Phải biết vươn lên chứ không thể mãi è cổ làm thuê

Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên vẫn băn khoăn mãi chuyện ông chứng kiến khi đi thăm một nhà máy may mặc vốn FDI ở quê nhà. Ông kể, nhà máy đó tuyển dụng 1.200 công nhân, họ làm việc 10 tiếng mỗi ngày mà lương bình quân chỉ có 4,5 triệu/người. “Tôi quan sát dưới chân của mỗi người có một chai nước; họ chỉ dám nhấm vài giọt để không phải đi tiểu vì không được phép”, ông kể lại với giọng thương cảm.

Vì sao làm việc trong điều kiện khắc nghiệt với mức lương như vậy mà mọi người vẫn lựa chọn đi làm?

Một nữ công nhân may lý giải: “Làm lúa quần quật mà chỉ dôi ra vài triệu bạc mỗi năm. Em đi làm thợ may mỗi tháng kiếm được 4-5 triệu là rất tươm trong khi vẫn làm lúa được”.

Câu chuyện đó cho thấy, dù nai lưng làm thuê, làm mướn ở công đoạn gia công thấp nhất của chuỗi giá trị thì người công nhân vẫn còn khá khẩm hơn người nông dân. Lao động giá rẻ, thâm dụng lao động vẫn là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của nền kinh tế này.

Đó là điều  đáng phải suy nghĩ sau 35 năm cải cách và mở cửa, và đáng báo động khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, làm các chuỗi cung ứng đứt gãy, sức mua suy sụp, tác đông lớn đến ngành dệt may và da giầy với 4,3 triệu lao động.

Phải biết vươn lên chứ không thể mãi è cổ làm thuê-1Trong các ngành thiên về xuất khẩu này, người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ cặm cụi làm trên trong các phân xưởng may mặc, các nhà máy đông lạnh chứ chưa vươn lên được ở các công đoạn khác với giá trị gia tăng cao hơn. Ảnh: Lê Anh Dũng

Xin trích dẫn một số thực trạng của công nhân ngành dệt may và da giầy do Nhóm hợp tác Công – Tư vì sự phát triển bền vững của ngành dệt may và da giày Việt Nam khảo sát cuối tháng 10 năm 2020.

Công nhân mất việc làm

Theo khảo sát đó, 9/10 người trong hai ngành dệt may và da giầy bị ảnh hưởng nghiêm trọng về việc làm và thu nhập trong 8 tháng đầu năm 2020. Họ bị cắt giảm việc, chỉ làm 3-4 ngày/ tuần, nhiều người bị cắt giảm việc làm tới 10-30 tuần, đa số nghỉ không lương tới 30-45 ngày.

Có tới 90% người lao động đã phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu; tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm bắt đầu trở nên nghiêm trọng. Hơn 70% lao động di cư không thể gửi tiền về cho gia đình ở quê.

Khảo sát như trên tương đồng với Tuyên bố chung của Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da Giày Túi xách Việt Nam (LEFASO) và Tổng Liên Đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hơn 1 triệu lao động trong tổng số 4,3 triệu lao động của ngành công nghiệp dệt may và da giày, túi xách bị mất/thiếu việc làm, chỉ làm việc với 50 - 60% công suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của gần 3 triệu hộ gia đình.

Tất nhiên, có việc làm trong các ngành công nghiệp thâm dụng lao động là “may mắn” với rất nhiều nông dân để trang trải những nhu cầu thiết yếu cấp bách của họ và con cái. Tuy nhiên, ở tầm quốc gia,  cổ vũ cho cái gọi là lợi thế - thâm dụng lao động, lao động giá rẻ - thì liệu người Việt Nam có động lực vươn lên trên nấc cao hơn của chuỗi giá trị toàn cầu?

Theo khảo sát trên, 65% các nhà máy may mặc và giày dép của Việt Nam vẫn nhận các đơn hàng xuất khẩu theo phương thức Cut-Make-Trim (CMT), tức là chỉ gia công sản phẩm chứ không tham gia vào các khâu hạ nguồn có giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị. Một mặt, các doanh nghiệp phụ thuộc tới 60% nguyên vật liệu từ Trung Quốc, mặt khác trên 90% thành phẩm của họ dành cho xuất khẩu, trong đó phần lớn là thị trường châu Âu, Mỹ.

Phải biết vươn lên chứ không thể mãi è cổ làm thuê-2Ảnh: Lê Anh Dũng

Thâm dụng lao động

Theo các số liệu chính thức, trong giai đoạn 2011-2019 may mặc, da giày, chế biến thực phẩm vẫn là các ngành tạo việc làm chính cho nền kinh tế, với tốc độ tăng trưởng về lao động bình quân đạt trên 6%; ngành điện tử 21%; các ngành cao su-nhựa, cơ khí, ô tô 8%.

Trong các ngành thiên về xuất khẩu này, người Việt Nam chúng ta vẫn chỉ cặm cụi làm trên trong các phân xưởng may mặc, các nhà máy đông lạnh chứ chưa vươn lên được ở các công đoạn khác với giá trị gia tăng cao hơn.

Phần lớn doanh nghiệp FDI (khoảng 83%) tại Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn đầu tư nước ngoài nên đã tạo ra khoảng cách nhất định về tập quán, cách thức sản xuất kinh doanh, trình độ năng lực quản lý với doanh nghiệp Việt Nam nên mối liên kết và hiệu quả hợp tác chưa cao.

Bên cạnh đó, có nhiều dự án FDI sản xuất sản phẩm công nghệ cao nhưng gần như không tạo ra giá trị gia tăng trong nội địa vì toàn bộ máy móc, nguyên vật liệu, công nghệ sản xuất đều được nhập khẩu và sản phẩm đầu ra được xuất khẩu 100%.

Nói cách khác, lợi ích thu được cho quốc gia chỉ là giải quyết việc làm cho người lao động mà thôi.

Với lợi thế lao động giá rẻ, chúng ta sẽ tiếp tục khuyến kích luồng vốn FDI vào các ngành nghề cần nhiều công nhân, ít giá trị gia tăng, dựa vào một vài quốc gia về cả đầu vào lẫn đàu ra như đã từng khuyến khích tronghơn 3 thập kỷ qua?

Phải biết vươn lên

Số doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, đa số là doanh nghiệp tư nhân, quy mô nhỏ, khó kết nối với khu vực doanh nghiệp FDI chứ đừng nói là vươn ra cạnh tranh, chiếm lĩnh trên thị trường quốc tế.

Trong dịp tổng kết Bộ Công Thương cuối năm ngoái, có một vài số liệu được nêu ra: số lượng nhà cung ứng cấp 1 của Samsung tăng từ 35 doanh nghiệp năm 2018 lên 42 doanh nghiệp, số lượng nhà cung ứng cấp 2 cũng tăng từ 157 doanh nghiệp năm 2018 lên 170 doanh nghiệp;… Vâng, quả là ít ỏi!

Hiện nay, vốn FDI chiếm 22- 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, chiếm 50% giá trị sản lượng công nghiệp, 70% kim ngạch xuất khẩu.

Cần phải đặt câu hỏi, vì sao doanh nghiệp tư nhân không kết nối được với họ? Vì sao doanh nghiệp không phát triển lên tương xứng với họ?

Nói vậy để thấy, phải nâng cao tỉ lệ nội địa hóa, sử dụng sản phẩm đầu vào trong nước, thay thế nhập khẩu, phải kết nối được vào các doanh nghiệp FDI, và đặc biệt phải biết thôi tự hào về “thâm dụng lao động” nếu không muốn tiếp tục tình thế như hiện nay.

Không gian để người Việt Nam vươn lên trên phần trên của chuỗi giá trị còn rất mênh mông, để hiện thực giấc mơ công nghiệp hóa đất nước nếu không muốn mãi làm thuê lao động chân tay ngay ở đất nước mình.

Nguồn: https://premium.vietnamnet.vn/phai-biet-vuon-len-chu-khong-the-mai-e-co-lam-thue-n-474472.html

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/