Xuất khẩu dệt may “ăn đong" từng tháng

Trước diễn biến khó đoán định của dịch Covid-19 tại nhiều thị trường xuất khẩu (XK) chủ lực của dệt may Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU..., cả năm nay XK dệt may dự báo sẽ sụt giảm khá lớn so với năm 2019.

XK dệt may giảm 15,5% so với cùng kỳ

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), 5 tháng đầu năm nay, XK dệt may đạt 10,56 tỷ USD, giảm 13,6% (tương đương 1,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Còn theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), giá trị XK dệt may 5 tháng qua thậm chí còn sụt giảm lên tới 15,5% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Vinatex cho biết, hiện nay đã có tình trạng hàng hóa nguyên liệu về, sản xuất ra quần áo nhưng không xuất được, chất đầy kho. Khi dịch Covid-19 dần được khống chế tốt hơn tại các quốc gia, nhu cầu khẩu trang giảm xuống, trong khi nhu cầu về quần áo thông thường lại chưa thực sự đi lên.

Dự kiến 6 tháng cuối năm sẽ khá khó khăn, phát sinh nhiều vấn đề, đặc biệt là về quan hệ lao động. Dù vậy, người đứng đầu Vinatex cho rằng, tất cả dự báo ở thời điểm này đều khó có độ chính xác cao. Trong tháng 6 thị trường có vẻ bão hòa về khẩu trang, đồ bảo hộ nhưng trong tình hình Trung Quốc tiếp tục bùng phát dịch Covid-19 trở lại, tình hình diễn biến dịch bệnh tại Mỹ gia tăng... thì câu chuyện lại xoay theo hướng khác.

"Liệu có trào lưu thứ hai của dịch không? Nếu có thì nhu cầu khẩu trang và đồ bảo hộ chưa kết thúc. Ngược lại, nếu dịch được kiểm soát tốt thì các thị trường mở cửa kinh doanh trở lại. Ta đang lo việc từng tháng chứ không dám nói câu chuyện chiến lược cả năm. Từng tháng nên phụ thuộc nhiều vào tình hình của thế giới", ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh.

Riêng ở góc độ dịch được kiểm soát ngày càng tốt, nhu cầu về khẩu trang, đồ bảo hộ đi xuống, ông Trường phân tích: 5 tháng qua người dân hạn chế chi tiêu, đến nay một số nhu cầu tới ngưỡng. Quần áo cũng vậy, 5- 6 tháng không mua thì nhu cầu các sản phẩm như quần áo lót, quần áo ngủ,… phải tăng lên. Khi nhu cầu mới tăng lên, vấn đề việc làm chưa ổn định, dùng hàng hóa cơ bản giá thấp là xu hướng chính. "Bằng chứng là hiện nay các DN may áo dệt kim đang có việc đến khoảng tháng 7, 8. Khó khăn tập trung dồn vào các DN may veston cao cấp, giờ phải chấp nhận may sơ mi kiểu "basic", thậm chí đồ dệt kim cũng phải làm, phải linh hoạt ứng phó. Chưa thể nói đến giải pháp lâu dài lúc này được, bây giờ đang xử lý đơn hàng hàng tháng", ông Lê Tiến Trường nói.

Hy vọng XK quý 4 không giảm sâu

Khó khăn kéo dài hết nửa đầu năm, tình hình nửa cuối năm khó đoán định, vậy XK dệt may cả năm nay sẽ ra sao?

Trả lời câu hỏi này của phóng viên Báo Hải quan, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas cho rằng, con số cao nhất có thể đạt được khoảng 34 tỷ USD (trong khi mục tiêu đặt ra là 40-42 tỷ USD). Theo ông Giang, mức sụt giảm XK của quý 1, quý 2 chưa nhiều mà quý 3 mới nặng nề. Bởi những đơn hàng quay trở lại có khó khăn là phải thăm dò sức mua của nước NK, cộng với áp lực nguồn cung thiếu hụt.

"Trung Quốc là thị trường sản xuất vải lớn nhất thế giới nhưng cũng có nhiều vấn đề nội tại, có những khó khăn. Không ai nói trước được điều gì, đặc biệt hiện nay đối đầu thương mại Mỹ-Trung vẫn đang diễn biến phức tạp. Ngành dệt may nói riêng và ngành công nghiệp nói chung sẽ có những áp lực", ông Giang nhấn mạnh.

Liên quan tới vấn đề này, ông Lê Tiến Trường đưa ra dự đoán thận trọng hơn, năm nay kịch bản khả quan là XK dệt may đạt 33-34 tỷ USD, giảm 15%-16% so với năm trước; kịch bản thấp nhất là XK dệt may đạt 30-31 tỷ USD, giảm 30% so với năm trước. "Hết 6 tháng dự kiến XK dệt may giảm 20% so với cùng năm trước. 8 tháng đầu năm 2019, XK dệt may tăng trưởng rất cao, song quý 4 lại XK không cao. Bởi vậy năm nay toàn ngành đang hy vọng XK quý 4 không giảm sâu so với cùng kỳ năm trước", ông Trường nói.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Giang khuyến cáo các DN dệt may thúc đẩy chuyển đổi nhanh kết cấu mặt hàng truyền thống sang mặt hàng có khả năng thích ứng nhanh, ví dụ khi gặp khó đơn hàng với mặt hàng veston cao cấp, sơ mi cao cấp... thì chuyển sang đồ bảo hộ lao động, may đồ dệt kim, sơ mi truyền thống... Ngoài ra, người đứng đầu Vitas cũng mong muốn Chính phủ thúc đẩy các chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho ngành công nghiệp dệt may phát triển ổn định; đặc biệt xây dựng chuỗi kết nối giải quyết căn cơ vấn đề nguyên phụ liệu...

Thanh Nguyễn

Nguồn:Haiquanonline.com.vn

 

ĐĂNG KÝ HỘI VIÊN

Vui lòng đọc kĩ nội dung Thư mời gia nhập hội
Điền đầy đủ thông tin vào đơn gia nhập hội và gửi về địa chỉ bên dưới

  • Address: 183H Dương Quảng Hàm, P. 5, Q.Gò Vấp
  • Phone: (08) 6 2973 567 - Fax : (08) 62 973 540
  • Website: http://agtek.org.vn/