Nhật Bản là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam, chỉ sau Trung Quốc và Hoa Kỳ. Ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ thị trường châu Á, châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng xuất khẩu của Việt Nam tuy tăng mạnh trong những năm gần đây nhưng vẫn còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nhập khẩu của Nhật.
THỊ TRƯỜNG CÒN NHIỀU DƯ ĐỊA
Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng xuất khẩu sang thị trường Nhật. Năm 2020 do dịch bệnh Covid ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu hàng hoá cũng như chuỗi cung ứng toàn cầu, nên Vụ Thị trường châu Á, châu Phi dùng số liệu năm 2019 để phân tích “miếng bánh” thị trường Nhật vẫn chờ các doanh nghiệp Việt Nam.
Đầu tiên là các sản phẩm dệt may, Nhật là thị trường nhập khẩu hàng dệt may lớn trong khu vực Đông Bắc Á. Kim ngạch nhập khẩu khoảng 28 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên, dệt may Việt Nam mới chiếm 13,2% đối với tổng nhu cầu của người tiêu dùng Nhật Bản. Đối thủ cạnh tranh của Việt Nam lớn nhất là Trung Quốc chiếm 55% thị phần, tiếp theo là Bangladesh, Indonesia, Thái Lan, Campuchia và Ý, mỗi nước chiếm thị phần dưới 10%.
Các sản phẩmViệt Nam có dư địa tăng trưởng tại thị trường Nhật Bản
Nhóm hàng da giày, kim ngạch nhập khẩu của Nhật lên tới 5,3 tỷ USD, trong đó, Việt Nam chiếm 18,5%. Đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam là Trung Quốc, Indonesia, Ý và Campuchia. Dung lượng thị trường nhập khẩu của Nhật với sản phẩm thủ công mỹ nghệ vào khoảng 200 triệu USD mỗi năm.
Trong đó, Việt Nam chiếm 8% thị phần, đứng thứ hai sau Trung Quốc (55% thị phần). Trong nhóm này, Trung Quốc chiếm ưu thế với các sản phẩm làm từ nguyên liệu nhựa (87% thị phần). Nhưng các sản phẩm mây tre, Việt Nam đang cạnh tranh rất tốt, chiếm tới 49% thị phần.
Nhóm gỗ ván ép, gỗ ván sàn, Nhật Bản có nhu cầu nhập khoảng 3,5 tỷ USD mỗi năm. Việt Nam còn nhiều tiềm năng xuất khẩu nhóm hàng này vào Nhật do thị phần còn rất khiêm tốn, mới chiếm khoảng 3% và 0,01% tổng nhập khẩu của Nhật. Nhóm hàng nông thuỷ sản như chuối, tôm, cua, mực... Nhật Bản có nhu cầu rất lớn, trong khi thị phần của Việt Nam chiếm tương đối nhỏ.
Về chuối, hiện nay Nhật Bản nhập khẩu mỗi năm khoảng 1 tỷ USD, trong khi Việt Nam mới chỉ xuất khẩu 3 triệu USD/năm. 90% chuối nhập khẩu của Nhật hiện do Philippines cung cấp. Với sản phẩm tôm, cua, mực, thị phần của Việt Nam cũng còn rất khiêm tốn, chiếm từ 7,5%-20%. “Như vậy, Việt Nam còn rất nhiều dư địa để thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản”, ông Kiên nhận định.
Về cơ bản, các sản phẩm nói trên của Việt Nam đều được hưởng thuế nhập khẩu 0% khi vào Nhật. Trong khi các đối tác ASEAN, Hàn Quốc, Ấn Độ đều phải chịu thuế cao hơn so với Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường này.
Bên cạnh đó, trên thị trường Nhật, các sản phẩm của Việt Nam được hỗ trợ rất tốt, có lợi thế từ các FTA song phương, đa phương mà Việt Nam đã ký kết với Nhật Bản.
Đặc biệt, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Việt Nam, nhưng vẫn đang phải nộp thuế nhập khẩu vào Nhật Bản cao hơn như với da giày, dệt may, thủ công mỹ nghệ, nông thuỷ sản. “Đây là lợi thế không nhỏ để hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc nếu chúng ta tiếp tục khai thác dư địa Thị trường Nhật Bản”, đại diện Vụ thị trường châu Á, châu Phi khẳng định.
TẠO THƯƠNG HIỆU, NÂNG CAO GIÁ TRỊ SẢN PHẨM
Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng doanh nghiệp Việt Nam đã lớn mạnh hơn, năng lực cạnh tranh cao hơn, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật thông tin về thay đổi xu hướng tiêu dùng, cũng như các chính sách của thị trường Nhật. Từ đó, doanh nghiệp xuất khẩu cần phải thay đổi ngay nếu không muốn mất thị phần.
Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, dịch bệnh Covid-19 kéo dài, chủ nghĩa bảo hộ phát triển ở một số nước vì thế Nhật Bản tăng cường siết chặt việc thực hiện các quy định nhập khẩu đã có. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, chất lượng tiêu chuẩn hàng nhập khẩu. “Đây là điểm mới các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nếu xuất khẩu sang Nhật”, ông Hưng nói. Ông Kiên bổ sung thêm, dù là thị trường tiềm năng với nhiều sản phẩm Việt Nam có thế mạnh, song để khai thác được doanh nghiệp cần lưu ý nhiều vấn đề.
"Nhật Bản là nền kinh tế phát triển hàng đầu, thu nhập cao nên ngoài yêu cầu về chất lượng sản phẩm, thị trường này ngày càng chú trọng hơn tới sự thân thiện với môi trường, an toàn, mẫu mã phong phú, đa dạng hoá sản phẩm".
Ông Nguyễn Duy Kiên, Vụ thị trường châu Á, châu Phi (Bộ Công Thương).
Hơn nữa, khi Covid chưa có dấu hiệu dừng lại, thị trường chưa thể phục hồi, nên các thị trường này có xu hướng hạn chế các đơn hàng lớn, chỉ đặt các đơn hàng nhỏ và yêu cầu giao nhanh nhằm hạn chế rủi ro. Với nhóm hàng nông lâm thuỷ sản, nhu cầu vẫn tăng với những sản phẩm chứng minh được độ an toàn, có truy xuất nguồn gốc, bao bì đẹp, đầy đủ thông tin, hướng dẫn sử dụng...
Ngoài ra, doanh nghiệp cần lưu ý tiêu chuẩn nhập khẩu vào thị trường này với từng nhóm hàng. Đơn cử, hàng dệt may, da giày xuất khẩu vào Nhật, không bắt buộc tiêu chuẩn nào nhưng để tiêu thụ tốt, xuất khẩu bền vững sang Nhật các doanh nghiệp cần chú ý nghiên cứu, đáp ứng các tiêu chuẩn JIS (tiêu chuẩn công nghiệp Nhật Bản).
Nếu làm tốt điều này, các doanh nghiệp có thể xuất khẩu bền vững và ổn định sang Nhật. Với nhóm hàng nông, thuỷ sản, thực phẩm chế biến, theo ông Kiên, các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn GAP, HACCP. Đặc biệt, tuy không bắt buộc nhưng nếu đáp ứng tiêu chuẩn hữu cơ của Nhật thì coi như đã đảm bảo cho tiêu thụ ở thị trường này. Quy định về kiểm dịch, an toàn thực phẩm, chất lượng đặt yêu cầu rất cao đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu tuân thủ nghiêm ngặt và minh bạch.
Ông Tạ Đức Minh, Tham tán thương mại Việt Nam tại Nhật Bản lưu ý, để xuất khẩu ổn định với giá trị gia tăng xứng đáng, các doanh nghiệp Việt Nam cần nỗ lực thâm nhập, khai thác hệ thống phân phối tại thị trường này, nhất là các mặt hàng nông thuỷ sản dệt may, da giày. Bởi theo ông Minh, hiện nay việc tiếp xúc các kênh phân phối tại Nhật còn hạn chế do hệ thống bán lẻ ở nước này đặt ra tiêu chuẩn mua hàng rất cao và khắt khe, khiến doanh nghiệp Việt Nam không đáp ứng được hoặc không mặn mà trong việc đầu tư để đáp ứng các tiêu chuẩn này.
Các hệ thống bán lẻ thường đặt ra các yêu cầu về thủ tục thanh toán chặt chẽ, nên doanh nghiệp còn ngần ngại. Doanh nghiệp lại chưa có chi nhánh hay văn phòng đại diện tại Nhật để xử lý các dịch vụ sau bán hàng... Do đó, phần lớn hàng Việt Nam xuất khẩu đều qua trung gian, ít thể hiện được thương hiệu, giá trị xuất khẩu không cao, tiêu thụ bấp bênh.
Trong khi đó, hệ thống phân phối hàng hoá ở nước này chủ yếu qua các nhà bán lẻ lớn. Chúng ta cần tập trung khai thác, kết nối trực tiếp với kênh phân phối này để vừa tạo thương hiệu, vừa nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm Việt Nam. Ông Minh gợi ý, doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường Nhật, đầu tiên hãy tham gia các hội chợ, triển lãm tại Nhật. Thông qua hội chợ, doanh nghiệp có thể tìm kiếm được đối tác mới, cũng như nắm bắt được xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm Việt Nam có lợi thế.
Nguồn: https://vneconomy.vn/mieng-banh-thi-phan-nhat-cho-doanh-nghiep.htm