Anh TN. sống ở TP Thủ Đức, làm việc cho Công ty Nidec Sankyo đặt tại Khu công nghệ cao TP.HCM được 2 năm. Ngày 28/6, Nidec phát hiện một trường hợp dương tính Covid-19 qua khám bệnh tại Bệnh viện Quân dân y miền Đông. Công ty đã tạm ngưng hoạt động. Ngay trong ngày hôm đó, TN. được cách ly tập trung tại công ty.
Trung, bạn cùng phòng trọ với TN. cho biết bạn anh đã ở lại công ty cách ly và vẫn tiếp tục làm việc.
“TN. đã xét nghiệm 3 lần có kết quả là âm tính. Nhưng đến ngày 10/7 vừa qua, lần xét nghiệm thứ tư lại cho kết quả dương tính. Như vậy, khả năng là TN. bị lây nhiễm chéo trong thời gian cách ly tại chỗ, vì tôi sống chung với cậu ấy, nhưng kết quả xét nghiệm mới nhất cho kết quả âm tính”, Trung nói.
Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp có đến hàng chục nghìn lao động đăng ký hoạt động đang gặp nhiều trở ngại khi thực hiện đúng quy định "3 tại chỗ" (sản xuất, ăn uống và nghỉ ngơi tại chỗ) và "2 điểm 1 đường" (chỉ duy nhất một) cung đường vận chuyển tập trung công nhân từ nơi sản xuất đến nơi ở.
Vẫn còn nhiều nỗi lo
Thành, Giám đốc nhân sự một công ty sản xuất của Mỹ có nhà máy tại Bình Dương, suốt một tháng qua tất bật lên phương án “3 tại chỗ” khi địa phương này có số ca nhiễm Covid-19 tăng vọt. Với 1.000 công nhân, Thành lập tức mua 500 lều cá nhân với mục đích lắp đặt chỗ ngủ cho 50% nhân sự ở lại nơi sản xuất.
Giám đốc nhân sự này đưa phương án lên ban giám đốc, tuy nhiên phía tập đoàn mẹ không đồng ý vì cho rằng điều kiện ở tại chỗ như vậy không đáp ứng tiêu chuẩn của tập đoàn và khả năng lây nhiễm vẫn cao.
"Với vài trăm con người như vậy, dù giữ được khoảng cách chỗ nằm ngủ, vị trí làm việc, nơi ăn uống, thì khả năng lây qua tay nắm vào đồ vật khó tránh khỏi, chưa kể càng sống chung lâu thì tâm lý mất cảnh giác càng tăng”, anh Thành nói và cho biết phía tập đoàn khuyến nghị nên thuê chỗ ở bên ngoài cho công nhân.
Tuy nhiên, từ khi Bình Dương xảy ra nhiều ca nhiễm, nhu cầu thuê khách sạn của doanh nghiệp làm nơi ở cho nhân viên theo tiêu chí "1 cung đường, 2 điểm đến" - tức là tập trung hết công nhân vào một chỗ ở và chở thẳng đến nơi làm việc - tăng rất cao.
Với số lượng công nhân lớn, theo anh Thành, việc thuê khách sạn là không đủ, chưa kể tiêu chuẩn của tập đoàn không chấp thuận cho nhân viên ở trong nhà nghỉ.
“Hiện chỉ còn cách thuê nhiều khách sạn làm nơi lưu trú cho công nhân và phải chấp nhận có người lạ ở đây bởi không khách sạn nào chấp nhận cho công ty ‘bao’ riêng. Nhưng như vậy sẽ làm sai lệch nguyên tắc ‘1 cung đường - 2 điểm đến’, giám đốc nhân sự này trăn trở và cho biết có lẽ lãnh đạo công ty sẽ phải chọn phương án tạm dừng sản xuất dù thiệt hại là rất lớn.
Tăng chi phí, đảm bảo an toàn nếu duy trì hoạt động trong thời điểm này là bài toán không dễ với nhiều doanh nghiệp.
Anh Hưng phụ trách khâu hậu cần của công ty đặt tại tòa nhà Công viên phần mềm Quang Trung (quận 12, TP.HCM) cho biết trong số 5 khách hàng doanh nghiệp đặt tại tòa nhà ở đây thì chỉ có công ty anh quyết định tiếp tục hoạt động.
Lý do là hợp đồng đã ký với đối tác cần phải hoàn thành đúng thời hạn và nhân viên công ty anh khá mỏng, chỉ có 35 người.
“Bộ máy công ty nhẹ vậy nhưng chi phí để duy trì tiếp khá nặng. TP.HCM đưa ra yêu cầu về điều kiện tiếp tục sản xuất khá gấp, nên khâu chuẩn bị cũng bị động. Riêng khoản lều để ở, thị trường hiện không còn loại đơn hoặc 2 chỗ ngủ, nên tôi phải chấp nhận mua loại lớn 4 chỗ ngủ với giá 850.000 đồng/lều; tiền ăn một ngày cho mỗi người khoảng 150.000 đồng, tăng lương 30%, rồi tiền xét nghiệm 7 ngày một lần cho nhân viên…”, anh Hưng nói.
Làm sao để tránh lây nhiễm chéo khi thực hiện "3 tại chỗ"?
Một trong những quan ngại lớn nhất về biến thể Delta là khả năng lây nhiễm bệnh hơn hẳn các biến thể trước. Công bố từ Australia cho thấy chỉ số lây nhiễm R0 của biến thể Delta là gấp đôi so với biến thể gốc từ Trung Quốc.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ tại TP.HCM, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1), biến thể Delta lây bằng virus Human coronavirus, loại virus này lây mạnh hơn bởi một giọt bắn có thể chứa nhiều virus hơn trước.
Bên cạnh đó, chu kỳ lây sang người tiếp theo sẽ ngắn hơn do thời gian ủ bệnh trung bình ngắn hơn. Đặc biệt lượng virus cần đủ gây bệnh ít hơn lúc trước sau khi tấn công vào vùng hầu họng. Khả năng bám và đi vào tế bào ở vùng họng nhanh hơn.
"Virus lây lan khi 2 người đứng cách nhau dưới 2 m mà 1 trong 2 người không mang khẩu trang đúng cách. Hoặc bàn tay đã bị bám giọt bắn có chứa virus và đưa lên vùng mũi miệng. Cách lây này hiện nay cần chú ý vì lúc trước cần nhiều giọt bắn bám vào tay đưa lên vùng mũi miệng mới lây, bây giờ ít giọt bắn cũng có thể nhiễm Covid-19", ông nói.
Bên cạnh đó, giọt bắn bám vào bàn tay khi cầm nắm các vật dụng trong phòng có chứa giọt bắn sau đó đưa lên vùng mũi miệng cũng bị nhiễm.
Theo bác sĩ Khanh, tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, vừa cách ly vừa sản xuất phải tách người có nguy cơ ra khỏi nhóm công nhân ở lại nhà máy. Họ là người trẻ tuổi mà thừa cân, người có bệnh nền, người trên 60 tuổi.
"Muốn virus không tấn công vào nhà máy khi thực hiện '3 tại chỗ' phải cho công nhân ăn ở một khu riêng, sản xuất một khu riêng và đặc biệt không cho bất cứ người lạ vào khu vực này", ông nhấn mạnh.
Ngoài ra, để cắt nguồn F0 trong khu vực nhà máy cần xét nghiệm toàn bộ và tách ngay người có triệu chứng ra khỏi nhóm và xét nghiệm ngay. "Xét nghiệm định kỳ, nhất là trong 2 tuần đầu để phát hiện người ủ bệnh chuyển dương tính và không hề có triệu chứng", ông nhấn mạnh.
Đặc biệt, tất cả người vừa sản xuất vừa phòng bệnh phải tuân thủ tuyệt đối khẩu trang và nón che giọt bắn, hạn chế giao tiếp giữa các nhóm với nhau. Phân nhóm nhỏ trong ăn uống, nghỉ ngơi, sinh hoạt vì khi có xuất hiện F0 mới sẽ truy vết nhẹ nhanh hơn (thậm chí mỗi nhân viên phải làm nhật ký đi lại mỗi ngày).
Cần linh hoạt hơn trong quy định
Trao đổi với Zing, ông Trần Thiên Long, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp TP.HCM (HBA), cho biết hiện nay, đa số doanh nghiệp đều rất khó thực hiện đúng tiêu chí "3 tại chỗ".
"Tình hình hoạt động sản xuất hiện duy trì khoảng 50% và doanh nghiệp phải gồng hết mức để giữ đơn hàng, duy trì hoạt động", ông đánh giá.
Ngoài khó khăn trong việc bố trí nơi ăn, chỗ ở, ông Long cho rằng doanh nghiệp còn phải đau đầu xử lý các vấn đề từ phía công nhân. "Doanh nghiệp chăm công nhân như chăm con, nhiều nơi còn phát sinh tụ tập nhóm, nói chuyện rất khó quản lý", ông nói.
Hơn nữa, một số doanh nghiệp đáp ứng được tiêu chí "3 tại chỗ" nhưng nhiều lao động có gia đình không thể ở lại nhà máy dẫn đến thiếu hụt công nhân, phải dừng sản xuất.
Ngoài ra, ông cho biết doanh nghiệp cũng đang khó khăn về việc xét nghiệm cho công nhân, chi phí sinh hoạt "3 tại chỗ", khó tìm nơi cung cấp suất ăn.... "Áp lực trả lãi vay đúng tiến độ cũng nằm ngoài khả năng xoay xở của doanh nghiệp", Phó chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp các khu công nghiệp nói thêm.
Ông Long cho rằng thời điểm này các doanh nghiệp rất mong muốn TP có kế hoạch tiêm vaccine cho công nhân để tạo miễn dịch cộng đồng, giúp doanh nghiệp an tâm.
"Đây là biện pháp lâu dài bền vững và căn cơ nhất để ngăn dịch bệnh tại khu công nghiệp", ông đánh giá.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đề nghị xem xét miễn, giảm, giãn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và nới lỏng, tăng hạn mức vay trên cơ sở những hợp đồng tín dụng tài sản thế chấp trước đó.
Ngoài việc xem xét chấp nhận giấy xét nghiệm của bệnh viện tư, doanh nghiệp cũng kiến nghị được tạo điều kiện tự test nhanh Covid-19 cho công nhân.
"Các đoàn kiểm tra chỉ nên thành lập một đoàn kiểm tra liên ngành để đảm bảo an toàn phòng chống dịch tại nhà máy", ông nói và cho biết doanh nghiệp cũng cần hỗ trợ nguồn lương thực thực phẩm.
"Cơ quan chức năng cần đưa ra các biện pháp linh hoạt đối với từng khu vực sản xuất", ông Long đề xuất.
Về yêu cầu "1 cung đường, 2 địa điểm", theo ông cũng rất khó để thực hiện đúng. Nếu thuê ký túc xá, khách sạn, ngoài tốn chi phí rất lớn doanh nghiệp còn lo rằng sẽ gặp rủi ro nếu địa điểm đó bị phong tỏa, coi như làm lại từ đầu.
"Hiện các quy định đang quá cứng nhắc, phải linh hoạt vừa bên trong vừa bên ngoài và có giải quyết thấu đáo để doanh nghiệp đảm bảo phòng chống dịch", ông nói.
Hơn nữa, cần có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp khi nhà máy có ca nhiễm. "Một doanh nghiệp phong tỏa không biết tiêu chí cụ thể đánh giá để được gỡ phong tỏa, cũng không có thông tin lịch trình kiểm tra để chủ động chuẩn bị tái hoạt động", ông nói.
Ngoài ra, lãnh đạo hiệp hội này cho rằng nên phân loại dạng doanh nghiệp ưu tiên hoạt động như đơn vị có nhiều đơn hàng, hoặc sản xuất các mặt hàng thiết yếu.
Phía HBA sẽ thông tin kịp thời, hướng dẫn đúng văn bản cơ quan chức năng để doanh nghiệp thực hiện hiệu quả. Đồng thời triển khai chương trình kết nối hệ sinh thái doanh nghiệp để cung ứng các mặt hàng thiết yếu, lương thực thực phẩm.
Phó chủ tịch hiệp hội đánh giá, mặc dù rất khó khăn nhưng các doanh nghiệp vẫn đồng hành cùng chính quyền thành phố chung tay phòng chống dịch.
Hiện, có hơn 500 doanh nghiệp tự tổ chức hoạt động đảm bảo các điều kiện an toàn theo "3 tại chỗ" với gần 80.000 lao động. Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng hỗ trợ thông tin, kết nối các đầu mối cung cấp cơ sở vật chất như giường, nệm... phục vụ yêu cầu vừa cách ly, vừa sản xuất của doanh nghiệp.
Theo: Zing News