Tìm giải pháp ngăn đà suy giảm của sản xuất công nghiệp trong 'mùa dịch'

Do ảnh hưởng của đại dịch, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp đang trên đà suy giảm mạnh, gây ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cũng như nền kinh tế, đòi hỏi nhiều giải pháp cấp bách để hỗ trợ doanh nghiệp vực dậy, nhất là tại "tâm dịch"

Khó khăn bủa vây, sản xuất công nghiệp trên đà suy giảm

Bộ Công thương đánh giá, sản xuất công nghiệp trong tháng 8 chịu ảnh hưởng nặng nề khi dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch bệnh theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Do đó, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 4,2% so với tháng trước và giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước.

Theo đó tính chung 8 tháng năm 2021, IIP ước tính tăng 5,6% so với cùng kỳ năm trước, mặc dù cao hơn tốc độ tăng 2,2% của cùng kỳ năm 2020 nhưng thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng 9,5% của cùng kỳ năm 2019.

sx 

 Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2021 ước tính giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: TL

Đáng chú ý, chỉ số sản xuất tháng 8/2021 so với cùng kỳ năm trước của một số địa phương giảm mạnh như Bến Tre giảm 60,1%; Đồng Tháp giảm 59,1%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 49,2%; Vĩnh Long giảm 41,5%; Tây Ninh giảm 36,9%; Sóc Trăng giảm 31,4%; Hậu Giang giảm 29,5%; Khánh Hòa giảm 28,6%; Tiền Giang giảm 27%; Cần Thơ giảm 25,9%; Kiên Giang giảm 25,6%; Long An giảm 20,9%; Đà Nẵng giảm 17,1%; An Giang và Quảng Nam cùng giảm 15,5%; Đồng Nai giảm 13,3%; Bình Dương giảm 12,6%; Hà Nội giảm 6,4%; Bà Rịa-Vũng Tàu giảm 3,7%.

Thực tế cho thấy, nhiều ngành xuất khẩu mũi nhọn của nước ta đang đối mặt với nguy cơ suy giảm trầm trọng do ảnh hưởng của dịch bệnh. Đơn cử như ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, hiện nhiều doanh nghiệp đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn chưa từng có, nhiều đơn hàng phải hoãn lại hay hủy bỏ, thậm chí các doanh nghiệp trong "tâm dịch" phía Nam phải tạm dừng sản xuất, đóng cửa.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, từ nay đến hết năm 2021, nếu dịch bệnh không được kiểm soát hiệu quả, các ngành sản xuất sẽ tiếp tục gặp nhiều bất lợi và suy giảm sản lượng cũng như xuất khẩu. Cùng với việc chi phí logistic tăng cao, thiếu container rỗng..., xuất khẩu có thể sẽ suy giảm đáng kể.

Kết nối, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp FDI để nuôi dưỡng chuỗi cung ứng

Trước tình hình đó, để tháo gỡ khó khăn cho nền sản xuất công nghiệp, duy trì chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, nhất là các doanh nghiệp lớn trong "tâm dịch", Bộ Công thương cho hay sẽ thường xuyên cập nhật, nâng cấp hệ thống cơ sở dữ liệu các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ, nhằm hình thành mạng lưới kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tổ chức trong và ngoài nước liên quan đến ngành công nghiệp, hình thành chuỗi cung ứng trong nước. Đồng thời, tập trung điều tiết việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm phù hợp tình hình không để gián đoạn, đứt gãy nguồn cung các sản phẩm thiết yếu.

Trong đó, đối với nhóm ngành ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, chế biến thủy sản, điện tử... cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tối đa để các nhà máy duy trì và khôi phục hoạt động sản xuất nhằm giữ được chân hàng, chuỗi cung ứng. Trước mắt là để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết và tranh thủ những đơn đặt hàng phục vụ dịp mua sắm cuối năm ở các thị trường khu vực châu Âu, Mỹ để gia tăng sản lượng.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt cần phối hợp chặt chẽ với một số doanh nghiệp FDI đa quốc gia như Samsung, Toyota...để tăng cường tìm kiếm, kết nối các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Mặt khác, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các đơn vị, ngành hàng có biện pháp để tăng năng suất, ưu tiên đáp ứng nhu cầu tối đa nguồn hàng phục vụ thị trường nội địa, hạn chế xuất khẩu các mặt hàng, sản phẩm trong nước đang có nhu cầu cao…

Còn theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước và địa phương này nên xem xét giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp thông qua giảm các chi phí như tiền điện, giá thuê đất, giảm lãi suất cho vay, không hạ hạn mức tín dụng, giãn thời gian trả nợ gốc và lãi, dừng thu kinh phí công đoàn…/.

Nguồn: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2021-09-01/tim-giai-phap-ngan-da-suy-giam-cua-san-xuat-cong-nghiep-trong-mua-dich-110346.aspx

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/