Sau nhiều tháng ngưng sản xuất hoặc hoạt động cầm chừng, nay các doanh nghiệp tại các tỉnh phía Nam bắt đầu đồng loạt hoạt động trở lại. Những ngày này, tại các khu công nghiệp hoặc trung tâm giới thiệu việc làm trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Cần Thơ… nhiều doanh nghiệp cho biết đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để tăng tốc phục hồi sản xuất - kinh doanh.
DOANH NGHIỆP “KHÁT” LAO ĐỘNG
Tại Đồng Nai, trở lại sản xuất ổn định trong tình hình mới, Công ty TNHH Prowell Việt Nam (chuyên gia công lắp ráp các thiết bị điện tử, trụ sở ở TP.Long Khánh) đang có nhu cầu tuyển dụng 2.000 lao động phổ thông và 50 nhân viên văn phòng để đáp ứng nhu cầu phục hồi sản xuất.
Tuy nhiên, hơn 2 tuần đăng tuyển dụng tại công ty và trên các trang mạng điện tử, đến nay công ty vẫn chưa thể tuyển được số lượng lao động như mong đợi. Hiện phòng nhân sự công ty đang ráo riết tìm lao động thất nghiệp, nghỉ việc ở những doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, doanh nghiệp giải thể để tuyển dụng.
Đại diện phòng nhân sự công ty cho biết, trước dịch công ty có khoảng 3.000 lao động. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 2.000 lao động trở lại làm việc dẫn đến doanh nghiệp đang thiếu hụt lao động tại các xưởng sản xuất, trong khi đơn hàng cuối năm khá dồi dào. Công ty đang đưa ra nhiều chế độ phúc lợi, các chính sách tốt hơn để giữ chân lao động cũng như thu hút lao động các tỉnh đến công ty làm việc, phục vụ sản xuất những đơn hàng cuối năm và quý 1/2022.
Trong khi đó, Công ty CP Taewkang Vina Industrial (TP.Biên Hòa) hiện đang có nhu cầu tuyển dụng khoảng 3.000 lao động phổ thông để đáp ứng yêu cầu sản xuất từ nay đến cuối năm. Lao động mới tuyển dụng vào sẽ được trả lương cố định, hỗ trợ tiền thuê trọ và các khoản phụ cấp khác. Công ty ưu tiên nhận lao động cũ đã nghỉ việc tại công ty trước đây, nhưng theo doanh nghiệp, việc tuyển dụng lao động lúc này không hề dễ dàng.
Các công ty đang đưa ra nhiều chế độ phúc lợi, các chính sách tốt hơn để giữ chân lao động cũng như thu hút lao động các tỉnh đến làm việc.
Tương tự tại TP.HCM, rất nhiều công ty, doanh nghiệp đang rao tuyển gấp nhân viên vào làm việc ngay bởi họ đang thiếu hụt nhân sự cho việc sản xuất, kinh doanh trở lại sau thời gian dài bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.
Theo nhận định của chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, Trưởng phòng Dịch vụ việc làm (Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên TP.HCM), nhu cầu việc làm của TP.HCM từ nay đến cuối năm 2021 rất lớn. “Chỉ tính riêng ở trung tâm của chúng tôi, hiện tại đã có gần 200 công ty, doanh nghiệp có nhu cầu nhờ chúng tôi làm cầu nối tuyển dụng hơn 50.000 chỉ tiêu việc làm,” chị Thanh Thảo thông tin.
Từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng để mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm, tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng...
Ông Võ Thành Đạt, phụ trách nhân sự của Công ty Airline Post (Q.Tân Bình, TP.HCM), cho biết đang tuyển nhiều nhân viên kinh doanh với mức thu nhập khoảng 15 triệu đồng/tháng, kèm hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định của luật Lao động. Bà Ngọc Anh, phụ trách phòng nhân sự chuỗi cửa hàng bán lẻ Guardian Vietnam (Q.4, TP.HCM), cho biết: “Chúng tôi đang cần tuyển gấp 20 nam, nữ bán hàng tiêu dùng, mỹ phẩm. Ngoài mức lương khoảng 9 triệu đồng/tháng, người lao động được hưởng đầy đủ các chế độ theo luật Lao động hiện hành…
Còn tại "Phiên Giao dịch việc làm trực tuyến khu vực ĐBSCL và các tỉnh lân cận đợt một năm 2021" do Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ phối hợp với 12 tỉnh trong khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long và TP.HCM, tỉnh Bình Dương tổ chức, có 101 doanh nghiệp tham gia với nhu cầu tuyển dụng 22.446 lao động thuộc các ngành nghề.
“Có hơn 22.000 vị trí việc làm trống cần tuyển với các ngành nghề phù hợp như: Trưởng nhóm kinh doanh, nhân viên kỹ thuật, nhân viên tư vấn tài chính, nhân viên tư vấn bảo hiểm, nhân viên sản xuất, nhân viên bảo trì - vận hành, kỹ sư thủy sản, trưởng nhóm phòng thí nghiệm, lao động phổ thông…," bà Nguyễn Thị Bích Vân - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP. Cần Thơ cho biết.
Trong đó, một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng cao như: Công ty May mặc Alliance One (Bến Tre) tuyển 3.000 lao động phổ thông với mức lương từ 5,5 triệu đồng/tháng trở lên; Công ty TNHH Sài Gòn STEC với 1.000 lao động; Công ty TNHH Teakwang Cần Thơ tuyển dụng 2.000 lao động...
NHU CẦU NHÂN SỰ TRÌNH ĐỘ NGHỀ
Trong quý 3/2021, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi) đã thực hiện khảo sát nhu cầu nhân lực của 21.500 lượt doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng hơn 41.000 lao động và gần 43.000 người có nhu cầu tìm kiếm việc làm.
Kết quả khảo sát của Falmi cho thấy, nhu cầu tuyển dụng lao động chưa qua đào tạo chiếm gần 15%, chủ yếu ở các nhóm nghề thông dụng lao động như: dệt may - giày da, cơ khí, công nghệ lương thực - thực phẩm, kinh doanh - thương mại, bảo vệ…
Nhu cầu tuyển dụng lao động đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ áp đảo, hơn 85% tổng nhu cầu nhân lực. Trong đó, doanh nghiệp cần lao động trình độ đại học trở lên chiếm hơn 17%, cao đẳng chiếm gần 22%, trung cấp chiếm gần 26%, sơ cấp chiếm hơn 20%.
Như vậy, nhu cầu nhân sự trình độ nghề đạt đến 68%, gấp 4 lần nhu cầu lao động trình độ đại học trở lên và gấp 4,5 lần nhu cầu lao động chưa qua đào tạo.
Tuy nhiên, nguồn cung lại có sự lệch pha nghiêm trọng so với nhu cầu. Cụ thể, trong tổng số hơn 43.000 lao động đi tìm việc trong quý 3/2021 có gần 36% là người có trình độ đại học, hơn 26% là lao động chưa qua đào tạo, còn lao động có trình độ nghề (sơ cấp, trung cấp và cao đẳng) chỉ chiếm hơn 38%.
Những con số trên cho thấy, doanh nghiệp cần rất nhiều lao động có trình độ nghề mà nguồn đào tạo chỉ đáp ứng được hơn một nửa nhu cầu, còn lao động trình độ đại học và lao động chưa qua đào tạo lại dư thừa.
Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM (Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM), từ tháng 11 trở đi, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tăng so với giai đoạn hiện nay vì nhiều doanh nghiệp bắt đầu mở rộng hoạt động phục vụ cho thị trường cuối năm. Nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp tập trung ở các ngành nghề như: dệt may, kinh doanh, cơ khí, điện lạnh, công nghệ thông tin, bán hàng…
Một xu hướng khác của thị trường nhân lực trong thời gian tới là nhu cầu lao động chưa qua đào tạo sẽ ngày càng thấp, người không có tay nghề sẽ bị đào thải và cơ hội tìm được việc rất khó. Phó Chủ tịch Hội Giáo dục nghề nghiệp TP.HCM nhấn mạnh, lao động thời đại 4.0 là phải có tay nghề chuyên nghiệp, càng giỏi kỹ năng nghề thì càng có nhiều cơ hội thành công.
Nguyên nhân là các vị trí việc làm thao tác đơn giản, không cần kỹ năng sẽ dần bị robot thay thế, người lao động chưa qua đào tạo sẽ bị đào thải hàng loạt. Những công việc cần lao động có kỹ năng nghề, thao tác phức tạp sẽ khó bị thay thế vì robot làm được những công việc này đều có giá cả đắt đỏ và khó phổ biến ở các nhà máy.
Nguồn: Vneconomy.vn