Ngoài các quy định về hình thức “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, các doanh nghiệp đề nghị cơ quan chức năng bổ sung các hình thức khác cho họ được lựa chọn.
Theo đó, các doanh nghiệp đề nghị bổ sung quy định cho phép người lao động được về nhà. Điều kiện là DN cam kết với chính quyền địa phương, người lao động cam kết với DN, di chuyển bằng phương tiện cá nhân giữa nơi ở của gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Để người lao động yên tâm đăng ký tham gia "3 tại chỗ", DN đề xuất bổ sung quy định cho phép người lao động có thể dừng tham gia "3 tại chỗ" giữa chừng và trở về nơi cư trú.
Các DN cũng đề nghị các cơ quan chức năng hướng dẫn các địa phương xây dựng các kịch bản, lộ trình phục hồi sản xuất tương ứng với các kịch bản diễn biến của dịch bệnh để các DN có kế hoạch bố trí sản xuất phù hợp.
Đặc biệt, cơ quan chức năng cần đưa ra quy định về quy trình, thời hạn các cơ quan y tế địa phương cần phối hợp với DN để tách F0, F1 ra khỏi môi trường làm việc; quy định về tổ chức xét nghiệm cộng gộp định kỳ, lấy mẫu trực tiếp tại DN đề cắt giảm chi phí, thời gian cho DN và cơ sở y tế.
Doanh nghiệp thực hiện 3 tại chỗ
Bên cạnh những đề xuất trên, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cũng kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho các DN thuộc các ngành xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm thiết yếu gồm điện tử, dệt may, da giày, ô tô, thép, chế biến nông sản, thực phẩm...
Cho phép các cơ sở y tế triển khai tiêm chủng có thu phí (do DN, cá nhân chi trả) dưới sự hướng dẫn và giám sát về chuyên môn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Việc tổ chức tiêm tại chỗ với các DN có đủ điều kiện về y tế sẽ giúp giảm tải cho các cơ sở y tế và tạo thuận lợi cho DN trong tổ chức tiêm phòng cho người lao động.
Trong trường hợp các Hiệp hội, DN đã liên hệ và tìm được nguồn cung vaccine từ nước ngoài, đề nghị Bộ Y tế khẩn trương báo cáo Chính phủ đại diện cho cộng đồng DN ký kết các hợp đồng cung ứng vaccine để giúp các DN sớm tiếp cận nguồn vaccine trong thời gian ngắn nhất.
Nguồn:Tapchidoanhnghiep.net.vn