|
Hàng giả mạo xuất xứ do Hải quan TPHCM bắt giữ tại cảng Cát Lái ngày 3/1/2020. Ảnh: T.H |
Ban thư ký WCO vừa công bố nghiên cứu so sánh liên quan đến chứng nhận xuất xứ nhằm xem xét các xu hướng mới về chứng nhận xuất xứ để không hưởng ưu đãi và hưởng ưu đãi thuế. Trước đó, năm 2014, Ban thư ký WCO cũng đưa ra bản nghiên cứu về nội dung này.
Tài liệu nghiên cứu mới nhất năm 2020 của Ban thư ký WCO cho thấy, đối với chứng nhận xuất xứ không hưởng ưu đãi thuế, việc sử dụng hoặc chấp nhận chứng nhận xuất xứ điện tử (e-CO) ngày càng nhiều. Theo đó, các quốc gia phát hành nhiều e-CO nhất là Trung Quốc, Vương quốc Anh, Hà Lan, Bỉ, Hàn Quốc và Tây Ban Nha. Trong đó, đối với chứng nhận xuất xứ không hưởng ưu đãi thuế thì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai quốc gia chỉ cung cấp chứng nhận ở định dạng e-CO này.
|
Hàng giả mạo xuất xứ do Hải quan TPHCM bắt giữ tại cảng Cát Lái ngày 3/1/2020. Ảnh: T.H |
Các e-CO được chứng minh làm giảm nguy cơ giả mạo chứng nhận một cách hiệu quả. Ngoài ra, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hiện nay, việc phi vật chất hóa giấy chứng nhận xuất xứ có thể hạn chế sự tương tác vật lý giữa nhà xuất khẩu và cơ quan cấp cũng như giữa nhà nhập khẩu và cơ quan Hải quan.
Đặc biệt, đối với chứng nhận xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế, bản nghiên cứu của Ban thư ký WCO cũng chỉ ra có 209 FTA có nội dung quy định về xuất xứ, trong khi năm 2014 quy định về xuất xứ chỉ giới hạn ở mức 149 FTA.
Bản nghiên cứu năm 2014 cũng chỉ ra, hơn một nửa số FTA được nghiên cứu, cho thấy có quy định về một số hình thức tự chứng nhận xuất xứ, là cơ chế cho phép nhà xuất khẩu được chấp thuận tự chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm của mình hoàn toàn dựa trên năng lực nhà xuất khẩu hoặc dựa trên năng lực nhà nhập khẩu. Cơ chế tự chứng nhận xuất xứ dựa trên năng lực nhà xuất khẩu được sử dụng chủ yếu trong các FTA liên quan đến một hoặc nhiều quốc gia châu Âu; trong khi các FTA liên quan đến các nước ở châu Mỹ sử dụng cả hai cơ chế tự chứng nhận xuất xứ dựa trên năng lực nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Các FTA trong nội khối châu Phi và nội châu Á nghiêng về cơ chế chứng nhận xuất xứ được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền.
Trong khi đó, một trong những phát hiện mới được công bố ở bản nghiên cứu năm 2020 của Ban thư ký WCO là các FTA được ký kết gần đây dường như ưu tiên việc tự chứng nhận xuất xứ, đặc biệt là cơ chế tự chứng nhận hoàn toàn dựa trên năng lực của nhà xuất khẩu và hệ thống tự chứng nhận xuất xứ dựa trên năng lực nhà nhập khẩu mà với sự tham gia của cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu là rất ít hoặc không có.
Trong đó, quá nửa số FTA đưa ra quy trình thủ tục cấp chứng nhận khác nhau cho phép thương nhân lựa chọn phương án phù hợp với mình. Với việc được lựa chọn linh hoạt này dẫn đến tăng tính thân thiện với người dùng và tạo thuận lợi thương mại.
Bản nghiên cứu năm 2020 này cũng chỉ ra xu hướng mới về áp dụng hệ thống thông tin theo chuỗi đối với quy trình tự chứng nhận xuất xứ. Việc áp dụng hệ thống thông tin theo chuỗi được ứng dụng trong phát hành và trao đổi chứng nhận xuất xứ điện tử sẽ hạn chế việc chứng nhận xuất xứ bị giả mạo cũng như xác minh xuất xứ của cơ quan có thẩm quyền.
Cụ thể, nếu các bên tham gia giao dịch hàng hóa thực hiện rộng rãi hơn việc trao đổi dữ liệu về xuất xứ từ thời điểm hàng hóa được sản xuất hoặc thu hoạch cho đến tất cả các giai đoạn tiếp theo của quá trình xử lý cho đến khi đến tay người tiêu dùng cuối cùng, thì thông tin về chứng nhận xuất xứ có thể dựa vào hệ thống dữ liệu theo chuỗi để xác định trực tiếp tại cửa khẩu mà không cần cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Nghiên cứu cũng đưa ra nhận định đây có thể là một xu hướng có tính tiến bộ to lớn không chỉ tạo thuận lợi thương mại mà còn tăng cường tính tuân thủ của doanh nghiệp.
(Theo bản tin của Tổ chức Hải quan thế giới, tháng 10/2020, http://www.wcoomd.org/en/topics/origin/instrument-and-tools/origin-certification-tools.aspx).