Khôi phục sản xuất, giữ vững vị trí 'mắt xích' trong chuỗi sản xuất toàn cầu

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối vững chắc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trở lại càng sớm càng tốt để khôi phục sản xuất và giữ vững vị trí của mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối vững chắc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Vì vậy, các doanh nghiệp hoạt động trở lại càng sớm càng tốt để khôi phục sản xuất và giữ vững vị trí của mình trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Việt Nam đã có vị thế nhất định trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Ảnh minh họa.
Báo Điện tử Chính phủ đã có cuộc trao đổi với ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về việc cần thiết từng bước khôi phục lại hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, kết hợp với các biện pháp phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cho người lao động, bảo vệ chỗ đứng của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Nối lại hoạt động nhập khẩu

Việc các địa phương đều đang thực hiện mạnh mẽ nhiều giải pháp phòng, chống dịch đang khiến chuỗi cung ứng bị gián đoạn, hầu như các doanh nghiệp đều gặp khó khăn về nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa phục vụ sản xuất. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Ông Trần Thanh Hải: Chúng ta đều thấy dịch COVID-19 đã và đang gây tác động, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt của đời sống kinh tế, trong đó có hoạt động xuất nhập khẩu.

Về nhập khẩu chia làm 2 loại. Thứ nhất là nhập khẩu các nguyên, vật liệu làm đầu vào cho các hoạt động sản xuất tại Việt Nam (ví dụ dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử có khối lượng nguyên vật liệu phải nhập khẩu rất lớn). Thứ hai là nhập khẩu những sản phẩm phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng như thực phẩm hoặc hàng gia dụng.

Đối với nguyên vật liệu, đích đến là từ các bến cảng chuyển về các nhà máy. Hiện nay, đa số hàng hóa nguyên, vật liệu thông quan qua các cảng biển, trong khi các cảng biển lớn ở phía nam đều đang tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp nhận. Việc giãn cách xã hội còn gây ra tình trạng thiếu lao động, ảnh hưởng tới các khâu làm thủ tục giao nhận như hải quan, kiểm dịch; thiếu lái xe trong khâu vận chuyển, chưa kể hàng hóa khi đi qua các chốt kiểm soát dịch cũng gặp không ít khó khăn do các quy định phòng, chống dịch của địa phương...

Bên cạnh đó, các nhà máy do tuân thủ quy định phòng, chống dịch phải tạm dừng hoặc thu hẹp sản xuất khiến khả năng tiếp nhận hàng hóa cũng bị hạn chế. Việc vận chuyển khó khăn cũng dẫn đến việc hàng hóa nhập khẩu có thể ứ đọng ở các cảng biển hoặc các cảng cạn (ICD).

Còn đối với các nhóm hàng nhập khẩu tiêu dùng, khâu phân phối bán lẻ đến người tiêu dùng cũng gặp khó khăn khi hoạt động giao hàng hiện tại không được thuận lợi. Một số kênh phân phối như các trung tâm thương mại, siêu thị phải đóng cửa hoặc có mở cửa thì số lượng người làm việc cũng bị hạn chế, người dân không được tiếp cận với các cơ sở bán hàng khiến việc đưa sản phẩm đến tay người dân cũng gặp khó khăn, tăng chi phí.

Việc gián đoạn, đứt gãy chuỗi cung ứng này đang và sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình sản xuất, xuất khẩu về lâu dài?

Ông Trần Thanh Hải: Đối với các ngành hàng sản xuất, nguồn cung nguyên liệu sẽ không thiếu vì nguyên vật liệu vẫn đang được các quốc gia duy trì sản xuất, tạo nguồn cung dồi dào, đa dạng. Vấn đề chỉ là khâu vận chuyển từ cảng đến doanh nghiệp và khả năng doanh nghiệp hoạt động trở lại để tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu đó. Việc khôi phục sản xuất, giảm thiệt hại do đứt gãy nguồn cung trong thời gian vừa qua phụ thuộc rất nhiều vào kết quả phòng, chống dịch cũng như thời điểm chúng ta có thể đưa nền kinh tế hoạt động trở lại, nhất là ở những khu vực đang áp dụng các biện pháp chống dịch mạnh.

Đáng mừng là hiện nay TPHCM, khu vực sản xuất lớn của cả nước, đã lên kịch bản để các doanh nghiệp có thể từng bước mở cửa trở lại sản xuất, tùy theo các điều kiện phòng, chống cũng như khống chế dịch bệnh.

Dù rằng đây mới chỉ là kế hoạch và chưa rõ thời điểm chính xác, song vẫn là tín hiệu rất tốt để các doanh nghiệp có thể sử dụng các nguyên liệu nhập khẩu để bắt tay sản xuất trở lại. Từ đó, nối lại dòng chảy xuất nhập khẩu, giúp hoạt động này đóng góp nhiều hơn cho phát triển kinh tế đất nước.

Người lao động phải tuân thủ các quy định phòng, chống dịch như: đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, giữ khoảng cách tối thiểu... Ảnh minh họa.
Thay đổi quy trình lao động, từng bước khôi phục sản xuất

Theo ông, việc phục hồi kinh tế trong bối cảnh “sống chung với dịch” sẽ thực hiện như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải: Loại trừ được hoàn toàn dịch bệnh khỏi cuộc sống là điều ai cũng mong muốn. Nhưng thực tế là chúng ta chưa thể làm được điều đó trong tương lai gần trong khi nền kinh tế không thể “đóng băng” mãi. Nên việc “sống chung với dịch” là quan điểm được lựa chọn và nhiều nước đã làm vậy, không riêng Việt Nam.

“Sống chung với dịch” có nghĩa là chấp nhận dịch bệnh tồn tại trong cuộc sống của chúng ta, ít ra trong giai đoạn trước mắt và không vì dịch bệnh mà cuộc sống bị dừng lại. Nói cách khác, các hoạt động sản xuất, dịch vụ, đời sống của người dân sẽ dần dần trở lại bình thường, được giao tiếp, được di chuyển,...

Thế nhưng, vì dịch bệnh vẫn còn nên ta chỉ có thể yên tâm “sống chung” khi đã trang bị đầy đủ, đó là vaccine, là thuốc chữa COVID-19, là hành vi của bản thân mỗi người trong việc chấp hành các biện pháp phòng hộ như khẩu trang, thay đổi trong thói quen sinh hoạt...

Bên cạnh đó, khi chúng ta chấp nhận chừng nào còn phải “sống chung với dịch” thì cũng sẽ phải chấp nhận những thiệt hại do dịch bệnh gây ra. Chẳng hạn các doanh nghiệp sẽ phải dành chi phí cho phòng dịch, điều trị, sự thiếu hụt lao động, bỏ lỡ chi phí cơ hội do phải mất thời gian xử lý dịch bệnh ở những thời điểm cụ thể... Nhưng có thể thấy rằng, sau thời gian giãn cách xã hội, lợi ích từ việc mở cửa kinh tế, đời sống vẫn lớn hơn so với những thiệt hại kể trên.

Doanh nghiệp sẽ mất bao lâu để có thể khôi phục và ổn định việc sản xuất trở lại?

Ông Trần Thanh Hải: Cần phải nói rõ rằng, việc mở cửa trở lại nền kinh tế không có nghĩa là tất cả hoạt động sản xuất, dịch vụ sẽ ngay lập tức trở lại như trước khi có dịch. Khi mở cửa trở lại, an toàn phòng dịch vẫn phải đặt lên hàng đầu. Điều kiện an toàn ở đây như đã nói ở trên, có thể thông qua các tiêu chí như người lao động đã được tiêm vaccine hoặc có xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ. Ngoài ra, có thể đề xuất thêm những tiêu chí khác như: người lao động thuộc vùng xanh, vùng cam, những nơi có ít ca lây nhiễm trong một thời gian nhất định.

Mặt khác, các doanh nghiệp ở khu vực phía nam đang đối diện với tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng. Do việc thực hiện giãn cách, người lao động phải rời nhà máy tìm về quê nhằm giảm bớt chi phí sinh hoạt. Khi khôi phục sản xuất, người lao động vẫn còn tâm lý ngần ngại khi trở lại làm việc ngay lập tức, chưa kể các biện pháp hạn chế đi lại cũng làm cho họ ngần ngại do mất thêm chi phí xét nghiệm.

Một doanh nghiệp đã cho tôi biết cứ mỗi tuần đóng cửa thì phải mất 2-3 tuần để phục hồi. Do vậy, khi sản xuất trở lại, các doanh nghiệp sẽ thực hiện mở cửa từng bước, tùy theo từng loại hình, quy mô và cơ cấu lao động.

Quy trình lao động cũng sẽ phải khác trước đây. Doanh nghiệp bố trí người lao động làm việc giãn cách càng nhiều càng tốt. Các tổ, đội, nhóm làm việc tách biệt để trong trường hợp có ca nhiễm thì chỉ khoanh vùng xử lý một bộ phận liên quan mà không phải dừng hoạt động cả doanh nghiệp. Việc đeo khẩu trang trong toàn bộ thời gian làm việc, thường xuyên rửa tay, sát khuẩn... vẫn là những yêu cầu bắt buộc đối với mỗi người lao động.

Đã có một số lo ngại về việc các nhà đầu tư nước ngoài sẽ dịch chuyển ra khỏi Việt Nam trong thời gian tới. Theo ông việc này có xảy ra trong tương lai gần không và nếu có thì mức độ thiệt hại sẽ như thế nào?

Ông Trần Thanh Hải: Cho đến nay, chưa có đơn vị nào thực hiện thống kê, điều tra về mức độ thiệt hại của doanh nghiệp và nền kinh tế do dịch bệnh gây ra.

Nếu chỉ xét riêng về xuất khẩu, 19 tỉnh, thành phố phía nam áp dụng Chỉ thị 16 vừa qua chiếm 45% giá trị xuất khẩu của cả nước, tương đương với khoảng 9.000 tỷ đồng mỗi ngày. Trong dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp của ta vẫn duy trì được sản xuất và tiếp tục xuất khẩu, nhưng con số trên cho thấy nếu tiếp tục “đóng băng” nền kinh tế, sẽ đến lúc gần như tất cả các doanh nghiệp phải dừng sản xuất thì thiệt hại là rất lớn.

Về thị trường, cơ bản hiện nay không có biến động. Sức mua của thị trường thế giới vẫn ổn định, thậm chí đây là thời điểm thị trường các nước đang tích cực nhập khẩu hàng hóa để phục vụ cho mùa mua sắm cuối năm.

Do vậy, các doanh nghiệp được trở lại sản xuất sớm ngày nào sẽ tốt ngày đó, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trang trải các chi phí, kêu gọi người lao động trở lại làm việc, chạy đua để hoàn thành các đơn hàng bị chậm muộn, giữ chân được khách hàng để có hợp đồng mới.

Việt Nam đã thiết lập được một vị trí tương đối vững chắc trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là với các mặt hàng như điện tử, điện thoại, dệt may, da giày, đồ gỗ. Do vậy, các khách hàng lớn có thể tạm thời chuyển đơn hàng đi nước khác, nhưng họ sẽ không dễ rời bỏ Việt Nam. Nhưng nếu tiếp tục các biện pháp chống dịch “đóng băng” hoạt động sản xuất thì sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trong tương lai.

Xin cảm ơn ông!

Phan Trang (thực hiện)
Nguồn:Baochinhphu.vn

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/