14 Hiệp hội ngành hàng kiến nghị các chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho người lao động và doanh nghiệp

Các vấn đề kiến nghị được nêu ra lần này bao gồm việc hỗ trợ tiền ăn cho NLĐ, phí công đoàn và đoàn phí công đoàn.

Ngày 30/8/2021, các Hiệp hội ngành hàng gồm Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), Hội Lương thực thực phẩm Tp. Hồ Chí Minh (FFA), Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch (AFT), Hiệp hội DN Điện tử Việt Nam (VEIA), Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA), Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam (VBA), Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hội Mỹ nghệ và Chế biến Gỗ Tp.Hồ Chí Minh (HAWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VFA), Hiệp hội Sữa Việt Nam (VDA), Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA) và Hiệp hội Chè Việt Nam (VITAS) đã gửi Thư kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 kiến nghị các chính sách hỗ trợ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, các hiệp hội cũng đã gửi Thư kiến nghị tới Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để kiến nghị về vấn đề này.

Trong thư, các Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống Covid-19 và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét mở rộng thêm một số nội dung hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp, cụ thể như sau:

Thứ nhất, sửa đổi QĐ 3089/QĐ-TLĐ ngày 24/8/2021 v/v hỗ trợ tiền ăn cho người lao động tại các DN đã & đang thực hiện “3 tại chỗ”, "1 cung đường 2 điểm đến"  và DN ngừng sản xuất. 

Phạm vi áp dụng gồm các DN: (i) ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, không phân biệt phạm vi áp dụng chỉ thị 16/CT-TTg là toàn tỉnh hay toàn huyện, hoặc khu vực nhỏ hơn. Nếu DN có trụ sở ở địa điểm không áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg nhưng địa điểm kinh doanh, chi nhánh, nhà xưởng ở các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này; và (ii) ở các khu vực, địa phương mà Ban chỉ đạo phòng chống dịch, UBND các Tỉnh/Thành phố yêu cầu DN thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì hoạt động sản xuất, đảm bảo công tác phòng chống dịch của địa phương thì vẫn thuộc đối tượng áp dụng của Quyết định này.

Thứ hai, miễn đóng kinh phí công đoàn (2% quỹ lương) từ tháng 8/2021 đến 31/12/2021 cho các DN và người lao động nằm trong các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Thứ ba, dừng thu kinh phí công đoàn và đoàn phí công đoàn cho DN và người lao động trước mắt đến 30/6/2022 với các điều kiện như quy định tại Nghị quyết 68/NQ-CP về dừng nộp vào quỹ hưu trí và tử tuất (tức là áp dụng đối với DN có 15% lao động trở lên (kể cả lao động ngừng việc, tạm hoãn, thỏa thuận nghỉ không lương) phải tạm thời nghỉ việc thay vì 50% như quy định tại công văn số 2059/TLĐ của Tổng Liên đoàn ngày 28/5/2021).

Thứ tư, cho phép DN phối hợp với công đoàn cơ sở được sử dụng quỹ công đoàn đang kết dư tại DN trả chi phí test nhanh, chi phí xét nghiệm cho người lao động, hỗ trợ người lao động gặp khó khăn.

Các Hiệp hội mong nhận được sự quan tâm và có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và Tổng liên đoàn Lao động VN về các kiến nghị nêu trên, để các DN có thêm nguồn lực hỗ trợ người lao động, giúp đảm bảo an sinh xã hội và đảm bảo lực lượng lao động phục hồi sản xuất ngay sau khi đại dịch được kiểm soát.

Đính kèm:
1. Thư gửi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam về các chính sách hỗ trợ

2. Thư gửi Thủ tướng Chính Phủ về các chính sách hỗ trợ

3. Hướng dẫn thực hiện QĐ 3089/QĐ-TLĐ

Nguồn:Vitas

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/