Xuất khẩu hàng hóa sang EU: Chinh phục thị trường bằng chất lượng
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đang mở ra triển vọng cho hàng hóa Việt Nam chen chân vào thị trường khó tính bậc nhất thế giới.
Tuy nhiên, để xâm nhập sâu và chiếm lĩnh thị trường EU, các DN Việt Nam phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, coi đây là chìa khóa hiện thực hóa những cơ hội mà sân chơi lớn EVFTA mang lại.
Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng
Kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực (1/8/2020), kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt những kết quả ấn tượng. Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 12/2020, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đạt 15,62 tỷ USD, tăng 3,8% so cùng kỳ năm 2019; giá trị xuất khẩu bình quân tháng đạt khoảng 3,12 tỷ USD/tháng.
Khu bốc xếp hàng xuất khẩu tại cảng Đình Vũ, Hải Phòng. Ảnh: Chiến Công
|
Trong 2 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 6,3 tỷ USD, tăng 22,7% so với cùng kỳ năm trước. Dù EU là thị trường khó tính song DN Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận và tận dụng tốt cơ hội từ EVFTA, khiến xuất siêu trong 2 tháng đầu năm với thị trường EU là 4 tỷ USD, tăng 36,3% so với cùng kỳ năm 2020. Những mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu sang EU cao nhất gồm: Sản phẩm từ cao su; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; sắt thép; thủy sản, rau quả, gạo…
Đơn cử như mặt hàng gạo, sau khi EVFTA chính thức đi vào thực thi, một số DN xuất khẩu gạo đã ký được những đơn hàng xuất khẩu gạo thơm, có giá trị cao hơn vào EU, thậm chí có lô hàng lần đầu tiên được xuất khẩu với giá trên 1.000 USD/tấn. Việc này đã lan tỏa tín hiệu tích cực đến tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam cả về lượng và giá.
Cùng với gạo, hàng loạt lô hàng xuất khẩu sang thị trường EU đã được hưởng thuế suất 0% theo cam kết trong EVFTA như: Chanh leo, tôm sú, bưởi, thanh long, vali, túi xách, giày dép... Hay mặt hàng thủy sản đã ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu sang EU đáng kể nhờ tác động của EVFTA dịp đầu năm nay. Trị giá xuất khẩu thủy sản trong 2 tháng đầu năm 2021 đạt 1,01 tỷ USD, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Cục trưởng Cục Xuất khập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải cho rằng, những con số tăng trưởng xuất khẩu sang EU là minh chứng cho sự khai thác hiệu quả các thị trường theo EVFTA của các DN. Đây cũng là kết quả đáng ghi nhận của ngành công thương trong việc đẩy mạnh tuyên truyền về EVFTA và hướng dẫn DN tận dụng ưu đãi qua các kênh: Cổng thông tin điện tử Hiệp định Thương mại tự do (FTA Portal), mạng internet, Facebook...
Bên cạnh đó, hệ thống Thương vụ tại nước ngoài đã nắm bắt thông tin thị trường và các vấn đề phát sinh ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam như sự thay đổi chính sách của nước nhập khẩu, các rào cản kỹ thuật, kịp thời thông tin để các bộ, ngành, hiệp hội và DN có phản ứng kịp thời.
Tuân thủ “luật chơi” tiêu chuẩn cao
Các chuyên gia nhận định, thách thức của EVFTA đã và đang tạo sức ép hợp lý để các DN Việt Nam điều chỉnh, thay đổi phương thức sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Trên thực tế, thời gian qua, nhiều DN đã nỗ lực thay đổi, có sự chuẩn bị sẵn sàng, đầu tư thêm các trang thiết bị mới để chế biến, sản xuất các sản phẩm phù hợp với yêu cầu của thị trường EU.
Đối với hàng nông sản, đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 39 bộ chỉ dẫn địa lý được công nhận bảo hộ tại EU mà không phải qua thủ tục đăng ký, mang lại cơ hội lớn cho DN và nông dân Việt Nam. Điều này không chỉ bảo đảm quyền lợi cho nông sản Việt Nam vốn đã có mặt trên thị trường này từ lâu mà còn mở ra cơ hội cho nhiều nông sản mới tiếp cận thị trường.
Bên cạnh đó, nhiều DN Việt Nam đã có năng lực đáp ứng các yêu cầu từ phía những nhà nhập khẩu EU về hàng nông sản, thực phẩm khi có hơn 6.335ha hoa quả áp dụng VietGAP/GlobalGAP và đã được cấp mã số vùng trồng đáp ứng được tiêu chuẩn xuất khẩu; hơn 5.000ha trang trại thủy sản được công nhận áp dụng VietGAP/GlobalGAP; 100% trang trại cá basa xuất khẩu được cấp mã xuất xứ; 100% tàu đánh bắt cá cam kết nói không với đánh bắt cá trái phép...
Đối với ngành dệt may, các DN đã tập trung đầu tư mới cho sản xuất sợi - dệt vải chiếm tỷ lệ nội địa hóa cao. Nhiều vùng sản xuất nguyên liệu đã được mở ra với quy mô lớn vượt trội, trong đó có cả DN trong và ngoài nước như: Sợi Thiên Nam, Sợi - Vải Nam Định, Sợi Phú Bài, Sợi - Dệt 8/3, Sợi Texhong… Bên cạnh đó, các DN cũng dần chuyển hướng nhập khẩu nguyên liệu sang các thị trường có hiệp định thương mại với EU, đáp ứng được yêu cầu quy tắc xuất xứ cộng gộp mà EVFTA đưa ra như Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Ở các ngành hàng khác, các DN cũng tích cực chủ động tìm hiểu nhằm đáp ứng các điều kiện chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để tận dụng ưu đãi và đang không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhãn mác bao bì cũng như chú trọng thực hiện truy xuất nguồn gốc thông tin để phát triển sản phẩm tại thị trường EU ngay sau khi EVFTA đi vào thực thi.
Chất lượng là yếu tố quyết định
Theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), thực tế, chưa nhiều DN bắt nhịp được để đưa hàng hóa vào EU theo tiêu chuẩn của thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Do đó, trong dài hạn, DN muốn tiếp cận thị trường này buộc phải tiếp tục thay đổi nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn mà EU đã quy định.
“Thay vì nỗ lực gia tăng sản lượng, cạnh tranh về giá, các DN Việt Nam cần nâng cao khả năng đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường thông qua đầu tư công nghệ, kiểm soát và nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cấp nền tảng năng lực cạnh tranh về mô hình kinh doanh, về chiến lược, quản trị, nhân lực, chất lượng hàng hóa và dịch vụ theo tiêu chuẩn EU” - Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc khuyến cáo.
Đưa ra những khuyến nghị dành cho DN xuất khẩu, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, DN phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Bởi, người tiêu dùng châu Âu không quan tâm nhiều giá sản phẩm mà xem trọng chất lượng của sản phẩm. Đặc biệt, các lô hàng xuất khẩu phải đảm bảo đồng đều về chất lượng, nếu không duy trì tốt, DN chỉ chen chân vào thị trường EU ban đầu song khó có thể cạnh tranh, chiếm lĩnh được thị trường này về mặt lâu dài.
“Ưu đãi thuế quan chỉ là một lợi thế để Việt Nam mở cánh cửa vào EU, song rất khó để giữ thị phần ở thị trường khó tính này nếu người tiêu dùng EU không nhận thấy có lợi điểm về mặt chất lượng. Giảm thuế nhập khẩu theo EVFTA không quan trọng bằng việc sản phẩm Việt Nam mang sang EU có bán được hay không” - TS Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý cũng cho rằng, để hiện thực hóa những cơ hội to lớn mà EVFTA mang lại, các DN cần nắm chắc, đầy đủ, chính xác những cam kết trong EVFTA liên quan đến lĩnh vực và hoạt động kinh doanh của mình, từ đó mới có nền tảng, cơ sở hành động, chuẩn bị nguồn lực, xây dựng và triển khai các kế hoạch kinh doanh để khai thác lợi thế từ EVFTA hiệu quả nhất.
Theo dự báo của Bộ Công Thương, năm 2021, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU sẽ tăng trưởng khả quan trong bối cảnh tình hình dịch Covid- 19 được kỳ vọng sẽ được kiểm soát tốt hơn, các biện pháp hạn chế dần được nới lỏng và kinh tế EU nhiều khả năng sẽ dần hồi phục. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để các DN Việt Nam tận dụng cam kết trong EVFTA hiệu quả hơn, từng bước chiếm lĩnh thị trường EU.
Nguồn: Kinhtedothi.vn