Chắc tay lái trên "xa lộ EVFTA"
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý doanh nghiệp hợp tác, học hỏi kinh nghiệm của nhau để tận dụng cơ hội của EVFTA bởi "muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì hãy cùng nhau đi"
Phát biểu tại hội nghị trực tuyến "Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA)" sáng 6-8, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận EVFTA mang lại cơ hội rất lớn nếu biết khai thác. Tuy vậy, khó khăn và thách thức cũng không nhỏ, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng như doanh nghiệp (DN) trong nước còn khá hạn chế.
Gia cố "kiềng ba chân"
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao làm cơ quan đầu mối điều phối việc triển khai Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và EVFTA. Thay mặt Bộ Công Thương, Bộ trưởng đã kiến nghị 6 giải pháp cụ thể.
Cam kết cắt giảm thuế của EVFTA là cơ hội lớn để ngành dệt may Việt Nam vươn lên .Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Thứ nhất, về công tác tuyên truyền, cần đẩy mạnh hơn nữa theo hướng đa dạng hóa về hình thức và chuyên môn hóa về nội dung, hướng tới từng đối tượng cụ thể. Thứ hai, tích cực xóa bỏ những rào cản đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh, thể hiện qua việc thay đổi tư duy trong xây dựng chính sách ở các cấp, đó là lấy DN làm trọng tâm và lấy chuẩn mực quốc tế làm thước đo. Thứ ba, đầu tư nhiều hơn vào việc phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại… để nâng cao năng lực cạnh tranh. Thứ tư, nâng cao nhận thức về những cam kết cao liên quan đến phát triển bền vững, cụ thể là gắn việc phát triển sản xuất và thương mại với các yêu cầu bảo vệ môi trường. Thứ năm, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho sản xuất và kinh doanh. Thứ sáu, bên cạnh việc trang bị năng lực cạnh tranh cho hàng hóa trong nước, cần tạo một môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh cho hàng hóa của cả hai bên.
"Nếu EVFTA được ví như con đường cao tốc cho việc thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế thì hôm nay, chúng ta đã tự tin sẵn sàng thông xe cho con đường đó để giúp các phương tiện lưu thông trên đó, chính là DN và nền kinh tế, được vận hành một cách thuận lợi, thông suốt và hiệu quả hơn" - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh kỳ vọng.
TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng để chuẩn bị tốt cho "bữa tiệc" hội nhập, cần gia cố "chiếc kiềng 3 chân trong bếp lửa" là thể chế, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Đây chính là nền tảng của năng lực cạnh tranh, yếu tốt cốt lõi để bảo đảm thành công trong hội nhập.
"Về cải cách thể chế, thời gian qua, Chính phủ đã làm quyết liệt. Đề nghị làm tốt hơn nữa theo hướng sử dụng tiêu chuẩn cao trong 2 hiệp định CPTPP và EVFTA để làm cơ sở cho cải cách. Ngoài ra, DN Việt chơi với "người khổng lồ" là cơ hội lớn để nâng cấp, lớn mạnh, vì thế DN cần tích cực đổi mới mô hình kinh doanh theo đúng cam kết. Có như vậy, chúng ta mới có được tấm giấy thông hành đi trên cao tốc EVFTA" - ông Lộc nêu ý kiến.
Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam Lê Tiến Trường cho biết quy mô nhập khẩu hàng dệt may của châu Âu lên tới 250 tỉ USD nhưng Việt Nam chỉ chiếm 2,2%, tương đương 5,5 tỉ USD - rất thấp so với tỉ trọng xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam trên toàn thế giới.
Nguyên nhân là bởi 2 yếu tố quyết định đến tính cạnh tranh của sản phẩm là thời gian giao hàng và giá cả thì DN Việt Nam đều yếu. "Trước đây, Thổ Nhĩ Kỳ là đối thủ của chúng ta về thời gian, còn Bangladesh có ưu thế về giá do được hưởng thuế suất thấp. Do vậy, dù nỗ lực rất nhiều, sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam vẫn thua kém. Nay, cam kết cắt giảm thuế của EVFTA là cơ hội lớn để dệt may Việt Nam vươn lên, chiếm thị phần tương xứng" - ông nói và dự báo kim ngạch xuất khẩu 5 năm tới sang châu Âu đạt 15-20 tỉ USD.
Ngoài ra, cam kết trong EVFTA cho phép sử dụng nguyên liệu cộng gộp từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Nắm bắt xu thế, thời gian qua, DN trong nước đã dịch chuyển sang mua nguyên liệu khá nhiều từ 2 nước này, chiếm khoảng 25% tổng số nguyên liệu đáp ứng yêu cầu về xuất xứ. Tuy nhiên, Bộ Công Thương cần có thảo luận chính thức với Nhật Bản và Hàn Quốc về vấn đề xuất xứ nguyên liệu để thông báo với châu Âu việc áp dụng ưu đãi. Bởi vì hiện nay, ưu đãi xuất xứ theo nguyên tắc cộng gộp vẫn chưa có giá trị tuy EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1-8.
"Chỉ có 3% DN dệt may có quy mô vốn trên 500 tỉ đồng, trong khi đó, đầu tư cho sản xuất nguyên liệu thì quy mô vốn này là chưa đủ. Do đó, cần có chính sách thu hút FDI và cần có các khu công nghiệp được quy hoạch cho sản xuất nguyên liệu, công nghiệp phụ trợ cho dệt may" - ông Trường kiến nghị thêm.
Đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất
Nguồn:Baonguoilaodong.vn