gia chuyên rà soát và đồng bộ chính sách; loại bỏ những 'rào cản', quy định trái với Nghị quyết 128”, đại diện VAFI nhấn mạnh.
Doanh nghiệp mong hỗ trợ khẩn
Ông Trần Đức Nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam cho biết: Mặc dù các doanh nghiệp lĩnh vực này không gặp vấn đề nhiều về biến động lao động nhưng hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp kém xa so với trước. Với chi phí chống dịch khá cao, doanh nghiệp trong Hiệp hội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Hiệp hội kiến nghị: Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để duy trì dòng tiền. Đặc biệt, các chính sách hỗ trợ hiện có của Chính phủ như hỗ trợ cho người lao động có đóng bảo hiểm thất nghiệp, phải thuận lợi và được tiến hành nhanh chóng.