Nếu như các tháng 4 - 5 - 6/2020 rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trong ngành chế biến gỗ đã lâm vào cảnh khó khăn do thiếu đơn hàng thì nay nhiều doanh nghiệp đang chạy nước rút để hoàn thành các đơn hàng với đối tác. Thậm chí có những doanh nghiệp còn đang quá tải đơn hàng vì đối tác dồn dập đặt mua.
|
Nhiều doanh nghiệp gỗ đang chạy nước rút hoàn tất các hợp đồng giao hàng cho đối tác |
Ông Nguyễn Liêm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Lâm Việt chia sẻ, từ tháng 7 đến nay chúng tôi đã nhận rất nhiều đơn hàng từ đối tác nước ngoài. Có thể nói cho đến hiện tại chúng tôi đã có đủ đơn hàng sản xuất cho đến cuối năm. Ngoài ra đã có một số đối tác đặt hàng cho đến hết quý 2 năm sau. Do đó Lâm Việt đang phải hoạt động hết công suất để hoàn thành các đơn hàng đã ký kết.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh ước tính, mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 12 tỷ USD của ngành gỗ trong 2020 hoàn toàn trong tầm tay. Bởi lẽ Việt Nam có nhiều mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh như: Gỗ ghép thanh, đồ mộc xây dựng, ghế ngồi, các đồ nội thất và bộ phận đồ nội thất, ngoại thất, viên nén năng lượng… Đặc biệt, với nhóm đồ nội thất có trị giá xuất khẩu lớn nhất trong các nhóm hàng gỗ và lâm sản sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định trong thời gian tới.
Không được thuận lợi như ngành gỗ song các doanh nghiệp dệt may vẫn kỳ vọng xuất khẩu sẽ đổi chiều trong những tháng cuối năm. Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, khả năng ngành này chỉ đạt 32 - 32,5 tỷ USD kim ngạch trong năm nay, thấp hơn so với mục tiêu hồi đầu năm là 40 tỷ USD.
Dù vậy, để đạt con số nói trên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đề xuất hệ thống tham tán thương mại của Việt Nam ở nước ngoài cần là cầu nối khai thác tốt thị trường; đồng thời các bộ, ngành cần kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về nguyên phụ liệu cũng như tiếp cận các gói hỗ trợ tín dụng.
Tương tự, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) thừa nhận cho đến thời điểm hiện tại, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn chưa thoát được cơn khủng hoảng suy giảm do nhu cầu giảm, sản xuất bị ảnh hưởng khiến nguyên liệu chế biến giảm. VASEP dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam 3 tháng cuối năm sẽ đạt khoảng 2,3 tỷ USD (giảm nhẹ 2% so với cùng kỳ), nâng kim ngạch xuất khẩu cả năm lên trên 8,6 tỷ USD. Hiện tại, nhiều doanh nghiệp thủy sản lớn như Công ty CP Nam Việt, Công ty CP Vĩnh Hoàn… đang tích cực thực hiện các đơn hàng với đối tác, bù đắp lại những gián đoạn trong giai đoạn giữa năm 2020 mà dịch bệnh gây ra.
Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu hàng hóa của cả nước trong 9 tháng qua đã đạt 202,86 tỷ USD, tăng 4,2% so với cùng kỳ. Bộ Công Thương nhận định, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng dương là tín hiệu đáng mừng.
Đáng chú ý, trong số các thị trường xuất khẩu của Việt Nam thì thị trường EU đã cho thấy sự phục hồi tích cực. Chỉ tính riêng tháng 8, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường EU đã đạt 3,25 tỷ USD, tăng 4,65% so với tháng 7 và tăng 4,2% so với cùng kỳ, đưa kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường EU đạt 22,76 tỷ USD, tăng gần 500 triệu USD so với bình quân 7 tháng đầu năm (bình quân 7 tháng là 2,79 tỷ USD). Sang tháng 9, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục duy trì đà tăng mạnh với 14,4% so với cùng kỳ.
Việc xuất khẩu sang EU tăng được Bộ Công Thương nhận xét do tác động tích cực từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đầu tháng 8 vừa qua.
Chính vì thế, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn chưa chấm dứt, Bộ Công Thương khẳng định sẽ tăng cường triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường EU; đồng thời triển khai hình thức xúc tiến thương mại áp dụng trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, bạn hàng, hỗ trợ doanh nghiệp. Những hoạt động này được kỳ vọng giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng xuất khẩu, hoàn thành những mục tiêu dang dở đã đề ra từ đầu năm nay.