Nhân lực cho ngành dệt may, da giày...sẽ rất cần nhiều sau khi khống chế dịch bệnh thành công.
(Ảnh: Báo Bình Dương)

Cũng theo Tổ công tác đặc biệt phòng, chống dịch COVID-19 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại các tỉnh phía Nam, đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn biến phức tạp, kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động và người lao động tự do tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam.

Dịch bệnh COVID-19 cũng khiến hơn 79.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm 2020. Có thể thấy tại các địa phương thuộc Vùng trọng điểm kinh tế phía Nam đang bị tác động rất lớn của dịch bệnh tới số lao động đang làm việc trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất.

TP. Hồ Chí Minh có hơn 381.000 người lao động ở các quận, huyện, TP Thủ Đức và khoảng 244.000 người làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp của Thành phố này bị mất việc, ngừng việc.

Tại tỉnh Bình Dương, hơn 1.800 doanh nghiệp trong khu công nghiệp, 65 doanh nghiệp trong cụm công nghiệp và khoảng 2.000 doanh nghiệp bên ngoài khu công nghiệp đang duy trì hoạt động sản xuất theo phương thức "3 tại chỗ" và "1 cung đường 2 điểm đến". Theo kết quả khảo sát từ Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bình Dương, cho đến đầu quý 2/2021, thị trường lao động tại tỉnh này vẫn trong tình trạng thiếu lao động. Các doanh nghiệp đã triển khai nhiều biện pháp, hình thức tuyển lao động để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Bình Dương có 50.000 doanh nghiệp với hơn 1,2 triệu lao động đến từ hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Trong khi đó, tại tỉnh Đồng Nai, hơn 1.100 doanh nghiệp trong khu công nghiệp với hơn 136.700 người lao động và 118 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp với hơn 12.000 người lao động đang duy trì việc làm theo quy định chung về phòng, chống dịch bệnh. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp của đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 đã khiến việc tuyển dụng của các doanh nghiệp càng gặp khó khăn, đồng thời gây tình trạng thất nghiệp dài ngày cho những lao động bị nghỉ việc hoặc về quê tránh dịch khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên toàn tỉnh Đồng Nai.

TP Cần Thơ còn khoảng 20/170 doanh nghiệp đang hoạt động trong khu công nghiệp với 2.300 lao động và có 52/920 doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp đang hoạt động với gần 2.400 người lao động đang duy trì việc làm theo phương thức “3 tại chỗ” và “1 cung đường 2 điểm đến”, hơn 60.000 người lao động phải tạm ngừng việc.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam- Chi nhánh tại Cần Thơ cho biết, sự bùng phát của dịch COVID-19 lần thứ 4 trong tháng 6, 7 và 8/2021 đã khiến gần 10.000 doanh nghiệp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long rút khỏi thị trường.

Một số ngành sản xuất thu hút nhiều lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, cụ thể như ngành sản xuất gỗ, dệt may, giày da…, Nhiều doanh nghiệp nhận được đơn hàng đến tháng 3, tháng 4 năm sau, nhưng qua khảo sát hơn 200 doanh nghiệp sản xuất gỗ khu vực phía Nam, hiện chỉ còn khoảng 30% lao động duy trì sản xuất, 70% còn lại đang nghỉ việc và di chuyển về các địa phương. Tình thế này đang khiến các doanh nghiệp gặp khó với các kế hoạch sản xuất; ảnh hưởng đến các đối tác, bởi không có nguồn hàng cung cấp.

Từ đầu năm đến nay, với tình trạng sản xuất cầm chừng, lượng người lao động phổ thông rời các khu chế xuất, công nghiệp… ngày một nhiều, sẽ tạo ra tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực khi các doanh nghiệp được trở lại hoạt động sản xuất. Các chủ doanh nghiệp nhận định, nếu không giữ được người lao động thì khi khống chế được dịch bệnh, doanh nghiệp không có công nhân lành nghề để sản xuất. Nhằm hỗ trợ người lao động vượt qua khó khăn trong mùa dịch COVID-19, chính quyền các cấp cùng các cấp công đoàn, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội tại các địa phương đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ học nghề, tìm kiếm thị trường lao động.

Tại TP. Hồ Chí Minh, ngành chức năng của Thành phố này liên tục cập nhật, cung cấp thông tin các doanh nghiệp đang có nhu cầu tuyển dụng lao động để công nhân tìm việc làm mới. Liên đoàn Lao động TP Hồ Chí Minh, các cấp công đoàn thành phố còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo, hỗ trợ cho hơn 1,2 triệu người lao động, với tổng sống tiền hơn 659 tỷ đồng.

Nhằm động viên người lao động trong thời gian xảy ra dịch COVID-19 bị mất việc làm, bị ngừng việc, không đi khỏi nơi cư trú, tỉnh Bình Dương đã quyết định hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các đối tượng này, không phân biệt công nhân hay lao động tự do.

Tại Đắk Lắk, Trung tâm Dịch vụ việc làm cùng các doanh nghiệp dịch vụ việc làm của tỉnh này đã tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm trực tuyến thu hút nguồn nhân lực nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu chống dịch.

Để hỗ trợ người lao động, các địa phương khu vực phía Nam ngoài việc triển khai các chính sách của Trung ương, từng địa phương còn có thêm các chương trình hỗ trợ thiết thực, góp phần giảm khó khăn, duy trì việc làm gắn với đảm bảo an toàn phòng dịch, nỗ lực giữ nguồn cung lao động, tạo thuận lợi cho nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sau khi dịch được kiểm soát.

Theo lãnh đạo Cục Việc làm (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), Cục đang tiếp tục chủ động rà soát, nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện quy định của Luật Việc làm, các luật có liên quan và các văn bản hướng dẫn thi hành; hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương triển khai thực hiện đầy đủ và hiệu quả chính sách việc làm, bảo hiểm thất nghiệp và quản lý lao động. Tập trung công tác dự báo thị trường lao động, dịch vụ việc làm và bảo hiểm thất nghiệp để quản trị tốt thị trường lao động, giúp người thất nghiệp sớm có việc làm ổn định cuộc sống.

Theo dự báo, tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu nhân lực tại Thành phố này trong 6 tháng cuối năm 2021, tùy theo kịch bản diễn biến dịch bệnh, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhu cầu tuyển dụng từ 127.000 đến 147.000 lao động. Nhu cầu tuyển dụng ở lao động trình độ đại học trở lên chiếm khoảng gần 21%, cao đẳng chiếm trên 20%, trình độ trung cấp và sơ cấp chiếm khoảng trên 44%, lao động chưa qua đào tạo chiếm hơn 14%./.

 
B.Châu (T/h)
Nguồn: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/thao-go-kho-khan-ve-nhan-cong-do-dich-covid-19-590790.html