KHUYẾN KHÍCH DOANH NGHIỆP HÌNH THÀNH CHUỖI CUNG ỨNG NGẮN, TRÁNH ĐỨT GÃY, GIÁN ĐOẠN CHUỖI CUNG ỨNG

Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu rõ một số nguyên nhân cơ bản gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, tránh tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng.

Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, PGS.TS. Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân, nêu rõ một số nguyên nhân cơ bản gây đứt gãy chuỗi cung ứng trong thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, tránh tình trạng đứt gãy, gián đoạn chuỗi cung ứng.

 

Toàn cảnh Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội do Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.

Buổi Tọa đàm còn có sự tham dự của đại diện một số tổ chức quốc tế như Chương trình phát triển của Liên hợp quốc, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam, Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ tiền tệ quốc tế, Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các chuyên gia, nhà kinh tế, đại diện các doanh nghiệp.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì tọa đàm; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đồng chủ trì.

Tại Tọa đàm, các đại biểu đã nghe trình bày các tham luận về tổng quan kinh tế Việt Nam năm 2021 và triển vọng năm 2022; Covid-19: Kinh tế Việt Nam lấy lại ánh hào quang của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam; thực trạng chuỗi cung ứng và khuyến nghị phục hồi kinh tế sau đại dịch; bắt kịp cơ hội từ kinh tế số; đánh giá chính sách tài khóa năm 2021 và vấn đề đối với năm 2022. Đồng thời cho ý kiến thảo luận về đánh giá diễn biến của thị trường tài chính, đầu tư, thương mại toàn cầu năm 2021, diễn biến mới nhất của kinh tế thế giới và đưa ra các dự báo tác động tới Việt Nam; Đánh giá tác động của đại dịch Covid-19 với kinh tế, xã hội Việt Nam, việc thực hiện Chiến lược tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, bài học kinh nghiệm trong ban hành chính sách, các kiến nghị, giải pháp cho Việt Nam từ nay tới cuối năm và các năm tiếp theo của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV.

Chuỗi cung ứng tại Việt Nam bị đứt gãy, gián đoạn do tác động của đại dịch Covid-19

Đóng góp ý kiến tại Tọa đàm, thay mặt nhóm nghiên cứu của trường Đại học Kinh tế Quốc dân, PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nêu rõ thực trạng một số chuỗi cung ứng cơ bản tại Việt Nam trong thời gian qua cũng như nguyên nhân cơ bản gây đứt gãy chuỗi cung ứng. PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho biết, tính chung 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp chế biến, chế tạo tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp chế biến, chế tạo hoàn tất thủ tục giải thể tăng 29,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chuỗi cung ứng ngành chế tạo chế biến đã bị gián đoạn một phần do tác động của đại dịch COVID-19. Tác động này mạnh mẽ nhất vào tháng 8 với các đầu mối bị ảnh hưởng nghiệm trọng nhất là ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai.

Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, việc thực hiện giãn cách xã hội kéo dài theo Chỉ thị 16 của Chính phủ tại các tỉnh phía Nam đã khiến 80% các nhà máy sản xuất dệt may, da giày tại TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, An Giang, Kiên Giang… là những nơi tập trung nhiều doanh nghiệp lớn trong các khu công nghiệp, phải ngừng sản xuất do không đủ điều kiện thực hiện quy chế “3 tại chỗ” và “một cung đường, hai điểm đến”. Tại các địa phương miền Trung và miền Bắc, các doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày chỉ hoạt động với công suất 50%-70 %, do giãn cách xã hội và thiếu lao động. Khoảng 40% doanh nghiệp có đủ điều kiện và dám thực hiện điều kiện 3 tại chỗ.

Đối với các doanh nghiệp còn hoạt động, trong bối cảnh như vậy đã buộc phải giảm sản lượng do phải giảm số lao động làm việc để thực hiện giãn cách, đồng thời phát sinh nhiều chi phí do đứt gãy chuỗi cung nguyên phụ liệu, chi phí phòng chống COVID-19 (xét nghiệm, tiêm chủng, lo ăn, ở 3 tại chỗ cho người lao động). Nhiều lao động bỏ về quê tránh lây lan dịch bệnh và khó khăn trong việc đi lại, di chuyển giữa các địa phương do phong tỏa, giản cách xã hội.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu container rỗng, chi phí logistics và vận chuyển tàu biển quốc tế tăng cao (gấp 5-10 lần) xảy ra từ năm 2020 chưa trở về bình thường cùng với chi phí nhiên liệu và giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao đã ảnh hưởng nhiều tới sản xuất, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu.

PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân

PGS.TS. Phạm Hồng Chương đã chỉ ra một số nguyên nhân cơ bản gây đứt gãy chuỗi cung ứng là do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 chưa đúng thời điểm, thực hiện chưa thống nhất từ Trung ương tới địa phương, và giữa các địa phương với nhau, càng về cuối càng lộn xộn theo hiệu ứng “cái roi da” (nghĩa là đầu dây sóng uốn lượn nhỏ cuối dây sóng cuộn lớn) gây ra sai lệch lớn. Tất cả các chuỗi cung ứng đều có nguyên nhân chung là thiếu lao động, chậm nguồn cung ứng nguyên vật liệu, chi phí tăng cao, lưu thông, và dịch vụ logistics bị đứt gẫy.

Đối với chuỗi cung ứng trong lĩnh vực chế biến và chế tạo, ngoài những nguyên nhân trên cũng có nguyên nhân một số chuỗi hàng điện tử, ô tô… thiếu linh kiện và chip trên toàn cầu dẫn đến việc thiếu nguồn cung trên toàn cầu. Mặc dù nhiều doanh nghiệp sẵn sàng chi thêm chi phí phòng chống dịch nhưng cũng không cải thiện được tình hình. Theo PGS.TS. Phạm Hồng Chương, các doanh nghiệp FDI đã nỗ lực duy trì sản xuất nhưng vẫn khó khăn về lao động và điều kiện phòng chống dịch an toàn. Năng suất giảm nên các doanh nghiệp có nguy cơ bị mất khách hàng do các khách hàng có thể đã tìm kiếm nguồn cung cấp mới.

Đối với chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dệt may, da giầy, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho biết, tỷ lệ tiêm vắc-xin trong ngành nhìn chung thấp. Các doanh nghiệp tại khu vực Thành phố Hồ Chí Minh đã được bố trí tiêm vắc-xin COVID-19. Nhưng trọng tâm sản xuất của ngành dệt may và da giày Việt Nam, đặc biệt là ngành may chủ yếu nằm ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ hiện nay tỷ lệ tiêm vắc-xin còn thấp. Ngoài ra, khả năng di chuyển của người lao động đã rời khu vực phía Nam, khó quay lại khi các địa phương được mở cửa trở lại. Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) nhận định, nếu số lao động có quay trở lại thì khả năng chỉ đạt được 60%-65%. Các doanh nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn khi vận chuyển nguyên vật liệu nhập khẩu từ cảng về doanh nghiệp sản xuất, phân phối vận chuyển đi các đơn vị thành viên ở các địa phương, và chuyển hàng hóa thành phẩm từ các tỉnh về các địa điểm thực hiện xuất khẩu.

Chuỗi cung ứng hàng thủy sản bị đứt gãy là do lao động bị cách ly, thiếu phương tiện, nhân sự thu gom nguyên liệu cùng với việc thực hiện giãn cách nên ngư dân, nông dân không thả giống để tiếp tục chu kỳ tiếp theo. Việc ưu tiên tiêm vắc-xin cho nông dân, ngư dân còn thấp nên khó đạt tiêu chuẩn giấy xác nhận vắc-xin xanh. Còn chuỗi mặt hàng nông sản bị đứt gãy là do lưu thông đình trệ, thông tin thị trường bị gián đoạn. Việc nhiều vùng sản phẩm đến kỳ thu hoạch mà không có đầu ra và khó vận chuyển đã gây ra chuỗi đứt gãy này. Các chuyên gia cho rằng, vụ tới sẽ thiếu giống trầm trọng để tái đàn, tái đầm và tái diện tích nuôi trồng.

Giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19

Trước những bất cập nêu trên, PGS.TS. Phạm Hồng Chương đã đề xuất một số giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Thứ nhất, cần thay đổi quan điểm chống dịch và kế hoạch chống dịch phải đồng bộ, nhất quán từ Trung ương đến địa phương mới có thể mở cửa trở lại.

Thứ hai, phải đẩy nhanh tiêm vắc-xin, đặc biệt cho cả ngư dân, nông dân và cho phép sử dụng lao động an toàn, tạo nguồn lao động xanh để doanh nghiệp và các hộ nông ngư nghiệp được quyền thuê lao động đảm bảo hạt động trở lại khi đủ điều kiện. Cho phép tự chủ hoạt động và thực hiện phòng chống dịch khi có đủ khoảng cách không gian giãn cách được phép hoạt động độc lập, tự thực hiện các điều kiện 5K, test nhanh và thường xuyên, khai báo đầy đủ với cơ quan quản lý.

Thứ ba, dịch bệnh là quy luật tất yếu của cuộc sống, PGS.TS Phạm Hồng Chương đề nghị cần có chính sách từ đầu, kể cả đào tạo đội ngũ y tế cộng đồng đủ mạnh, có nhiều kịch bản phản ứng nhanh và có nguyên tắc, chỉ tiêu và quy trình chuyển đổi từ trạng thái từ “phòng bệnh” sang “chữa bệnh”. Ở mức độ thấp, tỷ lệ lây nhiễm chưa cao thì kích hoạt chương trình phòng bệnh khu vực, chuyển đổi sang chữa bệnh, phát huy toàn bộ hệ thống y tế cả nhà nước và tư nhân.

Thứ tư, mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước. Linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh. PGS.TS Phạm Hồng Chương đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố một mặt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...) để khôi phục lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh “sống chung với dịch” khi người dân và người lao động đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, cần có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn lực tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19.

Thứ năm, Chính phủ và chính quyền các địa phương phải rà soát lại toàn bộ các chính sách và biện pháp thời gian qua trong quản lý và điều hành nền kinh tế để sửa đổi, bổ sung kịp thời các chính sách, biện pháp cho phù hợp bối cảnh mới như chính sách thu hút lao động về trở lại sản xuất, chính an sinh xã hội đối với người lao động, đặc biệt là chính sách nhà ở cho lao động tại các khu công nghiệp không thể như trước đại dịch. Đồng thời cần có các chính sách hậu cần, logistics của từng địa phương bài bản hơn và được quan tâm đầu tư nhiều hơn như các phương thức vận chuyển, phương tiện vận chuyển, kho hàng, bổ sung mặt hàng dự trữ Quốc gia và nâng tỷ lệ mức dự trữ Quốc gia, điều chỉnh Luật Dự trữ quốc gia 2013 và xây dựng Chiến lược Dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cho phù hợp với bối cảnh mới.

Thứ sáu, Chính phủ, các cơ quan ban ngành, địa phương và thành phố cần có sự tham gia xây dựng và phản biện chính sách của các bên liên quan, phổ biến và nhân rộng chính sách hiệu quả nhanh chóng và kịp thời, cần tiếp tục đẩy mạnh khen thưởng, biểu dương những tấm gương xuất sắc trong tuyến đầu phòng chống Covid-19.

Các đại biểu tham dự Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội

PGS.TS. Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng đưa ra một số giải pháp cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực chế biến chế tạo Việt Nam. Cụ thể:

- Kiên quyết loại bỏ các thủ tục hành chính làm đứt gẫy chuỗi cung ứng từ Trung ương tới địa phương, không xử lý vội vàng, không tuân theo quy luật kinh tế thị trường gây mất niềm tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Khôi phục lại nguồn nhân công là lợi thế cạnh tranh hiện hữu và thực hiện mọi chính sách an sinh xã hội, đảm bảo nơi ăn chốn ở, an toàn mùa dịch.

- Tạo điều kiện lưu thông hàng hóa thông suốt, đảm bảo tính liên thông liên vùng.

- Hỗ trợ các loại thuế, phí hợp lý nhằm phục hồi sau COVID-19.

Giải pháp cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực dệt may và da giầy Việt Nam, PGS.TS. Phạm Hồng Chương cho rằng, cần ban hành nhanh những chính sách giải quyết các “nút thắt” trong lưu thông hàng hóa và lao động. Đối với lao động, cần có giấy phép di chuyển khi đủ điều kiện an toàn. Đối với hàng hóa, cần tạo điều kiện thuận lợi cả chiều nhập nguyên vật liệu, lưu thông nội địa và chiều xuất khẩu hàng hóa. Khơi thông luồng vốn, tạo điều kiện tiếp cận luồng tài chính mới cho chu kỳ kinh doanh mới. Giảm chi phí liên quan đến sử dụng hạ tầng cảng, kho bãi, phí liên quan vận tải bên cạnh các khoản thuế, phí… mà các hiệp hội đã kiến nghị. Đối với quốc tế, có ý kiến và thực hiện các can thiệp vào việc độc quyền và nâng giá vận chuyển công-ten-nơ quốc tế. Duy trì cơ chế 1 đổi 1 với các công-ten-nơ xuất khẩu là điều kiện cam kết của các công ty vận tải quốc tế, tránh hiện tượng thiếu công-ten-nơ rỗng, thành lập nhà máy và tăng năng lực sản xuất công-ten-nơ tại Việt Nam. Phát triển các đường dây vận chuyển quốc tế độc lập. Tăng cường liên kết với các quốc gia có tiềm lực vận chuyển quốc tế để duy trì sự hỗ trợ khi cần thiết.

Giải pháp cho chuỗi cung ứng trong lĩnh vực thủy sản và nông sản Việt Nam, PGS.TS. Phạm Hồng Chương đề nghị cần đảm bảo nguồn cung nguyên liệu, con giống, cây giống nhằm tái đàn, tái lập chuỗi cung ứng từ nuôi trồng lĩnh vực thủy sản, nông lâm ngư nghiệp và chăn nuôi. Cấp quỹ duy trì giống, hoặc cho vay không lãi suất duy trì kho quỹ giống, để các nhà cung cấp giống, cây con trong nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, nông lâm ngư nghiệp. Đồng thời thực hiện khoanh nợ, cấp tín dụng mới theo chu kỳ kinh doanh mới, thực hiện chương trình “Ngân hàng đồng hành doanh nghiệp” cấp vốn, theo dõi và thu hồi theo chu kỳ kinh doanh kiểu tín chấp có giám sát và điều kiện cấp vốn.

Tăng cường hỗ trợ các cơ hội giao thương, thiết lập chuỗi cung ứng hàng nội địa theo các ứng dụng mua bán điện tử, kết nối các cơ hội xuất khẩu trên các trang web lớn như Amazon, Alibaba…. nhằm quảng bá và tăng cơ hội giao thương quốc tế. Đây cũng là giải pháp cần chú trọng trong thời gian tới đối với chuỗi cung ứng trong lĩnh vực thủy sản và nông sản. Ngoài ra, cần phát triển hệ thống kho lạnh hoặc các trung tâm logistics bảo quản giúp cho hàng thủy sản, nông sản… duy trì giá trị sau thu hoạch, phát triển các phương thức vận chuyển đa dạng từ đường bộ, đường biển, đường sắt kết nối đa phương thức, giúp nông thủy sản mọi miền dễ dàng xuất khẩu sang các thị trường chính là Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản./.

Bích Ngọc

Nguồn:Quochoi.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/