TP.HCM: Tìm cách tăng “sức đề kháng” cho doanh nghiệp trước cú sốc Covid-19
Có thể thấy, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi "sức khỏe" sau đợt dịch lần đầu. Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp tăng "sức đề kháng" duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.
Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tình hình sản xuất, xuất khẩu ngành dệt may tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu.
Theo đó, tính đến tháng 7, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may gần như chưa có đơn hàng "gối đầu" cho hai quý cuối năm, trong khi khẩu trang và đồ bảo hộ đã giảm mạnh cả về giá và sản lượng do dư thừa nguồn cung trên thế giới.
Đại diện Công ty TNHH Dệt May Đông Hoà (quận Tân Bình) nhận định, sáu tháng đầu năm vừa qua có lẽ vẫn chưa phải là thời điểm khó khăn nhất đối với ngành dệt may, do kinh tế còn thông thương và số ca nhiễm bệnh chưa tăng cao.
Tuy nhiên, thời điểm này, khi nhiều nước gần như rơi vào tình trạng không kiểm soát được dịch bệnh, chưa tạo lập lại việc làm, ngân khố các quốc gia đều ở trạng thái cạn kiệt và nhu cầu tiêu dùng giảm, những tháng cuối năm nay mới thật sự là thử thách đối với ngành dệt may.
Giải pháp được nhiều chuyên gia đưa ra là từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bùng phát trở lại, giải pháp này khả năng sẽ khó đem lại hiệu quả như mong muốn.
“Sức chống chịu của doanh nghiệp hiện đã rất yếu, nhất là căng thẳng về dòng tiền. Từ đợt dịch đầu tiên đến nay, các doanh nghiệp hầu hết đều chịu tác động lớn, hoạt động gần như tê liệt. Từ khi dịch bệnh bùng phát, ngành da giày vẫn chưa tìm được sản phẩm thay thế; dệt may dù chuyển hướng sang một số sản phẩm phòng, chống dịch, như: khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ) nhưng thực tế từ tháng 7 đến nay, đơn hàng mới rất khan hiếm...”, đại diện Công ty TNHH Dệt May Đông Hoà cho hay.
Có thể thấy, dịch Covid-19 bùng phát trở lại đã tác động tiêu cực đến hầu hết các doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ vốn chưa kịp phục hồi "sức khỏe" sau đợt dịch lần đầu. Thời điểm này, sự hỗ trợ thiết thực, hiệu quả của Nhà nước đang là vấn đề cấp bách giúp các doanh nghiệp duy trì hoạt động, từng bước vượt qua thử thách.
Trên tinh thần đó, mới đây Sở Lao động Thương bình và Xã hội TP.HCM đã xác định phương án hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo đó, trong thời gian tới nếu kiểm soát tốt dịchdịch Covid-19, dự kiến thành phố sẽ có khoảng 4.400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng và có khoảng 100.000- 120.000 người bị mất việc. Còn dịch Covid-19 diễn biến theo chiều hướng xấu hơn, dự kiến TP.HCM có 4.800- 5.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng với 160.000- 180.000 người mất việc.
Hiện Sở Lao động Thương bình và Xã hội TP.HCM đang phối hợp với các sở, ngành chủ động có phương án hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn, như: tổ chức sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm để người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm. Ngoài ra, vận động doanh nghiệp giãn ngày làm việc, luân phiên để nhiều người lao động cùng có việc làm, thay vì cắt giảm công nhân.
Song song đó, trường hợp doanh nghiệp gặp khó khăn thì có thể tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng thương mại và Ngân hàng chính sách xã hội, với lãi suất 0% để trả lương cho công nhân. Khi vay ở ngân hàng chính sách xã hội, với mỗi công nhân, doanh nghiệp sẽ được vay 50% mức lương tối thiểu vùng (ở TP.HCM là 4,42 triệu đồng/tháng) và không hạn chế số lượng công nhân.
Sở Lao động Thương bình và Xã hội TP.HCM cũng đề xuất UBND thành phố kiến nghị bộ, ngành trung ương không yêu cầu doanh nghiệp vay vốn ở ngân hàng chính sách xã hội phải chứng minh tài chính. Thay vào đó là tính mức sụt giảm, theo đó nếu sụt giảm khoảng 20%-30% doanh thu của quý đó so với quý IV/2019, thì có thể được hỗ trợ.
Sự hỗ trợ kịp thời của các Sở ban ngành vào thời điểm này đã nhận được sự đánh giá rất cao từ các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng, các cơ quan ban ngành cần rà soát lại các gói hỗ trợ trong bối cảnh làn sóng Covid-19 bùng phát lần thứ hai để nghiên cứu, xem xét, tháo gỡ vướng mắc một cách nhanh chóng.
Song song đó, cần mở rộng những gói hỗ trợ, thời gian, thời hạn và cả đối tượng cần hỗ trợ. Do dịch bệnh, sức cầu trên thị trường giảm sâu, nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp sẽ giảm, đồng thời kế hoạch đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh cũng thay đổi, không còn như trước. Dịch bệnh chưa có chiều hướng giảm mà còn có nguy cơ bùng phát mạnh hơn trước, doanh nghiệp đã khó sẽ càng khó khăn hơn.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, nhiều doanh nghiệp cho rằng, bên cạnh việc hạ lãi suất, khoanh nợ,... phía ngân hàng cần hợp tác với tổ chức tư vấn để cập nhật vào hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp. Việc thận trọng trước khi bơm vốn ra thị trường là cần thiết để tránh phát sinh nợ xấu sau dịch.
Nguồn: Doanhnghiepvn.vn