Hào hứng "mở hàng" năm mới
Hoạt động sản xuất - kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp sôi động ngay từ những ngày đầu năm mới với tinh thần "vừa lo chống dịch vừa lo làm ăn"
Ngay từ đầu năm Tân Sửu 2021, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú (Cà Mau) nhận được tin vui từ thị trường Mỹ khi quyết định về việc áp thuế chống phá giá với tôm Ấn Độ lên sản phẩm tôm xuất khẩu từ Minh Phú vào Mỹ bị hủy bỏ.
Tấp nập đơn hàng
Theo ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, để có được kết quả này, toàn bộ nhân sự của DN cùng với đội ngũ luật sư đã phải làm việc căng thẳng với cường độ cao trong suốt hơn 1 năm nhằm cung cấp cho phía Mỹ số lượng thông tin và hồ sơ khổng lồ. Do đó, năm 2020, giá trị xuất khẩu tôm của Minh Phú giảm 6% giữa lúc bối cảnh toàn ngành tôm Việt Nam tăng trưởng 11%. "Nhưng năm nay sẽ khác vì kết quả vụ kiện giúp Minh Phú có khả năng cạnh tranh cao hơn (thuế từ 10,17% còn 0% - PV), DN sẽ mua tôm nguyên liệu của nông dân giá cao hơn. Là DN lớn, trước giờ giá tôm nguyên liệu ở thị trường Việt Nam do Minh Phú dẫn dắt nên toàn ngành tôm Việt Nam cũng được hưởng lợi" - ông Quang nhấn mạnh.
Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, ông Trương Đình Hòe, thông tin đầu năm 2021, khi tôm nguyên liệu nuôi đạt đủ độ lớn, các DN sẽ bắt tay vào chế biến để xuất khẩu hết những đơn hàng còn nợ từ năm trước do thiếu nguyên liệu sản xuất và thiếu container xuất hàng. "Con tôm vẫn là niềm kỳ vọng của ngành thủy sản trong năm nay với mức tăng trưởng có thể đạt 15%, đưa về giá trị xuất khẩu từ 4-4,4 tỉ USD. Còn với toàn ngành, triển vọng tăng trưởng phụ thuộc lớn vào tình hình kiểm soát dịch Covid-19" - ông Hòe nhận định.
Ở ngành dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Hưng Yên (Hugaco), cho biết hầu hết các đơn vị trong hệ thống đều có đơn hàng xuất khẩu ít nhất đến hết tháng 2 hoặc tháng 3 năm nay, nhiều đơn vị có đơn đến hết tháng 6. "Tuy đơn hàng không thiếu nhưng giá có phần thấp hơn trước do phải cạnh tranh với Trung Quốc, Bangladesh có nguồn nguyên liệu đang hạ giá. Để cạnh tranh, giá nhân công của chúng tôi buộc phải hạ song vẫn cơ bản bảo đảm thu nhập cho người lao động, một số DN thuộc Hugaco thậm chí duy trì được mức lương 700-800 USD/tháng cho công nhân, gấp 2 lần so với bình quân chung của cả nước. Hy vọng đến khoảng tháng 4-2021, giá thuê container có thể được kiểm soát và giảm, cùng với dệt may vào chính vụ, hoạt động kinh doanh của DN trong ngành sẽ khởi sắc" - Chủ tịch Nguyễn Xuân Dương bày tỏ.
"Ra quân" đầu năm vào ngày 17-2, Công ty CP Ôtô Trường Hải đã xuất khẩu hơn 200 ôtô và linh kiện phụ tùng sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lô hàng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, gồm xe du lịch Kia, xe bus và sơ-mi rơ-moóc được sản xuất tại các nhà máy thuộc Khu Công nghiệp THACO Chu Lai.
Trong năm 2021, ngành dệt may hy vọng sẽ vượt qua khó khăn và khởi sắc. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Đặt mục tiêu cao
Trong lĩnh vực sản xuất ôtô, Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam khởi động làm việc từ mùng 5 Tết với mục tiêu đạt được mức tăng trưởng 10%-15% trong năm 2021 giữa bối cảnh dịch bệnh đầy thách thức.
Ông Lê Ngọc Đức, Tổng Giám đốc Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam, cho biết sự thành công của DN trong năm 2020 đến từ những quyết định có phần táo bạo nhưng đều dựa trên phân tích, đánh giá kỹ lưỡng về nhu cầu cũng như mức độ phục hồi của thị trường sau dịch. Do đó, dù dịch bệnh hoành hành gần như cả năm 2020 nhưng nhờ sự "phòng thủ" cẩn trọng nên khi thị trường khởi sắc, DN vẫn bảo đảm nguồn cung ổn định, không bị động. "Năm 2020, chúng tôi chỉ dừng sản xuất trong 14 ngày cao điểm dịch Covid-19 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ. Còn lại, DN duy trì hoạt động 24/7 với 3 ca sản xuất mỗi ngày trên tinh thần vừa phòng dịch vừa bảo đảm sản xuất để tối ưu hóa chi phí vận hành và chuẩn bị nguồn hàng khi thị trường ấm lại. Năm nay, dự kiến DN cũng sẽ "sống chung với dịch" như cách làm của năm trước để tránh tình trạng khi cầu tăng lại thiếu nguồn cung" - ông Lê Ngọc Đức chia sẻ, đồng thời kiến nghị nhà nước duy trì chính sách vĩ mô ổn định, gia hạn chính sách hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19 để DN có thêm thời gian hồi phục, phát triển.
Về kế hoạch năm 2021, ông Đức cho biết Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam tiếp tục chiến lược mở rộng sản xuất, hợp tác liên doanh để thu hút đầu tư, sản xuất linh kiện cung ứng toàn cầu và tăng tỉ lệ nội địa hóa. Đồng thời, DN cũng sẽ tăng cường năng lực quản trị, tập trung chuyển đổi số… để tối ưu nguồn lực, tăng năng lực cạnh tranh.
Còn ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, phấn khởi cho biết tuy chưa thể dự đoán được tình hình dịch bệnh sẽ tác động ra sao đến nền kinh tế trong dài hạn song các DN thuộc hiệp hội đều có kế hoạch chuẩn bị đơn hàng để công nhân có việc làm đầy đủ sau kỳ nghỉ Tết âm lịch. Năm ngoái, dịch bệnh bùng phát lần đầu tiên ngay sau Tết âm lịch nên DN trở tay không kịp, nhiều DN không có nguyên liệu dự trữ để sản xuất, đơn hàng xuất khẩu bị đình trệ. Rút kinh nghiệm, năm nay, DN đã chủ động đàm phán với đối tác từ trước Tết để ký kết được những hợp đồng khá tốt và chuẩn bị sẵn nguồn nguyên liệu cho vài tháng sau Tết.
"Khả năng tăng trưởng của ngành trong năm nay là không dễ dàng nhưng mục tiêu của chúng tôi là đến năm 2022, có thể quay về mức tăng trưởng của năm 2019" - ông Phạm Xuân Hồng lạc quan.
Nguồn:Nld.com.vn