Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu chưa có xu hướng giảm, cùng với việc xuất hiện trở lại tại một số tỉnh, thành phố của Việt Nam khiến cho hoạt động sản xuất công nghiệp tiếp tục gặp khó. Chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất đầu vào của nền kinh tế cũng bị gián đoạn.
|
Đơn hàng xuất khẩu dệt may đang chững lại |
Báo cáo của Bộ Công Thương nêu rõ, trong 7 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 2,6% - mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua. Riêng trong tháng 7, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,2% (cùng kỳ năm 2019 tăng 10,7%); sản xuất và phân phối điện tăng 2,1%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,3%; riêng ngành khai khoáng giảm 7,8%.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng cuối năm 2020, Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ tiếp tục tập trung bám sát diễn biến, chủ động, sẵn sàng các phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả với những biến động mới phát sinh và sự cố có thể xảy ra. Đồng thời, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp tốt với các địa phương triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả giải pháp phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra; kế hoạch hành động của ngành Công Thương nhằm khôi phục và thúc đẩy phát triển công nghiệp trong giai đoạn mới phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, đối với ngành dệt may, nửa cuối năm, DN dệt may cần bù đắp sự thiếu hụt đơn hàng xuất khẩu bằng cách đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa; quản trị chi phí sản xuất, giữ vững chất lượng sản phẩm, bố trí lại lực lượng sản xuất, xác định lực lượng lao động chủ lực cần duy trì việc làm và thu nhập để người lao động đồng hành cùng DN vượt qua giai đoạn khó khăn khi thị trường chưa hồi phục...
Đưa ra giải pháp cho những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, cần thúc đẩy tái cơ cấu trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp. Trong đó, xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp, đặc biệt một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lớn theo hướng bền vững; tránh phụ thuộc quá lớn vào một hoặc một số ít đối tác, thị trường. Phối hợp chặt chẽ với một số DN FDI đa quốc gia tăng cường tìm kiếm DN sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu. “Cần tập trung xử lý hàng tồn kho, duy trì sản xuất các loại nguyên vật liệu phục vụ sản xuất mà Việt Nam có lợi thế” - Bộ trưởng nêu rõ.
Liên quan đến vấn đề điện, theo Bộ Công Thương, phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm nhằm đóng góp vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án trọng điểm ngành điện, đặc biệt là dự án nguồn điện được giao tại Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhất là các dự án nhiệt điện khu vực phía Nam...
Các địa phương phát triển mạnh vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; đề xuất các chính sách ưu đãi phù hợp, trước hết là đối với ngành dệt may, da giày và những ngành chịu ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. |