Không để đứt gãy thị trường lao động
Việc số lượng lớn lao động rời các đô thị lớn về quê tránh dịch sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, nhất là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam
Báo cáo mới nhất của Cục Việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết tác động của dịch Covid-19 đến thị trường lao động là vô cùng lớn, đặc biệt trong tháng 7 và 8-2021. Dịch bệnh đã làm "tê liệt" thị trường lao động phía Nam vốn thu hút nhân lực nhất cả nước.
Nguy cơ thiếu hụt lao động
Theo Cục Việc làm, tình hình dịch bệnh và số ca F0 tăng lên tại TP HCM và các tỉnh, thành phía Nam thời gian qua, cùng với việc thời gian thực hiện giãn cách xã hội kéo dài tạo ra sức ép lớn về chi phí sinh hoạt cũng như tâm lý tránh những khu vực đông dân cư, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao đã khiến nhiều người lao động (NLĐ) phải nghỉ việc về quê.
Ngành dệt may dự báo sẽ gặp khó khăn do thiếu hụt lao động khi dịch bệnh được kiểm soát Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Bên cạnh một số tỉnh, thành đã có kế hoạch đưa lao động về quê thì ở nhiều nơi, nhiều NLĐ đã tự phát về quê bằng các phương tiện cá nhân, không đăng ký với chính quyền địa phương, không được theo dõi y tế...
Luồng di chuyển lao động chủ yếu hiện nay là từ các nơi tập trung nhiều KCN như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các tỉnh khu vực Tây Nguyên, miền Trung. "Việc di chuyển lao động là một tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch. Đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp (DN) gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử..." - Cục Việc làm nhận định.
Thiếu hụt nguồn lực lao động lớn đang là nguy cơ nhãn tiền đối với ngành dệt may - ngành thâm dụng lao động lớn nhất hiện nay. Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam Vũ Ðức Giang cho biết trong dòng người về quê những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-2021, có rất nhiều lao động của ngành dệt may. Họ phải nghỉ việc/giãn việc, không đủ khả năng trụ lại được trong các xóm trọ. Hiện các DN dệt may đã kín đơn hàng đến quý IV/2021 và đầu năm 2022 nhưng lo ngại khi sản xuất phục hồi chỉ có thể gọi lại được khoảng 60% lao động đã về quê, làm chậm tiến độ giao hàng và ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế.
Trung tâm Dự báo nguồn nhân lực TP HCM cũng đưa ra 2 kịch bản về nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2021. Theo đó, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến theo chiều hướng tiêu cực, dự kiến nhu cầu nhân lực những tháng cuối năm 2021 cần khoảng 127.000 chỗ làm việc. Xu hướng việc làm trong những tháng cuối năm 2021 tập trung chủ yếu ở các nhóm nghề như: kinh doanh thương mại, công nghệ thông tin - điện tử, dịch vụ cá nhân - chăm sóc sức khỏe và y tế, dệt may - da giày.
Trong những tháng tới, tỉnh Bình Dương cần ít nhất 40.000 lao động phục vụ sản xuất.
Kịch bản thứ hai, nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhu cầu nhân lực có thể lên đến 60.000 lao động, do phải đáp ứng các đơn hàng sản xuất phục vụ việc mua sắm của người dân dịp lễ, Tết. Thu hút nhiều nhân lực nhất vẫn là ngành chế biến chế tạo, chủ yếu trong các lĩnh vực: thực phẩm, may mặc, da giày, điện tử.
Ưu tiên tiêm vắc-xin cho công nhân
Theo Cục Việc làm, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn còn những diễn biến phức tạp, thị trường lao động dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc lao động trở về quê thời gian qua sẽ tạo thêm áp lực cho thị trường lao động, tạo nên nghịch lý lớn về cung - cầu lao động.
Nguy cơ thiếu hụt lao động trong trường hợp dịch bệnh được kiểm soát sẽ xảy ra ở các tỉnh, thành tập trung nhiều KCN-KCX. Ngược lại, ở những nơi nguồn cung lao động lớn, sản xuất nông nghiệp là chủ yếu thì sẽ thừa lao động.
PGS-TS Phạm Thế Anh, Trưởng Bộ môn Kinh tế vĩ mô - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, cho rằng việc hàng loạt NLĐ di chuyển khỏi nơi cư trú như thời gian qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nguồn lực lâu dài tại các khu kinh tế trọng điểm phía Nam; tạo gánh nặng giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội cho các địa phương có lao động hồi hương.
Theo chuyên gia Phạm Thế Anh, tại các vùng kinh tế, không phải sau này khi kiểm soát được dịch bệnh, tổ chức sản xuất trở lại là gọi ngay được công nhân quay về. NLĐ khi đã phải về quê thì rất sợ cuộc sống bấp bênh. Họ chỉ trở lại khi dịch bệnh hoàn toàn được kiểm soát, DN hoạt động ổn định.
Thiếu hụt lao động tại các KCN, nhà máy sản xuất... trong thời gian tới là khả năng hoàn toàn có thể xảy ra. Không có lao động để sản xuất sẽ khó phát triển kinh tế và không thể có đóng góp vào ngân sách. "Tổn hại về kinh tế của TP HCM, Bình Dương, Ðồng Nai... sẽ rất lớn nếu hiện nay không gắng hết sức để giữ chân NLĐ" - ông Phạm Thế Anh nhìn nhận.
Trước thực trạng kể trên, để kiểm soát dịch bệnh, chuẩn bị cho việc phục hồi kinh tế, Cục Việc làm đề xuất chú trọng ưu tiên tiêm vắc-xin cho lao động tuyến đầu, lao động tại các KCN - KCX, lao động hoạt động trong các lĩnh vực du lịch, logistics, xuất nhập khẩu... nhằm duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu. Đồng thời, ưu tiên tiêm phòng cho lao động ngoại tỉnh để tạo tâm lý tốt, giữ chân NLĐ, ổn định xã hội. Bên cạnh đó, thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho NLĐ tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương, ngừng việc, chấm dứt hợp đồng và hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho họ.
Theo ông Lê Đình Quảng, Phó Ban Quan hệ lao động - Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhà nước cũng cần có thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp DN và NLĐ, như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí/ lệ phí...; hỗ trợ NLĐ trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng... "Các địa phương cần có chính sách hỗ trợ, bảo đảm đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để họ vượt qua khó khăn cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất - kinh doanh" - ông Quảng góp ý.
Kỳ tới: Xoay xở giữ việc cho công nhân