Sân chơi EVFTA là động lực mới và quý để doanh nghiệp vươn lên
Thực tế chỉ ra, doanh nghiệp muốn sống sót phải thay đổi, phải chấp nhận đương đầu thách thức để phát triển. Sân chơi EVFTA chính là cơ hội, là động lực mới và quý để doanh nghiệp Việt vươn lên.
Theo thông tin từ Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), chỉ trong tháng đầu Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, đã có trên 7.200 bộ giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch 277 triệu USD hàng hóa xuất khẩu sang 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan,... Thị trường nhập khẩu đa phần là các nước có cảng biển và trung tâm phân phối, trung chuyển của EU như Bỉ, Đức, Hà Lan, Pháp, Anh, trong đó, nhiều lô hàng đã tới thị trường EU, thông quan và được hưởng ưu đãi.
EU là đối tác nhập khẩu lớn với sức mua đứng thứ hai thế giới và là thị trường trọng điểm của xuất khẩu Việt Nam trong nhiều năm qua.
Trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít các nước có FTA với EU (sau Hàn Quốc, Nhật Bản và Singapore), vì thế, EVFTA mở ra cơ hội và lợi thế xuất nhập khẩu đặc biệt cho hàng hóa Việt Nam. Đồng thời, EVFTA cũng tạo ra sức hấp dẫn cho Việt Nam trong thu hút đầu tư từ một đối tác đầu tư FDI hàng đầu thế giới, với nguồn vốn công nghệ và quản lý tiên tiến bậc nhất hiện nay.
Do đó, EVFTA tạo nhiều kỳ vọng cho Việt Nam, làm đa dạng chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), để tận dụng tốt cơ hội mà EVFTA hứa hẹn mang lại, các doanh nghiệp cần có hiểu biết chính xác, đầy đủ về các cam kết EVFTA cụ thể liên quan đến hoạt động kinh doanh, từ đó mới có thể hành động chuẩn bị, tận dụng cam kết một cách phù hợp.
Sân chơi EVFTA chính là cơ hội, là động lực mới và quý để doanh nghiệp Việt vươn lên. Ảnh minh họa.
Nói về cách thức tận dụng và hiện thực hóa cơ hội từ EVFTA, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi tham gia EVFTA, chúng ta mải miết chạy theo những chỉ tiêu mong đợi mà quên mất những thế mạnh của mình. Đồng thời, khi tham gia EVFTA, người nông dân trong nước chịu nhiều sức ép từ hàng hóa bên ngoài. Sức ép này lại trở thành lợi thế của các quốc gia khác chứ không phải cho Việt Nam, đặc biệt là lợi thế của Trung Quốc. Ngoài ra, chúng ta tiếp nhận hàng hóa của các nước nhưng lại không nâng được hàng hóa của mình lên. Việc doanh nghiệp Việt không chuẩn bị đủ lực sẽ dẫn đến hụt hơi, đuối sức khi tham gia EVFTA.
Tuy nhiên, bà Chi Lan cho rằng, dù còn nhiều khó khăn nhưng thời điểm này EVFTA lần này sẽ khác. Bởi hiện nay dịch Covid-19 đang hoành hành làm tất cả các nước ngổn ngang, điều đó đặt chúng ta ở thế phải vươn lên, không thể không thay đổi. Thứ nữa, lần này sẽ tốt hơn khi EVFTA đến vào lúc chúng ta có khát vọng lớn để vượt lên. Ta đang tự hoạch định cho mình chiến lược tham vọng để phát triển. Và EVFTA sẽ giúp chúng ta thực hiện được khát vọng của mình.
Đồng thời vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp muốn sống sót phải thay đổi, phải chấp nhận đương đầu thách thức để phát triển. Sân chơi EVFTA chính là cơ hội, là động lực mới và quý để doanh nghiệp Việt vươn lên.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, vấn đề doanh nghiệp Việt hiện nay quan tâm chủ yếu đến việc thực thị hiệp định. Bởi vậy, để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, Bộ Công Thương nên cải tiến trong việc cấp Giấy chứng nhận C/O và giảm bớt thủ tục kiểm tra chuyên ngành; VCCI nên trở thành trung tâm tư vấn pháp lý về thực hiện hiệp định EVFTA cho doanh nghiệp…
Nguồn:Vietq.vn