Nghiên cứu nhấn mạnh, hai khu vực thương mại được hình thành trong khuôn khổ của hai hiệp định trên đang tạo ra một không gia kinh tế Đông Á mang tính truyền thống hơn, đối lập với khuôn khổ an ninh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mới hình thành, chủ yếu là do Mỹ và Ấn Độ vắng mặt trong cả hai thỏa thuận.
Nghiên cứu của Viện Peterson mô tả lập trường của Mỹ và Ấn Độ là “giãn cách kinh tế” đối với các thỏa thuận đươc kỳ vọng sẽ tăng quy mô kinh tế hàng năm của các quốc gia thành viên CPTPP thêm 147 tỷ USD và các quốc gia thành viên RCEP thêm 186 tỷ USD vào năm 2030. Đặc biệt, Ấn Độ dự kiến sẽ mất 6 tỷ USD từ việc không tham gia RCEP so với việc có thêm được 60 tỷ USD nếu tham gia.
Nghiên cứu viết: “Mặc dù có lịch sử căng thẳng chính trị ở Đông Á, nhưng xu hướng này sẽ tăng cường hội nhập kinh tế giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, dựa trên mạng lưới sản xuất hiện đã rất lớn của các nước này. Những quốc gia thua cuộc sẽ là Mỹ và Ấn Độ, cả về ảnh hưởng kinh tế cũng như chiến lược trong khu vực”.
Nghiên cứu cho rằng, thông qua việc cắt giảm chi phí thương mại trong khu vực Đông Á, RCEP sẽ đẩy nhanh việc tách rời các nền kinh tế Đông Á và Mỹ, trong khi hai hiệp định thương mại châu Á sẽ bù đắp được phần lớn những thiệt hại trị giá 301 tỷ USD thu nhập toàn cầu hàng năm vào năm 2030 do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra, trừ các thiệt hại của chính hai cường quốc này.
Nghiên cứu trên cũng cho thấy RCEP không có Ấn Độ không mang lại quá nhiều niềm vui cho Australia do nước này đã có thỏa thuận thương mại với tất cả 14 quốc gia thành viên khác khi thỏa thuận này sẽ chỉ làm tăng thu nhập quốc dân thực tế của nước này thêm 1 tỷ USD mỗi năm vào năm 2030, không đáng kể so với 85 tỷ USD cho Trung Quốc và 48 tỷ USD cho Nhật Bản.
Trao đổi với Phóng viên TTXVN tại Sydney, chuyên gia phân tích kinh tế Gregory Earl của Viện Lowy cho biết có nhiều khả năng RCEP sẽ được ký kết trong năm nay vì nhiều quốc gia thành viên đang muốn có thêm sự vững tin về kinh tế trong bối cảnh thương mại quốc tế được dự báo sẽ thu hẹp.
Theo ông Earl, RCEP sẽ giúp các doanh nghiệp Australia tham gia vào chuỗi cung ứng trên khắp châu Á và chính phủ Australia đang nỗ lực để thỏa thuận có được ký kết trong năm nay. Australia sẽ có được hưởng lợi hơn rất nhiều nếu RCEP bao gồm cả Ấn Độ, nhưng điều đó dường như không xảy ra.
Trong khi đó, Giáo sư Carl Thayer từ Đại học New South Wales, nhận định, RCEP rất quan trọng đối với Australia, đặc biệt kể từ khi Tổng thống Donald Trump rút nước Mỹ khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), tiền thân của CPTPP. Australia muốn làm tất cả những gì có thể để thúc đẩy nền kinh tế thông qua các nỗ lực tăng cường thương mại bằng việc cắt giảm thuế quan và các rào cản thương mại khác. Ngoài ra, Australia thấy được lợi ích trong một thỏa thuận khu vực rộng rãi vì thỏa thuận này tạo ra một số hạn chế đối với Trung Quốc khiến các hành động của cường quốc châu Á này trở nên dễ đoán định hơn.