Trong những năm qua Việt Nam rất tích cực tham gia đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương. Theo thống kê của Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI), tính đến tháng 5/2021, Việt Nam đã tham gia tổng cộng 17 FTA, trong đó 14 FTA đã có hiệu lực, 1 FTA chưa phê chuẩn, sắp có hiệu lực (RCEP) và 2 FTA đang đàm phán (Việt Nam - EFTA và Việt Nam - Israel FTA).
14 FTA có hiệu lực mang đến cho các doanh nghiệp tại Việt Nam rất nhiều cơ hội, nhất là về xuất khẩu, với những ưu đãi thông qua việc cắt giảm thuế quan, cam kết mở cửa thị trường khá mạnh mẽ...
Tuy nhiên, theo nhận định của PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam, FTA giúp xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng mạnh, song với việc nhiều năm qua doanh nghiệp FDI đóng vai trò chủ yếu trong xuất khẩu của Việt Nam thì đối tượng hưởng lợi chính từ các FTA chính là doanh nghiệp FDI, trong khi khả năng tận dụng những ưu đãi từ các hiệp định này của doanh nghiệp nội còn thấp.
Phân tích cụ thể, vị chuyên gia cho biết, trong 3 chủ thể lớn trong nền kinh tế Việt Nam gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân thì doanh nghiệp tư nhân èo uột nhất, bị hai chủ thể còn lại lấn át trong khi doanh nghiệp tư nhân mới là doanh nghiệp đích thực của nền kinh tế Việt Nam, quyết định xu hướng phát triển của toàn nền kinh tế vì nó là sức sản xuất của chính người Việt Nam.
Toàn cầu hóa hình thành nên mạng lưới sản xuất - dịch vụ toàn cầu, tất cả các nước đều hội nhập vào đây và qua hệ thống này cấu trúc lại nền kinh tế của mình để đáp ứng được yêu cầu tăng sức sản xuất, tăng hiệu quả của nền kinh tế. Nói cách khác, tăng nội lực để tạo ra sự giàu có, thịnh vượng cho nền kinh tế đất nước.
Theo PGS.TS Lê Cao Đoàn, thoạt đầu, khi Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài, tăng cường tạo ra các doanh nghiệp "có hạng" khiến nhiều người có cảm nhận Việt Nam đã thực sự hội nhập với nền kinh tế thế giới, tuy nhiên, câu hỏi cần đặt ra là nó có cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam hay không, có làm tăng nội lực của nền kinh tế Việt Nam hay không?
|
Dệt may Việt Nam đối diện nguy cơ bị áp mức thuế MFN khi xuất vào EAEU. Ảnh: Báo Công thương |
"Mục tiêu lớn nhất của nhà đầu tư nước ngoài không phải là làm giàu cho bất kỳ ai khác mà là làm giàu cho chính họ. Nhưng trong nền kinh tế thị trường, trong khi nhà đầu tư nước ngoài phấn đấu để tạo ra lợi ích cho họ, vô hình trung họ cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển nếu nó theo đúng nguyên lý của kinh tế thị trường là ngang giá và công bằng.
Nhưng Việt Nam vẫn còn bộ phận kinh tế nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Nhà đầu tư nước ngoài phát hiện và lợi dụng những kẽ hở trong chính sách của nước sở tại để làm lời cho chính họ. Hiện tượng lỗ giả lãi thật, chuyển giá cũng từ đây mà ra", PGS.TS Lê Cao Đoàn chỉ rõ và cho biết, FDI đầu tư vào Việt Nam để tận dụng các ưu đãi về thuế, đất đai... và cả những ưu đãi mà các FTA do Việt Nam mất nhiều công sức đàm phán mang lại.
Khi xuất khẩu ra nước ngoài, sản phẩm phải phù hợp với nhu cầu của thị trường, trong đó có những nhu cầu ấy rất cao cấp với các chuẩn mực về kỹ thuật, y tế... Trong khi bộ phận kinh tế tư nhân yếu kém, kinh tế nhà nước kém hiệu quả thì FDI nắm giữ những mảng miếng ấy, chẳng hạn như xuất khẩu điện tử.
Năng lực về vốn, công nghệ của FDI rất tốt, giúp nâng cao sức sản xuất nhưng khi lượng hàng xuất khẩu tăng vọt thì lại gặp phải rào cản vì hạn ngạch ưu đãi do một số FTA mà Việt Nam ký kết quy định. Vượt quá hạn ngạch ấy, hàng Việt Nam bị đánh thuế cao hơn, doanh nghiệp không được lời mấy, trong khi hàng hóa khó cạnh tranh được với hàng hóa của nước sở tại hoặc quốc gia khác vì mất đi lợi thế.
Minh chứng cho điều này, ông dẫn sự việc liên quan đến ngành dệt may làm ví dụ.
Theo đó, vào cuối tháng 9 vừa qua, Ủy ban Kinh tế Á Âu (EEC) thông báo nhiều mặt hàng dệt may của Việt Nam xuất khẩu vào Liên minh Kinh tế Á Âu (EAEU) vượt mức ngưỡng hạn ngạch thuế quan ưu đãi nhập khẩu quy định cho năm 2021 trong 7 tháng đầu năm theo quy định tại Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (VN-EAEU FTA).
Điều này đồng nghĩa với việc mặt hàng dệt may có nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ ngưỡng khi nhập khẩu vào EAEU. Theo đó, tùy thuộc lượng xuất khẩu vượt ngưỡng, các mặt hàng dệt may của Việt Nam sẽ bị áp mức thuế ưu đãi tối huệ quốc (MFN) trong thời gian 6 tháng hoặc 9 tháng.
"Rõ ràng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thua đơn thiệt kém, từ chuyện vay vốn, cấp đất đến cả trong xuất khẩu...", ông Đoàn nói và nhấn mạnh lại yêu cầu chiến lược phải giải quyết là làm sao để nền kinh tế thực sự là của Việt Nam, không chỉ sản xuất trên đất nước Việt Nam mà là sản xuất của những doanh nghiệp Việt Nam.
"Chúng ta muốn xuất khẩu tăng vọt, nền kinh tế phình to nhưng lại không phải nhờ vào nội lực của nền kinh tế, điều này làm tổn thương sự trưởng thành của kinh tế tư nhân, làm cho kinh tế tư nhân yếu kém đi vì không có cạnh tranh, công bằng. Thậm chí, không chỉ bị doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI chèn ép, trong kinh tế tư nhân còn có một số doanh nghiệp nổi lên nhưng lại cũng chèn ép những doanh nghiệp tư nhân yếu thế hơn.
Phương thức phát triển dựa vào FDI phải thay đổi, nếu cứ dựa mãi vào đó, kinh tế Việt Nam mãi không thể lớn được.
FDI có được lợi thế, lấn sân các lĩnh vực cao cấp, mà đó lại chính là lĩnh vực đem lại lợi thế cho sự phát triển mạnh nhất", PGS.TS Lê Cao Đoàn lưu ý.
Thành Luân