Bài toán phục hồi thị trường lao động

Dịch Covid-19 bùng phát tại một số tỉnh, thành phố từ cuối tháng 4 với những diễn biến phức tạp, khó lường đã và đang tạo ra nhiều thách thức, rủi ro cho nước ta trong việc thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế - xã hội.

Báo cáo của Cục Việc làm (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho thấy, trong bảy tháng đầu năm, thị trường lao động Việt Nam bị tác động theo chiều hướng tiêu cực cùng với tốc độ gia tăng số ca nhiễm Covid-19. Sang đến tháng 7/2021, với việc thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 tại 19 tỉnh, thành phố phía nam, TP Hà Nội và một số địa điểm ở các tỉnh, thành phố khác, khiến lực lượng lao động giảm so tháng trước và cùng kỳ năm trước, ước hơn một triệu lao động. Số lao động thất nghiệp gia tăng do nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh không còn khả năng chống đỡ với dịch bệnh nên buộc phải cắt giảm lao động...

Dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến lao động làm việc trong ba nhóm ngành kinh tế. Trong đó, lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ít chịu tác động tiêu cực nhất (với 8,9% lao động trong khu vực này bị ảnh hưởng), tiếp đến là khu vực công nghiệp và xây dựng (24,6%) và lao động khu vực dịch vụ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất (30,6%)...

Tháng 7/2021, dịch bệnh lan vào các khu vực trọng yếu của nền kinh tế như khu công nghiệp, khu chế xuất, thành phố lớn đã tác động mạnh đến các ngành công nghiệp: chế biến thủy hải sản có đến 70% doanh nghiệp bị đóng cửa vì không thể áp dụng giải pháp "ba tại chỗ", dệt may có 35% doanh nghiệp phải đóng cửa, hơn 40 nghìn lao động khu vực phía nam của Tập đoàn Dệt may Việt Nam đang làm việc trong điều kiện giãn cách.

Ðặc biệt, tỷ lệ lao động phi chính thức (lao động tự do) được ghi nhận là cao nhất trong vòng ba năm trở lại đây. Số lao động phi chính thức quý II/2021 là 20,9 triệu người, chiếm 57,4% lực lượng lao động, tăng 1,4 triệu người so cùng kỳ năm 2020, cho thấy dịch Covid-19 đã đẩy nhiều lao động vào tình trạng bị mất việc làm, rơi vào trạng thái dễ bị tổn thương do không có việc làm chính thức. Ðồng thời, dịch bệnh bùng phát ở các tỉnh, thành phố phía nam cũng kéo theo tình trạng lao động "ồ ạt" về quê.

Theo thống kê nhanh của các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhu cầu lao động được trở về quê ngày càng cao, hiện đã có hơn 50 nghìn người đăng ký với chính quyền địa phương. Việc di chuyển lao động là tín hiệu cho thấy nguy cơ thiếu hụt lao động với số lượng lớn trong và sau dịch, đặc biệt là sự thiếu hụt lao động phổ thông làm việc trong các doanh nghiệp gia công ngành da giày, dệt may, lắp ráp linh kiện điện tử thời gian tới.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn mang tính dài hạn cả về phía cung lẫn cầu lao động, Cục Việc làm đã đưa ra các kịch bản sắp tới cho thị trường lao động Việt Nam, trong đó kịch bản xấu nhất là sẽ có tới gần 40 triệu người lao động bị ảnh hưởng tiêu cực, lao động trong các ngành, nghề đều bị ảnh hưởng nặng nề.

Ðể phục hồi thị trường lao động phục vụ cho hoạt động sản xuất, theo Cục Việc làm, cần tập trung triển khai một số giải pháp quan trọng nhằm hỗ trợ khó khăn cho doanh nghiệp, người lao động trong thời gian phòng, chống dịch. Trong đó, cần đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, đặc biệt ưu tiên cho các lao động tuyến đầu, lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, lao động hoạt động trong lĩnh vực du lịch, xuất nhập khẩu, để duy trì sản xuất, ngăn chặn tình trạng đứt gãy chuỗi sản xuất toàn cầu...

Cần thêm các chính sách hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, người lao động như giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, giảm các phí, lệ phí, hỗ trợ người lao động trực tiếp như giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm giá điện, nước, xăng; bổ sung các chính sách hỗ trợ bảo đảm đời sống an sinh của lao động ngoại tỉnh, lao động tự do để người lao động vượt qua khó khăn trong đại dịch cũng như sẵn sàng chuẩn bị nhân lực để phục hồi sản xuất, kinh doanh...

Cần tiếp tục bổ sung nguồn vốn để cho vay phục hồi sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm; khoanh nợ cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất; thiết lập hệ thống thông tin thị trường lao động, kịp thời dự báo, cung cấp thông tin thị trường lao động đầy đủ, chính xác để kết nối cung - cầu lao động, hạn chế sự mất cân đối cung - cầu lao động cục bộ...

 
NHẬT ANH
Nguồn:Nhandan.vn

 

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/