Sau 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1975 - 2015), nâng cấp thành quan hệ đối tác chiến lược từ năm 2011, quan hệ thương mại hai chiều Đức - Việt Nam liên tục phát triển, hợp tác và bổ trợ lẫn nhau.
TÍN HIỆU TÍCH CỰC TỪ EVFTA
Trong EU, Đức hiện là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ hai của Việt Nam và là thị trường nhập khẩu lớn nhất. Còn trên thế giới, Đức hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 7 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Việt Nam.
Từ năm 2001 đến 2018, xuất nhập khẩu Việt Nam với Đức tăng đều qua từng năm với tốc độ 14%/năm. Tuy nhiên, đến năm 2019 xu hướng này giảm dần. Xuất khẩu Việt Nam sang Đức không ổn định và liên tục sụt giảm do thời gian gần đây phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia khác như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh.
Thương mại Việt Nam - Đức giai đoạn 2001 -2019.
So với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới và EU, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Đức cũng rất thấp. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ra thế giới 17,8% và EU là 13%.
"Mặc dù cán cân thương mại Việt Nam vẫn thặng dư, bù đắp thâm hụt với các quốc gia khác nhưng hai năm gần đây, cán cân thương mại Việt Nam - Đức tăng trưởng với tốc độ âm, điều này cho thấy xu hướng kim ngạch tăng nhưng nhìn sâu bên trong thì tốc độ giảm", Tiến sĩ Vũ Thanh Hương, Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Tp.HCM) nói như vậy tại Diễn đàn Kinh tế và Thương mại Việt - Đức 2020 diễn ra sáng 12/11.
Tuy vậy, theo Tiến sĩ Hương, quan hệ thương mại hai nước có tín hiệu lạc quan hơn bắt đầu từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực từ 1/8/2020. Sau khi EVFTA có hiệu lực, xuất khẩu nhập khẩu Việt Nam - Đức đảo chiều, tăng trưởng mạnh so với năm ngoái.
“Cần có thêm thông tin để thấy tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 8-9 thì bao nhiêu phần trăm tận dụng ưu đãi từ EVFTA, tuy nhiên đây vẫn là tín hiệu đáng mừng cho thấy EVFTA đã bắt đầu tác động tích cực đến thương mại hai nước. Hai bên có những lộ trình cam kết giúp thương mại hai bên phát triển mạnh hơn, khắc phục suy giảm thời gian qua”, Tiến sĩ Vũ Thanh Hương nhấn mạnh.
HÀNG DỆT MAY, DA GIÀY XUẤT KHẨU VÀO ĐỨC TĂNG MẠNH
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, tháng 9/2020, Việt Nam xuất khẩu sang Đức gần 573 triệu USD, nâng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước lên 850,3 triệu USD. Trong đó, Việt Nam nhập khẩu 277,3 triệu USD hàng hóa. Thặng dư thương mại hơn 295,6 triệu USD.
Lũy kế 9 tháng 2020, Việt Nam xuất khẩu sang Đức 4,9 tỷ USD và nhập khẩu về 2,4 tỷ USD.
Những nhóm hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đức có kim ngạch tăng trưởng so với tháng 8 là: giày dép các loại tăng 9%; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 13%; cà phê tăng 19%; hàng thủy sản tăng 6%...
Trong khi đó, mặt hàng dệt may - một trong những mặt hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam vào Đức trong tháng 9/2020 lại giảm mạnh, ghi nhận 58,5 triệu USD, giảm 17% so với tháng 8/2020.
Nhận định về cơ hội xuất khẩu vào Đức trong giai đoạn tới, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, dệt may, đồ điện tử, giày dép, sản phẩm da là những mặt hàng Việt Nam được hưởng lợi nhờ tỷ lệ dòng thuế EU xoá bỏ ngay cho Việt Nam khi EVFTA có hiệu lực. Trong đó, tỷ lệ thuế giảm cho mặt hàng dệt may là 43%, đồ điện tử là 90%, giày dép là 59%. 7 năm nữa toàn bộ thuế quan các mặt hàng sẽ về 0%.
Nhờ đó, dự báo tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam sang EU trong đó có Đức sẽ tăng mạnh vào năm 2025, sau 5 năm EVFTA có hiệu lực.
Cụ thể, da giày xuất khẩu vào EU tăng 99%, may mặc tăng 81%, dệt tăng 67%. Cùng với đó, gạo tăng 65%, đường tăng 8%.
“Việt Nam là một trong rất ít đối tác hưởng lợi từ thuế quan xuất khẩu vào Đức. Bên cạnh Việt Nam chỉ có Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore có EVFTA với Đức nhưng các nước này đều không phải là đối tác cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam về các mặt hàng chúng ta đang xuất khẩu. Do đó, nếu tận dụng tốt thuế quan thì Việt Nam sẽ gia tăng thị phần tại Đức”, bà Trang nhấn mạnh.
Ở chiều ngược lại, mức độ tăng trưởng nhập khẩu từ Đức cũng tăng nhanh, nhu cầu nhập khẩu hàng hoá từ Đức của Việt Nam thời gian từ 2015 - 2019 tăng cao. Với cơ hội thuế quan sau khi EVFTA có hiệu lực, nhập khẩu từ Đức vào Việt Nam dự báo tiếp tục tăng trưởng. Hiện, Việt Nam nhập khẩu nhiều từ Đức là máy móc thiết bị, đồ điện tử, dược phẩm, sắt thép…
“Điều này sẽ giúp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đức hiện là nhân tố hàng đầu trong nhiều chuỗi giá trị toàn cầu, đây là cơ hội Việt Nam tham gia vào chuỗi người Đức đang nắm giữ”, bà Trang nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Doãng Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ châu Âu, Bộ Ngoại giao cũng cho rằng, các mặt hàng xuất khẩu hai bên không trùng, không cạnh tranh lẫn nhau, do đó, quan hệ thương mại hai nước bổ trợ lẫn nhau.
“EVFTA đi vào hiệu lực từ 1/8/2020, Việt Nam và EU cũng ký hiệp định bảo hộ đầu tư IPA, hiện phía Việt Nam đã phê chuẩn, còn chờ đợi Đức và EU phê chuẩn. Khi hai hiệp định này cùng có hiệu lực thì quan hệ thương mại đầu tư hai bên có nhiều cơ hội phát triển hơn nữa. Đặc biệt đây là hiệp định tiêu chuẩn cao, không chỉ xoá bỏ dòng thuế nhập khẩu mà còn hướng Việt Nam đến tiêu chuẩn cao về thương mại và đầu tư quốc tế”, ông Minh nhấn mạnh.
Theo VNeconomy